15/03/2023 - 09:17

Cần chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai  

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ vừa tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Qua đó, nhiều giải pháp được các ngành, các cấp đặt ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng thiên tai, nhất là hạn chế thiệt hại tính mạng, tài sản và ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân... 

Khu vực sạt lở tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt đang đầu tư công trình khắc phục.

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thủy văn trên cả nước nói chung và ở TP Cần Thơ nói riêng thất thường, cực đoan trong những năm gần đây. Năm 2022, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 4 loại hình thiên tai gồm sét đánh, giông lốc, sạt lở và triều cường, làm một người chết, một người bị thương (do sét đánh). Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 6 tỉ đồng. Trong đó, 42 đợt mưa giông kèm lốc xoáy xuất hiện ở quận Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Cờ Ðỏ, Phong Ðiền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh làm sập 23 căn nhà, tốc mái và ảnh hưởng 113 căn nhà, ước thiệt hại trên 2,58 tỉ đồng; xuất hiện 1 đợt sét đánh tại xã Trường Long, huyện Phong Ðiền làm chết 1 người, bị thương 1 người; 13 điểm sạt lở ở Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Ðiền, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại tài sản trên 3,68 tỉ đồng; 4 đợt triều cường xuất hiện vượt báo động III (2m) vào tháng 9, tháng 10 âm lịch năm Nhâm Dần đã gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố, đặc biệt là hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, giáo dục đào tạo, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị… Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, cho biết: “Sau khi các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, các sở, ban ngành, các quận, huyện đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được thực hiện khẩn trương, đạt kết quả, góp phần ổn định đời sống nhân dân”.

Trong năm 2022, từ Quỹ phòng chống thiên tai thành phố hỗ trợ 4,68 tỉ đồng cho các hộ dân, sửa chữa công trình bị ảnh hưởng do thiên tai. Nhờ đó, người dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, Chi cục Thủy lợi cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện gia cố 480m kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vãi địa kỹ thuật) với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng; từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố đã đầu tư thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở khẩn cấp (chiều dài 145m, kinh phí trên 10 tỉ đồng) tại huyện Phong Ðiền và Vĩnh Thạnh...

Từ đầu năm 2023 đến nay,  TP Cần Thơ đã xuất hiện 2 loại hình thiên tai là sạt lở bờ và triều cường. Cụ thể, sạt lở xảy ra trên tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m, ước thiệt hại tài sản khoảng 800 triệu đồng. Ðiểm sạt lở thứ hai trên tuyến kênh Thạnh Ðông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, dài 25m, ăn sâu vào đất liền 3m. Ðặc biệt, triều cường đầu tháng Giêng năm Quý Mão lên cao 1,99m, xấp xỉ báo động III, gây ngập nghẹt đô thị… Sau khi các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, các địa phương đã tổ chức gia cố, khắc phục hậu quả, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Dự báo tình hình thời tiết, thiên tai năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường và ngày càng cực đoan, do đó cần chủ động ứng phó. Ðặc biệt, những tháng sắp tới nền nhiệt độ trung bình tại Cần Thơ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,30C. Các đợt nắng nóng xảy ra trong nửa cuối tháng 3 cho đến hết tháng 5. Mức độ xảy ra nắng nóng sẽ cao hơn và số ngày có nắng nóng sẽ nhiều hơn so với năm 2022. Mùa mưa 2023 tại Cần Thơ có khả năng đến trễ hơn so với năm 2022, trong nửa đầu tháng 4 sẽ có những trận mưa chuyển mùa, cần đề phòng sấm sét, lốc xoáy…

Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN đề nghị Ðài khí tượng Thủy văn thành phố theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời, chính xác mọi diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn thành phố, phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp, các ngành thông báo tình hình thiên tai, hạn, lũ bão, triều cường để các ngành, các địa phương và người dân biết, chủ động ứng phó. Thường trực Ban Chỉ huy và các thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, các ngành, các cấp thường xuyên theo dõi, diễn biến tình hình thiên tai để có các giải pháp chủ động phòng, chống và chỉ đạo khắc phục hậu quả kịp thời.

Tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN, các ngành, các quận, huyện khẩn trương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN năm 2022, trên cơ sở đó phát huy những ưu điểm, những công việc mang lại hiệu quả thiết thực; thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố về công tác PCTT-TKCN. Ðồng thời, các sở, ngành, quận, huyện xây dựng phương án, nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2023 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị và có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống khi có thiên tai xảy ra; tập huấn, nâng cao kiến thức cho lực lượng làm nhiệm vụ ứng cứu; giám sát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp ứng phó khô hạn, phòng tránh mưa giông, sấm sét trong mùa mưa; tổ chức kiểm tra, vận động, di dời nhà ở tại khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn...

Chia sẻ bài viết