26/02/2014 - 20:28

ĐỌC “NỤ CƯỜI CHIM SẮT”

Cảm phục nữ biệt động Sài Gòn

Yêu mến, cảm phục là tình cảm của độc giả dành cho nhân vật Thu Nguyệt trong truyện dài “Nụ cười chim sắt” (NXB Kim Đồng, Quý IV-2013). Qua những trang viết dưới dạng hồi ký, nhà văn Võ Thu Hương đã tái hiện sinh động cuộc đời và quá trình hoạt động của một nữ biệt động Sài Gòn.

Nguyên mẫu của câu chuyện là bà Lê Thị Thu Nguyệt, sinh năm 1948 tại Tân Định, Sài Gòn, một trong những người phụ nữ tham gia đội “Biệt động Sài Gòn” đầu tiên (Đội biệt động Chim Sắt 159, thành lập tháng 1-1959).

 

Theo trình tự thời gian, những chi tiết đắt giá, những trường đoạn tiêu biểu được sắp xếp khéo léo thành mạch truyện ngắn gọn, dễ đọc, dễ cảm. Người đọc bị cuốn theo từng trang đời của nhân vật chính, từ lúc là cô bé sớm mồ côi mẹ, chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, đến khi trở thành thành viên của Đội Biệt động Chim Sắt 159, tham gia nhiều trận đánh quan trọng, bị bắt và tù đày suốt 11 năm ròng, rồi đoàn tụ với gia đình khi đất nước giải phóng.

Không ai ngờ một cô gái bé nhỏ, hay mơ mộng lại có thể mưu trí thoát khỏi những chốt chặn của địch, nhiều lần đưa tài liệu, vũ khí vào thành trót lọt; tham gia những trận đánh của lực lượng biệt động. Cô gái ấy khi lội ruộng, qua bưng thì sợ rắn, sợ đỉa nhưng lúc bị địch bắt, treo tòn ten trên xà ngang, phía dưới là con chó bẹc - giê hung hãn, lao ra cắn xé mỗi lần chúng hạ dây xuống mà cô không hề run sợ, vẫn chịu đựng đến khi ngất lịm... Có lẽ những biến cố cuộc đời cùng những thăng trầm thời cuộc đã rèn luyện cho Thu Nguyệt một ý chí sắt đá để dù trong hoàn cảnh nào, cô vẫn kiên định con đường đã chọn và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Trên môi của cô vẫn thường trực nụ cười, nụ cười của chú “chim sắt” không hề khuất phục dưới những đòn tra tấn dã man của kẻ thù từ nhà tù Sài Gòn, khám Chí Hòa đến “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Bên cạnh nhân vật chính Thu Nguyệt, còn có những chiến sĩ không ngại gian khổ, hy sinh. Đó là cô Mận giả trai đi bộ đội, sau đó, ám sát một tên ác ôn để trả thù cho chồng và trừ hại cho dân; hay Ánh, cô gái người Hoa bỏ nhà theo cách mạng từ khi 15 tuổi, lập được nhiều chiến công khiến bọn ngụy quyền kinh sợ; hoặc hai chị em con nhà giàu Ngọc, Ngà không màng cuộc sống giàu sang, xả thân vì cuộc chiến giành độc lập...

Không chỉ khắc họa rõ nét phẩm chất của người chiến sĩ Việt Nam trong chiến đấu, trong lao tù, truyện còn tái hiện cuộc sống đời thường của người dân phố thị Sài Gòn những năm giữa của thế kỷ trước. Nơi ấy có những người là công nhân, thầu khoán, thợ cắt tóc hay người buôn gánh bán bưng... là cơ sở vững chắc của cách mạng ngay trong lòng địch; có những người cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hết lòng giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, ốm đau... Tất cả được khéo léo đan cài xung quanh cuộc đời của nhân vật chính, tạo nên một câu chuyện sinh động, lôi cuốn.

“Nụ cười chim sắt” không chỉ là những trang đời của một nữ anh hùng mà còn là câu chuyện về một thế hệ kiên cường, một minh chứng sống động cho những trang sử hào hùng của dân tộc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết