Tôi vừa được tặng quyển “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy Long Tuyền” do Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản. Ấn tượng đầu tiên là sách ấn loát đẹp và nghiêm túc: giấy trắng, bìa in hình “Đình Bình Thủy di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia”. Sách có tất cả 22 bài của 19 tác giả.
Là người cư ngụ lâu năm trên mảnh đất Long Tuyền, các con tôi chôn nhau cắt rún cũng tại nơi đây, nên tôi rất tâm đắc bài “Bình Thủy Long Tuyền” của Nguyễn Sương. Tác giả đã đưa người đọc trở lại ngày xa xưa cách nay trên ba thế kỷ khi nơi đây “Sông, nước còn vang um tiếng hùm” với bao thế hệ người khai hoang, lập ấp, biến rừng rậm thành ruộng rẫy, một nắng hai sương, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, trăm cay nghìn đắng, hy sinh đời mình để ngàn sau con cháu hưởng vị ngọt hương nồng, cơm no áo ấm, hạnh phúc hát ca, cuộc đời gấm hoa...
“Bình Thủy Long Tuyền” đưa người đọc đi từ cái thuở Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích từ Trung Quốc chạy lánh nạn sang Hà Tiên. Sách viết: “...Hồi chiếm cứ vùng này, lập ra ấp trại, lần về phía đông lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) (trang 9). Theo đoàn người Nam tiến, đất lành chim đậu, lúa thóc tới đầu bồ câu tới đó, người Việt vào Gia Định Sài Gòn, vượt sông Tiền, xuôi sông Hậu, tỏa khắp các tỉnh phương Nam. Vùng đất Long Tuyền Bình Thủy buổi đầu hình thành được viết: “...Những người thời Đàng Cựu về đây khai phá lập ra sáu ấp trại gồm:
- Ấp trại Hưng Hòa do ông Nguyễn Văn Minh đứng đầu khai phá.
- Ấp trại Phó Hòa do ông Võ Văn Tựu đứng đầu khai phá.
- Ấp trại Khánh Lộc và Bình Khánh do ông Đinh Công Báu (tự Bửu) đứng đầu khai phá
- Ấp trại Thạnh Bình do ông Lê Thành Hiếu đứng đầu khai phá.
- Ấp trại Thới Hòa do ông Nguyễn Lãm đứng đầu khai phá” (trang 10)
Năm 1871, Hưng Hòa và Phó Hòa kết lại thành xã Hưng Phó; Thạnh Bình và Thới Hòa kết lại thành Bình Hòa. Rồi vào năm 1844, Bình Hòa và Bình Hưng kể cả hai ấp trại Khánh Lập và Bình Khánh liên kết thành làng Bình Hưng. Làng Bình Hưng là tiền thân của Bình Thủy - Long Tuyền ngày nay: “...Sau khi lập làng Bình Hưng, sáu ấp trại gọi là “Lục ấp” và đổi tên như sau:
- Hưng Hòa đổi lại là ấp Bình Nhựt.
- Phó Hòa đổi lại là ấp Bình Phó
- Khánh Lộc đổi lại là ấp Bình Thường
- Bình Khánh đổi lại là ấp Bình Dương.
- Thạnh Bình đổi lại là ấp Bình Yên.
- Thới Hòa đổi lại là ấp Bình Lạc.
Ấp nào cũng có chữ “Bình” đứng đầu, cho nên khi gọi lục ấp thường gọi tắt là: Nhựt, Phó, Thường, Dương, Yên, Lạc. Lục ấp giữ nguyên cho tới ngày nay”. (trang 11-12)
Được biết, vào năm 1852, nhờ chuyến tuần du của Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt Bình Hưng, mới được cải tên là Bình Thủy thôn. Mãi đến năm 1908, (vào thời Pháp thuộc), Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và Cai tổng Lê Văn Noãn đề xuất, được Hội đồng địa phương đồng thuận thôn Bình Thủy đổi thành làng Long Tuyền: “...Long Tuyền là suối rồng, rồng nước. Chỉ có ngôi đình thần đổi tên là Đình Thần làng Long Tuyền, còn sông, chợ, công sở, cầu sắt... giữ nguyên là tên Bình Thủy”. (trang 13).
Bẳng đi một thời gian dài với bể dâu, xã Long Tuyền không còn nguyên vẹn như xưa nữa mà được chia ra bốn đơn vị hành chánh “Long Tuyền Bình Thủy”: “Năm 1978, xã Long Tuyền trực thuộc thành phố Cần Thơ (cũ). Chánh quyền thành phố Cần Thơ chia xã Long Tuyền ra thành bốn đơn vị hành chánh nhỏ gồm hai phường An Thới, Bình Thủy và hai xã Long Hòa, Long Tuyền. Tất cả bốn đơn vị hành chánh nhỏ này đều thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ ...” (trang 15). Mật độ dân số ngày thêm đông, nên địa bàn rộng phải chia nhỏ ra để dễ quản lý đó là một yêu cầu khách quan, nhưng những người lớn tuổi mỗi lần nói đến Long Tuyền đã nghĩ tới “Hình xưa bóng cũ” của cái Long Tuyền trọn vẹn. Bởi thế vào ngày cúng Đình hàng năm, nhân dân cả bốn đơn vị đều đến Đình Bình Thủy nguyện hương, tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân khai sơn phá thạch, những vị anh hùng đã bỏ mình trong thời đạn bom:
“...Về Long Tuyền, bụi chiến địa còn vương,
Nghe dư âm bom gầm Xuân Sáu tám
Lộ Vòng Cung chìm trong lửa đạn.
Vẫn ấm lòng đón bánh mẹ nuôi quân...”
(Nguyễn Thượng Hiền)
Đọc “Bình Thủy Long Tuyền”, những người từng sống trên mảnh đất trù phú mà cũng nhiều lửa đạn trong hai cuộc chiến chống Pháp Mỹ, xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Sương đã giúp người đọc được tắm mát trong dòng sông quê “Long Tuyền Bình Thủy”.
Nhưng tôi cũng mạo muội xin trao đổi về năm 1627 nằm trong đoạn văn sau: “...Đến năm Đinh Mão (1627) chúa Nguyễn Hoàng đưa quân lính và nhân dân tiến về phía Nam sông Gianh mở mang bờ cõi, gây dựng nên cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong...” (trang 9). Theo sách sử và tài liệu mà tôi được biết thì vào năm 1627 Nguyễn Hoàng đâu còn sống, ông đã trở thành người thiên cổ và trong đời ông chiến tranh Trịnh Nguyễn vẫn chưa xảy ra. Khi mất Nguyễn Hoàng có di huấn cho con, được nhà sử học Trần Trọng Kim ghi lại trong “Việt Nam sử lược”: “...Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, bề ngoài tuy vẫn chưa ra mặt chống họ Trịnh, nhưng bề trong thì hết sức lo sự phòng thủ. Xem như năm Quí Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: “Đất Thuận, Quảng này bên bức thì có Hoàng Sơn, sông Ling Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời “Xem lời ấy thì biết họ Nguyễn đã có ý muốn độc lập để chống với họ Trịnh” (trang 316-317).
Cũng theo sử sách và các tài liệu, Nguyễn Hoàng (1524-1613), con ông Nguyễn Kim- người giúp nhà Hậu Lê phục nghiệp, em Nguyễn Uông - người bị anh rể là Trịnh Kiển giết chết. Nguyễn Hoàng được lệnh vua vào trấn đất Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) năm 1558, kiêm làm trấn thủ Quảng Nam 1570, và năm 1593, ông đem quân cùng súng ống ra bắc giúp vua Lê, chúa Trịnh đánh họ Mạc và ở lại đấy gần 8 năm.
Còn vào năm Đinh Mão (1627), “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim ghi: “...Năm Đinh Mão (1627) nhân khi nhà Minh bên Tàu còn đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng thì về hàng, Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế từ ba năm trước.
Tờ sắc làm bằng chữ nôm như sau: “Hoàng Thượng sắc dụ cho Thái bảo Thụy quận công là Nguyễn Phúc Nguyên được biết rằng:
Mệnh lệnh triều đình, Đạo làm tôi phải tuân thủ: Thuế má phủ huyện Tướng ngoài cõi khôg được tự chuyên. Trước đây trẫm có sai Công bộ Thượng thư là Nguyễn Duy Thì, Bá Khê hầu là Phan Văn Trị vào Thuận Hóa đạo đạt tình ý, chỉ đạo đường họa phúc để cho tỉnh biết mà phục tùng quyền chính triều đình. Không ngờ nhà ngươi dùng dằng, tối đường tới lui nói thoái thác cho lôi thôi ngày tháng, để đến nỗi thuế má thiếu thốn, không đủ việc chi thu, đạo làm tôi như thế đã phải chưa? Nhà ngươi nên đổi lỗi trước, giữ gìn phép tắc...” (trang 318-319). Chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên chẳng những không nộp thuế mà còn sai người tìm kế trả lại sắc phong. Thế là chiến tranh xảy ra và “Bóng cờ, tiếng trống xa xa/ sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng” (Chinh phụ ngâm) Trịnh Nguyễn đánh nhau 7 lần từ năm 1627 đến năm 1672 khiến cho trăm họ lầm than máu và nước mắt tuôn trào cả mấy đại dương, nỗi khổ đau kể sao cho xiết. Nhưng trong rủi lại có cái may, trong họa bao giờ cũng ẩn chứa cái phúc. Việt Nam điểm tích tăng lên gấp đôi “Nước non xa ngàn dặm, chúng ta đi ngàn dặm, cùng nhau tiến, hướng về nam” (L.H.P) đất đai cò bay thẳng cánh, rừng vàng cá bạc biết bao ngàn, ăn không hết phải bán đi thu ngoại tệ về, đất nước giàu sang.
Dù tư liệu về năm Đinh Mão (1627) chưa chính xác theo sách sử, nhưng với tư cách là một người đọc thấy “Long Tuyền Bình Thủy” như một chén cơm gạo Tám thơm hay Nàng Hương, dẻo thơm, ngon ngọt, ý vị vô ngần.
Nguyễn Tấn Vĩnh