11/07/2017 - 09:00

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình:

Cán bộ thanh tra phải trong sạch, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai

(CT)- Chiều 10-7-2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Thanh tra. Phía cầu Cần Thơ có đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo thanh tra thành phố, quận, huyện tham dự.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Thanh tra.

6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 29.510 tỉ đồng, 4.978ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 19.521 tỉ đồng và 4.676ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng… Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có xu hướng tăng cả về số vụ việc, đoàn đông người và tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 197.697 lượt công dân (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016) với 125.512 vụ việc, giải quyết 11.606/16.114 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền. Đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỷ lệ 99,8%; có 77 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Các ngành, các cấp đã chuyển đổi vị trí công tác 3.887 cán bộ, công chức, viên chức. Trong 6 tháng đầu năm, có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Ngành đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng…

Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng vẫn còn sự chồng chéo trong quá trình thanh tra, nhất là sự chồng chéo với thanh tra chuyên ngành, thanh tra các bộ, ngành và kiểm toán khu vực; Trong giải quyết KNTC các đại biểu đề cập nhiều đến vấn đề ủy quyền để đối thoại, tiếp dân; ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng tiếp dân. Nhiều đại biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp trong việc xử lý sau thanh tra…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành Thanh tra tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra gắn với thanh tra đột xuất. Thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, chú ý lĩnh vực có nhiều vi phạm, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; thanh tra chuyên ngành phải quan tâm đến các vấn đề xã hội quan tâm, quá trình thanh tra phải thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, quy định pháp luật; tránh chồng chéo với thanh tra các ngành, các cấp và kiểm toán. Ngành Thanh tra cần làm tham mưu cho các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện tốt các chỉ thị, quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC; kiện toàn bộ máy tiếp công dân; chú ý bố trí cán bộ có năng lực tiếp công dân, nâng cao chất lượng tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất, chú ý tăng cường đối thoại, không để xảy ra bức xúc, phát sinh điểm nóng. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu trong công tác PCTN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đi vào thực chất; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; tiếp tục chú trọng xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động phục vụ vì dân… Mỗi cán bộ thanh tra phải trong sạch, không để bị mua chuộc, cám dỗ, không vì bị bất cứ áp lực nào mà làm sai, phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm bảo vệ chân lý, pháp luật và phải có đạo đức cách mạng…

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết