05/08/2012 - 20:12

Cần chính sách ưu đãi thuế dài hạn cho các khu kinh tế cửa khẩu

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị miễn thuế, Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên,
tỉnh An Giang.

Đến cuối năm 2012, tất cả các chính sách ưu đãi thuế đối với khách mua hàng khi đến với các khu phi thuế quan thuộc các khu kinh tế cửa khẩu nói chung, các cặp kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Campuchia nói riêng sẽ chấm dứt. Đây không chỉ là mối lo ngại rất lớn với các nhà đầu tư khi đã bỏ nguồn vốn khá lớn đầu tư phát triển hạ tầng kinh doanh mà còn có cả các địa phương có đường biên giới. Bởi một khi chấm dứt chính sách ưu đãi cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt các lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư, điều kiện mở rộng phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội các huyện biên giới...

Phát huy tốt hiệu quả

Chính sách ưu đãi về thuế, nhất là việc hình thành khu phi thuế quan tại các cặp cửa khẩu nhằm thu hút đầu tư, tăng mãi lực mua bán của du khách đến với các khu kinh tế cửa khẩu khi ra đời có thể xem là cứu cánh cực kỳ quan trọng của các địa phương. Bởi chính sách này được xem là đòn bẩy góp phần phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội các huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, kiểm soát chặt hơn tình trạng mua bán, vận chuyển lậu hàng hóa qua lại biên giới và nhất là phát triển tốt thương mại, dịch vụ, thu hút khách tham quan mua sắm tại các cửa khẩu.

Tỉnh An Giang được xem là một ví dụ. Từ năm 2001 đến năm 2007, hầu như tất cả các cặp cửa khẩu Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh đều không thể thu hút các nhà đầu tư đến mở rộng sản xuất, kinh doanh, hình thành các khu chức năng. Một trong những nguyên nhân do điều kiện hạ tầng những nơi này còn thiếu, yếu và quan trọng nhất là những chính sách ưu đãi về thuế gần như chưa có bước đột phá đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2009, khi các chính sách ưu đãi thuế bắt đầu được phê duyệt, tỉnh An Giang mạnh dạn đầu tư hạ tầng thiết yếu. Được sự chấp thuận cho áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ, An Giang chính thức triển khai khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, trong đó khu phi thuế quan nhanh chóng thu hút 6 nhà đầu tư đến tìm hiểu, thuê đất trên diện tích 10,5 ha, tổng vốn đăng ký 215 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng khu siêu thị, gian hàng miễn thuế, kho hàng... Hiện tại, toàn khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên có 18 dự án triển khai đầu tư với tổng vốn 650 tỉ đồng. Ông Lê Hữu Trang, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh An Giang, cho biết: Đến nay, khu bán hàng miễn thuế Tịnh Biên đã thu hút 76 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn trên 450 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động có nguồn thu nhập thường xuyên. Song song với hiệu quả kinh tế, có thể nói, từ khi đi vào hoạt động, các khu kinh tế cửa khẩu, nhất là khu phi thuế quan đã tạo được đà khá vững chắc, giúp cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương giải quyết hài hòa lợi ích, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét...

Kết quả trên phần nào minh chứng với chính sách ưu đãi tốt, hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu nói chung, khu miễn thuế nói riêng tại các cặp cửa khẩu Việt Nam - Campuchia thực sự đã tác động mạnh đến phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, thu hút đầu tư, đời sống nhân dân từ đó cũng đã thay đổi rõ rệt. Tình trạng mất an ninh trật tự, buôn lậu, cửu vạn đai vác hàng lậu giảm hẳn. Song song đó, một số khu chức năng khác cũng đã hình thành, giúp bộ mặt các huyện biên giới còn nhiều khó khăn thực sự thay da, đổi thịt...

Cần chính sách dài hạn

Thực tế chứng minh rằng, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng từ năm 2001 với nhiều nội dung ưu đãi về miễn tiền thuê đất, giao đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... ở mức cao nhất nhưng vẫn không hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguyên nhân chính vẫn là cơ sở hạ tầng thiết yếu tại tất cả các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu đều thiếu và yếu. Chính điều đó, ra đời chính sách đặc thù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chất mồi kết dính, sức hút các nhà đầu tư mạnh mẽ nhất.

Ông Lê Hữu Trang, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh An Giang, nhìn nhận: Việc áp dụng các chính sách đặc thù đối với khu kinh tế không chỉ có ý nghĩa về mặt thúc đẩy thương mại dịch vụ, phát triển hạ tầng địa phương mà chính từ các khu phi thuế quan giúp việc quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao sang các nước. Mặt khác, với chính sách ưu đãi mua hàng đến 500.000 đồng miễn thuế/người/ngày đã tăng tính hấp dẫn mua sắm đối với người tiêu dùng rất lớn và giúp cả ba bên Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng hưởng lợi. Chủ trương xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu là đúng đắn, phù hợp xu thế mở cửa và hội nhập. Chính các chính sách đặc thù đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện biên giới, khai thông thị trường nội địa, tạo thành mạng lưới thương mại khu vực biên giới, tạo đà cho ngành dịch vụ phát triển. Chính việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã tạo hiệu ứng dây chuyền trong phát triển các ngành nghề mới, tăng thu nhập người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo ra cuộc sống văn minh đô thị cho cư dân vùng biên giới.

Tuy nhiên, sau khi các chính sách miễn thuế tại khu phi thuế quan của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ngày 2-3-2009 có hiệu lực thi hành thì ngày 10-7-2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg bổ sung sửa đổi một số điểm của Quyết định 33. Trong đó, đáng chú ý là những quy định về việc gia hạn, áp dụng chính sách miễn thuế cho khách tham quan du lịch tại khu phi thuế quan sẽ không còn hiệu lực sau ngày 31-12-2012. Nghĩa là, từ ngày 1-1-2013, việc mua hàng tại các khu phi thuế quan sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi, miễn thuế. Việc các nhà đầu tư dốc vốn hàng trăm tỉ đồng theo chính sách ưu đãi nhằm tăng mãi lực mua hàng của du khách đến khu kinh tế cửa khẩu mua sắm chỉ sau khoảng vài năm hoạt động đành chấp nhận đánh đồng lợi thế kinh doanh với các doanh nghiệp khác. Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, việc ngừng thực hiện chính sách bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan đã khiến môi trường đầu tư của các tỉnh biên giới bị ảnh hưởng lớn; tạo tiền lệ không tốt khi các chính sách không thể hiện tính nhất quán, giảm uy tín trong chính sách ưu đãi đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào khu phi thuế quan theo Quyết định 33 đều có tầm nhìn từ 10 - 15 năm. Những thiệt hại về kinh tế đối với các địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư vào khu phi thuế quan nói riêng, khu kinh tế cửa khẩu nói chung là điều không thể tránh khỏi. Và nhiều địa phương quan ngại: Việc ngừng các chính sách ưu đãi sẽ khiến tất cả các tỉnh có đường biên trở lại thời kỳ đầu cực kỳ khó khăn trong việc thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp mới. Đặc biệt, theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nếu không có chính sách đặc thù cho khu kinh tế cửa khẩu, chính chính sách “cào bằng” như các khu vực khác trong nội địa thì chẳng thể thu hút đầu tư hiệu quả. Điểm đáng quan tâm khác là sau năm 2012, cơ sở vật chất, hạ tầng của Nhà nước và doanh nghiệp đã đầu tư hoạt động theo mục tiêu bán hàng miễn thuế sẽ như thế nào? sử dụng vào mục đích gì?... Đây là những khó khăn mà doanh nghiệp và các địa phương đang gặp phải.

Từ các lo ngại trên, việc cần gia hạn thực hiện chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan, du lịch tại khu phi thuế quan, khu kinh tế cửa khẩu đối với các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Campuchia nói riêng, cả nước nói chung cần nhanh chóng xem xét giải quyết một cách thấu đáo.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị miễn thuế, Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Chia sẻ bài viết