22/10/2020 - 18:38

Cảm biến chống săn bắt động vật hoang dã

Với cảm biến mới do các kỹ sư Hà Lan sáng chế, các nhà bảo tồn động vật hoang dã có thêm “vũ khí” hiệu quả trong cuộc chiến chống nạn săn trộm.

Dự án của nhóm nghiên cứu tại Ðại học Twente là sự kết hợp giữa các cảm biến chuyển động và máy học để nhận biết thời điểm các động vật có nguy cơ tuyệt chủng phản ứng trước mối đe dọa từ bọn săn trộm. Theo đó, cảm biến được gắn vào con vật để thu thập dữ liệu chuyển động trong lúc chúng hoạt động trong rừng. Khi phát hiện sự thay đổi bất thường, trí tuệ nhân tạo (AI) bên trong cảm biến sẽ phân tích dữ liệu, phân biệt những chuyển động rồi truyền về mạng di động hoặc kết nối qua vệ tinh. Trong thí nghiệm, nhóm đã sử dụng cảm biến để phân biệt 11 dạng chuyển động khác nhau của dê, cừu và ngựa. Kết quả cho thấy trong phần lớn các trường hợp, cảm biến hoạt động hiệu quả với chỉ một gia tốc kế được tích hợp bên trong.

Sử dụng AI phân tích chuyển động của động vật theo cách này có thể tạo ra một số kịch bản thú vị cho các nhà bảo tồn. Họ có thể cài đặt hệ thống để thu nhận cảnh báo khi động vật quý hiếm đang di chuyển để trốn tránh mối đe dọa cụ thể. Ngoài ra, thiết bị cũng có thể kết hợp với các công cụ khác để hỗ trợ nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học.

HẠNH NGUYÊN (Theo New Atlas)

Chia sẻ bài viết