07/02/2009 - 07:46

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Các trường trung cấp và cao đẳng nghề phải công bố chuẩn đầu ra

(TTXVN)- Chỉ đạo việc tổ chức, quản lý, hoạt động của các trường dạy nghề trong doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các trường cần phải công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, các nguồn lực để thực hiện việc bảo đảm chất lượng đào tạo; chịu sự giám sát của Nhà nước trên cơ sở tiêu chuẩn để mở trường do Nhà nước quy định; công bố đánh giá chất lượng đã được các tổ chức có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường hưởng ưu đãi, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư giáo dục và đào tạo theo quy định chung, hỗ trợ đào tạo giáo viên, kết nối với doanh nghiệp, tạo điều kiện để các trường có các hợp đồng đào tạo. Xây dựng và công bố các chương trình khung, hỗ trợ biên soạn giáo trình dùng chung, chương trình đào tạo của các trường; có kế hoạch xây dựng các trường trọng điểm quốc gia, bao gồm cả trường thuộc doanh nghiệp; đánh giá chất lượng đào tạo, quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị các trường dạy nghề của doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các công ty trước hết thực hiện chức năng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp đáp ứng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp qua các phương thức hợp đồng đào tạo giữa công ty, doanh nghiệp và trường về số lượng và chất lượng nhân lực được đào tạo. Doanh nghiệp, công ty phải bảo đảm kinh phí đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường này cũng có thể đào tạo theo yêu cầu xã hội, khi đó sẽ thực hiện cơ chế như trường tư thục.

Về cơ chế hoạt động, các trường thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí, là đơn vị hoạt động độc lập được hưởng các chính sách của Nhà nước và khuyến khích xã hội hóa giáo dục đào tạo. Nguồn kinh phí được huy động từ công ty, doanh nghiệp mẹ, học phí của người học, tài trợ của Nhà nước và các nguồn tài trợ hợp pháp khác. Đối với đào tạo cho người ngoài công ty, doanh nghiệp, nhà trường tự quyết định mức học phí phù hợp với chất lượng đào tạo, khả năng chi trả của người học và của xã hội khi đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản pháp luật, xác định vị trí pháp lý các trường dạy nghề thuộc doanh nghiệp; xây dựng cơ chế hỗ trợ học phí, học bổng cho các đối tượng chính sách.

Chia sẻ bài viết