20/02/2012 - 21:24

Phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái

Cần đầu tư để phát huy lợi thế

So với một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre…, diện tích vườn cây ăn trái của TP Cần Thơ không lớn bằng. Tuy nhiên, thành phố lại có lợi thế để phát triển vườn cây ăn trái kết hợp mô hình du lịch sinh thái...

* Củng cố, phát triển vườn cây ăn trái

Vườn cây ăn trái ở TP Cần Thơ đang cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Quách Kim Kê đã kiếm được thu nhập đáng kể từ vườn xoài xanh Đài Loan. Ảnh: ANH KHOA 

Vườn cây ăn trái tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt. Toàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 14.126 ha vườn cây ăn trái (giảm gần 600 ha so với cùng kỳ năm 2011 do tốc độ đô thị hóa làm mất dần đất nông nghiệp, trong đó có diện tích vườn cây ăn trái).

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp thành phố đã tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) trên cây ăn trái. Hướng dẫn nông dân sổ ghi chép quá trình sản xuất cây ăn trái, để sau này làm cơ sở tham gia ứng dụng GAP, có điều kiện điều chỉnh sản xuất giảm chi phí, tăng hiệu quả và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau. Đồng thời, ngành nông nghiệp thành phố còn tập trung hướng nông dân sản xuất cây ăn trái theo nhu cầu thị trường, trồng những loại cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định...

Quận Bình Thủy hiện có khoảng 2.300 ha vườn cây ăn trái, sản lượng hàng năm khoảng 15.300 tấn. Vườn cây ăn trái của Bình Thủy chủ yếu là vườn tạp, với khoảng 1.300 ha. Ngoài ra, mỗi năm quận mất gần 100 ha vườn cây ăn trái do tốc độ đô thị hóa, đất vườn cây ăn trái “dính” vào các quy hoạch... Trước tình hình trên, quận Bình Thủy định hướng nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, vườn tạp không đạt hiệu quả kinh tế cao thành những vườn cây ăn trái đặc sản và vườn cây chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: Đối với diện tích vườn tạp và không nằm trong các khu quy hoạch, Phòng Kinh tế hỗ trợ nông dân cải tạo lại, trồng lại những cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Riêng năm 2012, dự kiến hướng nông dân cải tạo khoảng 40 ha vườn cây ăn trái, trồng các loại cây như: xoài các loại, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, vú sữa... Phòng Kinh tế sẽ triển khai hỗ trợ 60% giá cây giống cho diện tích cây ăn trái dự kiến cải tạo trên (kinh phí từ chương trình hỗ trợ cây giống), đồng thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất...

Ông Quách Kim Kê, ở phường Long Tuyền có 4.800 m2 đất vườn, trước đây trồng cam, chanh sâu bệnh nhiều. Bước đầu ông cải tạo lại vườn trồng xoài cát Hòa Lộc, sau đó ông trồng xoài xanh Đài Loan. Ông Quách Kim Kê cho biết thêm: “Vườn xoài xanh Đài Loan khoảng 100 gốc đã được 8 năm tuổi, năm 2011 cho khoảng 10 tấn trái, thu nhập khoảng 170 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 140 triệu đồng. Riêng 40 gốc xoài xanh Đài Loan tôi mới trồng sau này, được Nhà nước trợ giá cây giống 60% cũng đã được 2 năm tuổi, năm nay xoài cho trái, dự kiến thu nhập còn tăng thêm...”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố định hướng phát triển vườn cây ăn trái theo mô hình du lịch sinh thái tùy theo đặc thù từng vùng, vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm có thể phát triển trồng chuyên canh... Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tranh thủ các nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi phục vụ phát triển vườn cây ăn trái. Dự kiến, tới đây sẽ triển khai dự án đê bao bảo vệ khoảng 500 ha vườn cây ăn trái ở huyện Phong Điền do Ngân hàng Thế giới tài trợ...

* Hướng đến mô hình du lịch sinh thái

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, những vườn cây ăn trái ở cặp các tuyến kênh rạch thuộc các phường Long Tuyền và Thới An Đông, dự kiến sẽ hướng nông dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái. Hiện nay, Bình Thủy mới có vài điểm du lịch sinh thái, nếu phát triển thêm mô hình này có thể thu hút được đông đảo khách du lịch, từng bước cải thiện thu nhập cho nông dân...

Huyện Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của thành phố, với 5.459 ha, sản lượng trái cây hàng năm trên 60.000 tấn. Những năm gần đây, huyện đã quan tâm hướng dẫn nông dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, chuyển sang trồng xen canh những loại cây ăn trái đặc sản, đa dạng nhiều loại cây ăn trái để có trái cây quanh năm phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Huyện thường xuyên có các chương trình tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về cây giống giúp nông dân phát triển trồng cây ăn trái. Đặc biệt trong đợt lũ vừa qua, để góp phần giúp các nhà vườn khôi phục lại các diện tích vườn cây bị chết do lũ, huyện đã tiến hành cung ứng cho người dân 15.000 cây giống dâu Hạ Châu hỗ trợ 60% tiền mua cây giống. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Phong Điền, đến nay trên địa bàn huyện đã có trên dưới 10 điểm phát triển trồng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái. Với điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển, tới đây Phong Điền chắc chắn sẽ phát huy lợi thế để phát triển mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.

Ông Dương Chí Dũng, ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho rằng: “Phát triển đa dạng các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị cao gắn với du lịch sinh thái đang là hướng đi tốt cho đầu ra của trái cây ở huyện nhà”. Đã từ lâu, Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương-Phong Điền là điểm đến của nhiều du khách. Ông Nguyễn Thừa Dương, chủ vườn du lịch này bộc bạch: “Gia đình tôi có 3 ha đất trồng cây ăn trái, phục vụ cho du lịch tôi trồng đa dạng nhiều loại cây như: măng cụt, dâu Hạ Châu, vú sữa, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, mít... Tôi nuôi thêm các loại thú vật để hấp dẫn du khách, dưới ao thả nuôi cá làm dịch vụ câu cá giải trí... Trồng cây ăn trái gắn với du lịch là một hướng đi nhằm giúp nâng cao giá trị trái cây và tạo “đầu ra” tốt hơn. Tuy nhiên, muốn làm du lịch đòi hỏi phải có kiến thức về du lịch, nguồn vốn đầu tư tương đối lớn và phải làm sao cho cây trồng có trái quanh năm phục vụ khách. Để phát triển du lịch nhà vườn rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, sự liên kết hợp tác từ phía các công ty du lịch...”.

TP Cần Thơ định hướng phát triển huyện Phong Điền sớm trở thành đô thị sinh thái, Bình Thủy cũng đang có diện tích vườn cây ăn trái lớn và có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái. Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần phải biết phát huy thế mạnh sẵn có để mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái ngày càng phát triển.

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết