09/01/2011 - 20:18

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Cần cộng đồng trách nhiệm

Gần đây, khi có thông tin một số hương liệu, gia vị lẩu... xuất xứ từ Trung Quốc bán trên thị trường có chứa chất gây ung thư là nỗi ám ảnh đối với nhiều người tiêu dùng. Thời điểm Tết Nguyên đán gần kề, nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm... tăng mạnh, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất cần sự cộng đồng trách nhiệm từ phía nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh...

Nỗi lo thực phẩm không an toàn

 Cán bộ thú y đang kiểm tra gia cầm làm sẵn bày bán tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Hàng loạt các sự kiện về thực phẩm không an toàn, ngộ độc thực phẩm đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua đã khiến không ít người tiêu dùng ngán ngại. Anh Trần Quang Đạt, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho rằng: “Người tiêu dùng thật sự chưa an tâm cho sức khỏe khi mua và sử dụng nhiều loại thực phẩm bán trên thị trường. Nhất là các loại thức ăn nhanh đường phố, cá thịt, rau quả và thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, khó có thể phân biệt sản phẩm nào không đảm bảo ATVSTP bằng mắt thường. Vì thế, người tiêu dùng nên tự bảo vệ cho sức khỏe mình bằng cách chọn mua hàng ở những chỗ quen, có uy tín và mua những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, có thương hiệu, địa chỉ sản xuất rõ ràng...”.

Theo Chi cục ATVSTP TP Cần Thơ (thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ), thành phố có trên 5.850 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm (có địa chỉ cố định) thuộc diện phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, mới có 4.947 cơ sở (chiếm tỷ lệ 84,5%) đủ điều kiện và được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận. Những cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định còn lại và với nhiều điểm kinh doanh các dịch vụ ăn uống lưu động, mua bán tạm bợ trên các vỉa hè, đường phố đã và đang là nỗi lo của người tiêu dùng. Theo ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ), trong 3 năm gần đây, trên 70% mẫu thực phẩm được thu thập tại các lò giết mổ, chợ và cả các nhà hàng trên địa bàn thành phố bị nhiễm vi khuẩn hiếm khí, E coli... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do điều kiện vệ sinh các điểm nêu trên không đảm bảo. Đặc biệt, trong quá trình giết mổ, chế biến, vận chuyển và kinh doanh... nhiều người chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSTP. Nhiều người giết mổ giá súc gia cầm dưới sàn nhà nhiễm bẩn, xẻ thịt trên các bàn mổ chưa đảm bảo vệ sinh...

Cần cộng đồng trách nhiệm

Năm 2010, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 2 vụ xảy ra ở quận Bình Thủy làm 15 người bị ngộ độc. Còn vụ gần đây nhất xảy ra tại nhà ăn tập thể của một doanh nghiệp ở phường Ba Láng, quận Cái Răng vào ngày 23-12-2010. Vụ này có 86 người bị ngộ độc do ăn phải thức ăn doanh nghiệp đặt ở một quán ăn (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không đảm bảo ATVSTP. Bà Trần Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ), cho rằng: Qua các vụ ngộ độc thực phẩm này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người sử dụng lao động và các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc ăn uống, chế biến thức ăn dành cho công nhân và người lao động. Không chỉ vậy, những người chế biến và kinh doanh thực phẩm cần phải có ý thức và trách nhiệm cao hơn nữa trong việc đảm bảo ATVSTP và sức khỏe cho người sử dụng. Trong thời gian tới, Chi cục ATVSTP thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức ATVSTP cho các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tổ chức thực hiện tốt “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” (từ ngày 15-4 đến 15-5-2011); kiểm tra định kỳ hay đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Đồng thời, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức ATVSTP trong dân; tham gia cùng các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP, kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm...

Theo ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, để giảm nguy cơ mất ATVSTP đối với nhiều loại thực phẩm tươi sống bán tại các chợ, siêu thị, nhất là các loại cá thịt, những người giết mổ, chế biến và kinh doanh có ý thức, tránh nhiệm hơn. Ông Hậu cho rằng: Thời gian tới, cùng với việc cải thiện điều kiện vệ sinh tại các lò giết mổ, các chợ... các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề ATVSTP. Chi cục Thú y thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch đối với các loại gia cầm, gia súc, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2011; tập trung thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống và hạn chế các loại dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm”.

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhu cầu mua bán, sử dụng thực phẩm tươi sống, chế biến thường tăng cao. Do đó, đảm bảo ATVSTP thời điểm này phải đặt lên hàng đầu. Đây cũng là góp phần giúp người dân được hưởng một cái Tết vui tươi, an toàn!

KHÁNH TRUNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết