(CT)- Ngày 7-4, tại Hội trường UBND TP Cần Thơ, Chính phủ tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (2006-2010) và định hướng phát triển (2011-2015). Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị...

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (ngồi giữa) chủ trì
Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế
trọng điểm (2006 - 2010) và định hướng phát triển (2011 - 2015).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian qua, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phát triển khá toàn diện, có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cao hơn bình quân chung của cả nước, có ý nghĩa tạo động lực phát triển của cả nước. Giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân của các vùng KTTĐ đạt 10,98%; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 34,6 triệu đồng/người (gấp 1,36 lần so bình quân chung của cả nước). Cơ cấu kinh tế của các vùng KTTĐ chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực phát triển chung của cả nước. Giai đoạn 2006-2010, so với kết quả chung của cả nước, tổng thu ngân sách 4 vùng KTTĐ đạt hơn 2.093 nghìn tỉ đồng, chiếm 88,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 208 tỉ USD, chiếm 89,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 321 tỉ USD, chiếm 97,3%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 2.684 nghìn tỉ đồng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các vùng KTTĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là: Tuy có sự phát triển kinh tế năng động, đi đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng nhưng các vùng KTTĐ vẫn chưa tạo ra sự tăng tốc và nâng cao khả năng cạnh tranh. Các vùng KTTĐ chủ yếu vẫn dựa vào nhân tố phát triển theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả thấp. Sức tác động lan tỏa của các vùng KTTĐ đến các địa phương khác còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch khá nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao; nhiều vấn đề xã hội yêu cầu đang đặt ra cấp bách phải giải quyết. Kết cấu hạ tầng mặc dù được cải thiện đáng kể nhưng chưa đồng bộ, còn nhiều điểm bất cập và chưa hợp lý. Hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia chậm phát triển, hạn chế sự liên kết phát triển liên vùng cũng như giảm khả năng phát huy nội lực của vùng. Kết cấu hạ tầng đang trong tình trạng ngày càng quá tải, chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và vấn đề xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nóng trong các vùng. Xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao còn chậm; chất lượng giáo dục phổ thông chưa đồng đều; công tác đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu sử dụng; quản lý nhà nước về liên kết đào tạo còn nhiều bất cập; chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp... Nguyên nhân chủ yếu do muốn phát triển nhanh để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực nên một số chỉ tiêu phát triển vùng KTTĐ đề ra quá thiếu thực tế, vượt khả năng cho phép. Các vùng KTTĐ chưa tạo được mối liên kết cần thiết trong phát triển giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác; thiếu sự phân công hợp tác; không tính hết yếu tố thị trường và hiệu quả chung dẫn tới sự phát triển chủ quan, đầu tư trùng lặp, gây lãng phí và làm giảm sức cạnh tranh... Các chủ trương, chính sách chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời nên việc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển các vùng KTTĐ và hiệu quả đầu tư thấp... Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành hữu quan cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ về nguồn vốn, cơ chế chính sách giúp các vùng KTTĐ giải quyết nhiều vấn đề bức xúc như: cơ sở hạ tầng giao thông; sự liên kết, điều phối trong nội vùng KTTĐ và các vùng khác trong cả nước nhằm phát huy vai trò, lợi thế của từng địa phương;...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các vùng KTTĐ đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế 5 năm qua (2006-2010). Đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng: Trong quá trình phát triển, nông nghiệp vẫn là tiềm năng, là lợi thế của các vùng KTTĐ và cả nước nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp là vấn đề cần tiếp tục thực hiện để phát huy lợi thế, tiềm năng. Các địa phương vùng KTTĐ phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại nguồn vốn để tối ưu hóa tỷ trọng đầu tư để ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường công tác điều phối nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng; giải quyết các yếu kém quy hoạch, triển khai thực hiện các quy hoạch. Thời gian tới, các vùng KTTĐ phải bám vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là mục tiêu xuyên suốt bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Các địa phương cần thường xuyên giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm về các vấn đề như: nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, kết nối... trong quá trình phát triển. Hơn ai hết, các vùng KTTĐ phải đi đầu trong đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế. Các vùng KTTĐ phải phát huy chức năng, vai trò là đầu tàu, tạo ra sức lan tỏa để lôi kéo phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước trong thời gian tới.
Tin, ảnh: THANH LONG