22/05/2008 - 09:14

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Cần có Nghị quyết về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

* Quốc hội thảo luận về Luật Cán bộ, Công chức

Sáng 21-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành với Báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách này. Các đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Cần đầu tư nhiều hơn cho tuyến y tế cơ sở

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đi sâu phân tích. Nhiều ý kiến phát biểu đều đánh giá cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhất là tuyến cơ sở còn nhiều thiếu thốn: trạm xá chật hẹp, trang thiết bị cũ, lạc hậu, vừa thiếu vừa yếu đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) dẫn chứng tại địa phương mình ở tuyến xã bác sĩ không có nhà công vụ, phải trực và ở cùng với bệnh nhân. Bệnh viện và cơ sở y tế dự phòng địa phương từng bước được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ; đầu tư máy móc hiện đại như hiệu quả sử dụng không cao do thiếu cán bộ có trình độ để sử dụng trang thiết bị. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đánh giá các trạm y tế xã đã xuống cấp, ít được tiếp xúc với nền y tế hiện đại. Từ những dẫn chứng trên, đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) kiến nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư các trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở, đặc biệt ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án cho y tế cho các tỉnh miền núi.

Vấn đề chất lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực cho y tế địa phương được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Đại biểu Hoàng Thị Bình bày tỏ băn khoăn về số lượng và chất lượng đào tạo cán bộ y tế cho các tỉnh miền núi. Cả nước hiện tại có trung bình 6,3 bác sĩ trên 1 vạn dân, số các tỉnh miền núi còn thiếu trầm trọng hơn, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ công tác tại các xã. Đại biểu lấy dẫn chứng tỉnh Cao Bằng có 64/199 xã, phường, thị trấn có bác sĩ, có huyện có hơn 10 bác sĩ nhưng lại công tác tại phòng y tế, bệnh viện huyện, có bệnh viện không đủ điều kiện để thành lập kíp mổ... Trong khi đó chế độ phụ cấp rất thấp, đội ngũ cán bộ thôn bản chưa được đào tạo đầy đủ và hưởng chế độ phụ cấp rất thấp (hiện nay là 40.000 đồng/tháng) nên một số cán bộ y tế thôn bản đã được đào tạo nhưng không tham gia công tác nữa, làm ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách cho cán bộ y tế cho phù hợp, đặc biệt là cán bộ y tế các tỉnh miền núi.

Có kế hoạch thường xuyên đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn.

Tăng chi ngân sách cho chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đại biểu Hoàng Thị Bình tán thành với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực chi ngân sách cho chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Những năm qua, tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho CSSKND tuy tiếp tục tăng nhưng tăng chậm. Ngân sách đã tập trung đầu tư cho phòng bệnh, khám chữa bệnh, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nhân dân sống ở vùng khó khăn. Từ năm 2006, Chính phủ đã quy định mức đầu tư bình quân cho CSSK đối với người dân ở vùng khó khăn với hệ số ưu tiên tăng từ 1,8 đến 2,4 lần so với vùng đô thị. Quy định của Luật ngân sách đã giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong việc quyết định phân bổ ngân sách ở địa phương. Do vậy, tỷ lệ chi ngân sách cho CSSK ở địa phương là tùy thuộc quyết định của tỉnh, thành phố, chưa có cơ chế để các bộ ngành tham gia điều chỉnh bảo đảm các mục tiêu CSSK được thực hiện trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ ngân sách chi y tế rất khác nhau giữa các địa phương, có nơi chi 5,5%, có nơi chi 6%, có nơi chi 8% ngân sách cho CSSK. Mức chi cao hay thấp là tùy thuộc vào sự quan tâm cũng như nguồn tăng thu ở địa phương, bởi khi phân bổ ngân sách các địa phương đều phải tập trung cho các ưu tiên về hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề môi trường nên nhiều địa phương khó có thể giành ưu tiên để tăng ngân sách cho CSSK.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để có mức đầu tư bình quân cho CSSK đối với người dân ở vùng khó khăn với hệ số ưu tiên tăng 3 lần so với vùng đô thị. Đại biểu Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) kiến nghị tăng cường kinh phí Nhà nước đối với y tế địa phương từ 25-30% trên tổng số ngân sách chi cho y tế.

Phát huy lợi thế của y học cổ truyền

Hiện nay cán bộ công tác trong lĩnh vực y học cổ truyền còn rất ít. Việc phát huy vai trò của các lương y, bác sĩ y học cổ truyền còn hạn chế do không có chính sách khuyến khích và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị y tế. Đại biểu Đinh Thị Ngoan (Ninh Bình) đề nghị cần triển khai mạnh mẽ nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền dân tộc, có kế hoạch phát triển cây thuốc nam. Đại biểu Hoàng Thị Bình kiến nghị cần trang bị đủ thiết bị khám, cấp thuốc y học cổ truyền dân tộc, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về y học cổ truyền dân tộc, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Cần có chế độ đãi ngộ với các lương y có nhiều cống hiến những bài thuốc hay, cây thuốc quý....

* Chiều 21-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về Luật Cán bộ công chức (CBCC).

Về mặt pháp lý, mặc dù đã có Pháp lệnh CBCC và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ quy định về hoạt động công vụ và quản lý CBCC nhưng các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát đầy đủ, toàn diện hoạt động công vụ cũng như việc quản lý CBCC. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế thì việc ban hành Luật CBCC là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội tán thành với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về sự cần thiết phải sớm ban hành Luật CBCC. Tuy nhiên, UBPL cho rằng đây là dự án Luật phức tạp, vì đội ngũ CBCC nước ta hiện nay không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà còn làm việc trong các tổ chức khác. Ngay trong các cơ quan nhà nước cũng có nhiều loại hình CBCC công tác trong các cơ quan khác nhau như cơ quan dân cử, hành chính và tư pháp…Do vậy, dự án Luật này rất quan trọng vì tác động trực tiếp đến đội ngũ CBCC, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. UBPL cho rằng, cơ quan soạn thảo đang có sự lúng túng trong quá trình xây dựng dự án Luật. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là đối với tất cả CBCC trong hệ thống chính trị nước ta, nhưng nhiều quy định trong dự thảo Luật như các quy định về tổ chức nền công vụ thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm, lựa chọn, đãi ngộ tài năng, thi nâng ngạch công chức… dường như chỉ phù hợp với đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước.

Về tuyển dụng CBCC, qua giám sát của UBPL việc thực hiện Pháp lệnh CBCC cho thấy, các quy định về tuyển dụng CBCC hiện nay còn nhiều bất cập về phương thức tuyển dụng, cách thức tổ chức việc tuyển dụng và đặc biệt là về nội dung các môn thi tuyển và chế độ ưu tiên xét tuyển. Theo quy định tại một số văn bản hướng dẫn công tác tuyển dụng CBCC trong các cơ quan nhà nước thì các môn thi bắt buộc là hành chính nhà nước, tin học và ngoại ngữ. Quy định về các môn thi và cách tính điểm như hiện hành là không hợp lý. Vì đối với mỗi lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau đòi hỏi cần có những kiến thức chuyên ngành phù hợp. Việc quy định các môn thi bắt buộc nói trên và cách tính điểm như vậy dẫn tới việc một số cơ quan không tuyển dụng được người có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc. Về chính sách lựa chọn, sử dụng và đãi ngộ tài năng trong hoạt động công vụ, nhiều ý kiến thành viên UBPL cho rằng cần có quy định cụ thể trong Luật những tiêu chí về tài năng; cơ chế phát hiện, tuyển chọn người có tài năng; loại vị trí, công việc cần được khuyến khích; các ưu đãi về chế độ tuyển dụng...

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần phải xem xét cụ thể về quy định CBCC cấp xã, phường, thị trấn. Quy định CBCC ở cấp phường, xã theo như tờ trình, thực tiễn cho thấy nhiều cán bộ đã về hưu nhưng lại trở thành CBCC sau khi bầu cử, bổ nhiệm ở xã, phường, thị trấn... Vì vậy cần có những quy định cụ thể. “Một trong những thực trạng đáng lo ngại là hiện nay các công chức giỏi, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, nhưng không muốn vào làm việc tại các công sở. Hà Nội năm nào cũng tổ chức tuyên dương những thủ khoa các trường trên địa bàn nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10% vào làm cho nhà nước, còn lại là làm cho nước ngoài. Vì vậy cần có quy định rõ về xét thẳng, tuyển thẳng, để có thể thu hút được nhân tài”, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nói.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) quan tâm vấn đề tăng lương cho CBCC. Tăng lương là điều kiện cần để xây dựng đội ngũ CBCC trong sạch vì hiện nay việc trả lương nhìn chung là “cào bằng” nên không khuyến khích cán bộ phát huy trong công tác, dẫn tới việc sách nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Hôm nay 22-5, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để tiếp tục thảo luận về Luật CBCC. Chiều 22-5, Quốc hội sẽ thông qua các Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; Thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam.

QUỲNH HOA - XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết