05/02/2020 - 09:22

Cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hạt gạo 

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội đồng nghiệm thu Dự án Ứng dụng công nghệ đóng gói hoàn chỉnh tiên tiến nhằm nâng cao năng suất nhà máy chế biến gạo. Dự án hướng đến mục tiêu tạo ra quy trình khép kín, tự động hóa giúp nâng cao hiệu suất, công suất nhà máy chế biến gạo, giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hệ thống đóng gói gạo hiện đại lắp đặt tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ. Ảnh: CTV

Dự án được Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ thực hiện chính, có sự phối hợp của công ty cung cấp thiết bị (Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ) trong việc hỗ trợ lắp đặt, kỹ thuật, vận hành thiết bị và sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ. Tổng kinh phí đầu tư gần 2,15 tỉ đồng. Trong đó, vốn doanh nghiệp tự có gần 1,65 tỉ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố.

Ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: Dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh của công ty. Hệ thống đóng gói gạo hoàn chỉnh tiên tiến theo hướng tự động hóa sử dụng công nghệ thông tin (hệ thống điều khiển tự động trên màn hình, thiết lập thông số theo nhu cầu sản xuất), từng bước giúp hạn chế sự tham gia của con người vào quá trình sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm gạo xuất khẩu.

Tiến sĩ Dương Thái Công, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, thành viên Hội đồng, đánh giá: Mục tiêu đề ra ban đầu của Dự án là: hiệu suất tăng từ 2-3 lần, công suất tăng từ 4-5 tấn/giờ, chi phí đóng gói giảm từ 30-40%, doanh thu tăng từ 30-40%. Trên thực tế, sau khi lắp đặt và vận hành, hệ thống đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Kết quả này góp phần vào việc nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Theo Ban Chủ nhiệm Dự án, về tác động kinh tế-xã hội, Dự án giải quyết được vấn đề nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có mẫu mã, quy cách và chất lượng cao tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó góp phần thúc đẩy ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển với năng suất, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước. Về môi trường, vấn đề xử lý bụi sinh ra trong quá trình hoạt động tốt hơn, hạn chế tối đa lượng bụi bẩn thải ra môi trường xung quanh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc. Ngoài ra, các máy móc, thiết bị cũng hạn chế tình trạng bám bụi, dễ dàng vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng.

Thực tế, dây chuyền mới lắp đặt thêm nhiều máy móc (máy phân loại, làm sạch, hút chân không…) nên chi phí vận hành cao hơn. Tuy nhiên, công suất hoạt động cao hơn, thời gian đóng gói được rút ngắn hơn để đảm bảo yêu cầu từ khách hàng. Với công nghệ đóng gói mới, độ chính xác trong quá trình đóng gói được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng gạo được cải thiện do được làm sạch hơn. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của các hợp đồng xuất khẩu từ 99% trở lên; giá bán cũng tăng từ 400-500 đồng/kg so với cách đóng gói truyền thống. Ngoài ra, gạo đóng gói theo công nghệ tiên tiến thông qua hệ thống xử lý tạp chất và hút chân không nên thời gian bảo quản sẽ trên 2 năm (thay vì trước đây khoảng 6-9 tháng phải tái chế, xử lý lại); chi phí đóng gói giảm từ 215 đồng/kg xuống còn 127 đồng/kg; rút ngắn thời gian đóng gói bình quân 1 tấn gạo từ 1 giờ xuống còn 12 phút...

Theo các chuyên gia, Dự án cần được nhân rộng và triển khai cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn nhằm giải quyết được vấn đề mẫu mã và chất lượng thành phẩm đối với sản phẩm gạo. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Dự án nên nêu rõ vai trò, vị trí việc làm của công nhân trong hệ thống vận hành mới này. Đồng thời, đề cập đến vấn đề bảo trì, bảo dưỡng, khấu hao máy móc và định hướng hoàn thiện hệ thống hoàn toàn tự động hóa thay vì bán tự động như hiện nay.

Theo ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Chủ nhiệm Dự án, yêu cầu đặt ra từ phía các nhà nhập khẩu ngày càng gắt gao, đặc biệt đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cho nên, việc từng bước tiến tới tự động hóa hoàn toàn, sản xuất theo quy trình khép kín là mục tiêu công ty đã và đang hướng tới. "Chúng tôi vừa mới làm việc với một khách hàng Nga và họ đặt ra vấn đề bảo quản sản phẩm. Thời tiết ở Nga lạnh trong khi gạo tại Việt Nam được đóng gói ở nhiệt độ cao nên khi vận chuyển qua tới Nga thời gian bảo quản rất ngắn. Khi công ty trình bày về hệ thống đóng gói với công nghệ mới và được thực hiện trong môi trường lạnh thì phía Nga rất đồng tình. Sau đó, khách hàng Nga đã đặt hàng giống lúa thơm ST 24 và một số loại gạo khác do công ty sản xuất"- ông Lâm Minh Trí thông tin.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết