06/07/2023 - 16:46

Cách cho trẻ sơ sinh bú sữa ngừa bệnh viêm ruột 

(CTO) - Các bác sĩ chuyên khoa nhi Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long khuyến cáo, cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú đúng cách, lưu ý những bất thường liên quan đến bệnh viêm ruột ở trẻ để kịp thời điều trị, tránh chậm trễ đáng tiếc.

Mới đây, BV tiếp nhận điều trị một bé trai sơ sinh 5 ngày tuổi, con của chị N.T.D.C (ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng sốt 38°C, tiêu lỏng có nhầy ít chỉ máu 6-7 lần/ngày, bú ít, lừ đừ, bụng chướng, vàng da đến rốn, da nổi bông nhẹ, thóp phẳng.

Sau khi được điều trị kịp thời, bé đã khỏi các triệu chứng bất ổn. Ảnh: BV.

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm ruột, theo dõi nhiễm khuẩn huyết, vàng da sơ sinh. Sau hơn 2 giờ cấp cứu, bé hết sốt, giảm đừ, phục hồi màu da, chi hồng, giảm tiêu lỏng,... Bé tiếp tục được điều trị kháng sinh truyền tĩnh mạch, theo dõi sinh hiệu và bú sữa mẹ. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bé ổn định và đã được xuất viện.

BS CKI Quách Thị Kim Phúc, Khoa Nhi, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Nguyên nhân gây viêm ruột ở trẻ sơ sinh có thể do nhiễm trùng đường tiêu hóa, không dung nạp sữa và một số nguyên nhân liên quan đến sinh bệnh học. Các triệu chứng có thể biểu hiện toàn thân hoặc riêng đường tiêu hóa. Ở trẻ sơ sinh, “đi ngoài” từ 3-10 lần mỗi ngày là bình thường, thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ (trẻ bú mẹ thường đi phân nhiều lần hơn so với trẻ bú sữa công thức). Nếu trẻ sơ sinh đi tiêu nhiều hơn về số lần, số lượng hằng ngày gọi là bất thường. Về tính chất bất thường, phân xuất hiện lỏng hơn, màu xanh có nhầy hoặc máu, mùi tanh hôi hoặc có bọt,… và có thể ảnh hưởng đến toàn trạng của bé như sốt, lừ đừ, bú ít hoặc bỏ bú, ọc sữa hoặc dịch xanh, bụng chướng,…

Theo BS Kim Phúc, nhiều phụ huynh chủ quan vấn đề đi tiêu của trẻ. Đặc biệt, cho trẻ ăn lượng sữa quá nhiều, tăng lượng sữa quá nhanh hoặc pha sữa quá đặc, là những nguyên nhân có thể gây viêm ruột ở trẻ sơ sinh. Một số sai lầm phổ biến là phụ huynh tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy, tự ý sử dụng kháng sinh hay thuốc, mẹo dân gian... khiến bệnh diễn biến nặng hơn, nguy hiểm sức khỏe và tính mạng trẻ.  

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể. Lượng sữa vừa đủ theo nhu cầu của trẻ, pha sữa theo lượng khuyến cáo, không pha sữa quá đặc hoặc quá loãng. Vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi cho trẻ bú và khi chăm sóc cho trẻ. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi bé có các biểu hiện: sốt, tiêu lỏng nhầy máu, ọc sữa hoặc ọc dịch xanh, lừ đừ, bỏ bú, bụng chướng,… Đồng thời, tiêm vaccine phòng tiêu chảy khi trẻ được 2 tháng tuổi.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết