03/10/2013 - 08:31

Các tỉnh miền Trung tập trung mọi nguồn lực khắc phục thiệt hại sau bão

TP CẦN THƠ: Triều cường sẽ lên cao vào những ngày đầu tháng 9 âm lịch

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương và nguồn tin TTXVN, tính đến ngày 2-10, bão số 10 đã làm 9 người chết (Quảng Bình 5, Thanh Hóa 2, Nghệ An 2, kể cả ông Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương bị lũ cuốn trôi đêm 1-10) ; mất tích 2 người (Nghệ An 1, Quảng Bình 1); bị thương 199 người (Nghệ An 2, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 140, Quảng Trị 37, Thừa Thiên - Huế 2).

Bão số 10 đã làm 372 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 25.783 nhà bị ngập; 194.137 nhà bị tốc mái, hư hỏng. 795 trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái. 4.258 ha lúa, 12.751 ha bắp, hoa màu bị ngập, đổ; 20.391 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.164 ha ao cá, tôm bị ngập, hư hại; 120 tàu thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố. Hệ thống thủy lợi có 120.730m3 đất, đá, bê tông sạt, trôi, bồi lấp; 2 hồ đập tại Thanh Hóa bị vỡ (dưới 500.000m3); 4 hồ đập bị hư hỏng, sự cố (Thanh Hóa); 21.940m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 30.169m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi. Bão làm 1 cột ăng ten phát sóng bị đổ; 710 cột điện hạ thế, 71 cột điện trung thế và 35 cột điện cao thế bị nghiêng, đổ; 48.000m đây điện bị đứt; 342.620m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp; 23.711m đường giao thông bị sạt lở, hư hại.

Nhiều tuyến đường bị ngập gây ách tắc giao thông, đến sáng 2-10, Quốc lộ 1A đoạn qua Tĩnh Gia, Thanh Hóa nước đã rút, thông tuyến giao thông; đoạn qua Hoàng Mai, Nghệ An còn ngập 30cm; đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố miền Trung bị thiệt hại do bão số 10 đã và đang tập trung mọi nguồn lực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Ngày 2-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ tỉnh Quảng Trị thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình bị thiệt hại do bão. 42 suất quà trị giá 32 triệu đồng được Hội Liên hiệp Phụ nữ trao tận tay các gia đình có người bị thương, sập nhà, tốc mái, hư hại trong cơn bão ở các huyện, thị chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão như Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, TP. Đông Hà, Hải Lăng.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã xuất kinh phí trên 50 triệu đồng và tiếp nhận từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 200 thùng hàng thiết yếu, trị giá gần 100 triệu đồng, gồm chăn, màn, thùng đựng nước, ấm đun nước…; tổ chức phân bổ cứu trợ trực tiếp đến các hộ có nhà sập, tốc mái, gia đình có người bị thương và tử vong sau bão.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã điều 15 xuồng máy của lực lượng cứu nạn cứu hộ, cùng nhiều bè mảng của nhân dân để đến ứng cứu các vùng bị lũ lụt đang ngập nặng. UBND tỉnh Nghệ An chở 10 tấn mì tôm và 100 thùng nước sạch để cấp phát cho người dân. Thị xã Hoàng Mai - nơi bị ngập lụt nặng nhất cũng đã phối hợp với các ngành liên quan đưa ra khỏi vùng ngập sâu 800 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.

Ngay sau bão số 10 đi qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả; tập trung huy động lực lượng giúp nhân dân khôi phục nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng, sửa chữa trường lớp để đón học sinh trở lại học tập và ổn định đời sống nhân dân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh kịp thời tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình bị thiệt hại do bão gây ra; chi hỗ trợ 3 nhà sập 33 triệu đồng; hỗ trợ 60 gia đình có nhà tốc mái, mỗi gia đình 500.000 đồng; hỗ trợ 50 thùng mì cho người dân huyện Phú Lộc…

* Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên cao trong những ngày sắp tới. Đặc biệt vào ngày 5-10-2013, tại Tân Châu mực nước có khả năng ở mức 4,42m (dưới báo động III khoảng 0,08m), ở Châu Đốc 3,72m (trên báo động III 0,22m) và có khả năng đạt đỉnh lũ cao nhất năm trong 10 ngày đầu tháng 10-2013. Tại sông Hậu và các sông, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ, mức nước sẽ lên cao vào kỳ triều cường đầu tháng 9 (âm lịch) với mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III (1,9m) khoảng 0,05m vào các ngày 6, 7, 8-10-2013.

Để chủ động đối phó với triều cường, mưa, lũ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ đề nghị thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố, UBND các quận, huyện; Ban chỉ huy PCLB-TKCN các cấp chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó; theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến mưa, lũ, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; tổ chức kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu nhằm bảo vệ khu dân cư và vườn cây ăn trái, hoa mùa, lúa, ao hồ nuôi thủy sản; kiểm tra các khu vực trũng, thấp có người dân cư ngụ để có biện pháp di dời, tránh thiệt hại do lũ, triều cường gây ra; thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tại các điểm giữ trẻ, vận động các bậc cha mẹ tăng cường quản lý con em, đưa rước học sinh đến trường trong những ngày lũ lên cao; triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn tại khu vực nguy hiểm trên sông; kiểm tra và kịp thời uốn nắn sai sót tại các bến đò ngang, đò dọc trên sông; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão, nhằm nắm bắt thông tin và kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra...

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, thành phố còn khoảng 15.000 ha lúa thu đông chưa thu hoạch trong giai đoạn trổ, chắc xanh và chín. Do ảnh hưởng lũ đầu nguồn đổ về kết hợp với triều cường, mưa lớn xuất hiện vào đầu tháng 10-2013 (tức đầu tháng 9 âm lịch) làm cho mực nước sông Hậu, các sông, rạch trong thành phố lên cao và có khả năng gây vỡ đê, ngập úng diện tích lúa thu đông, ảnh hưởng thu hoạch và chất lượng hạt lúa...

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương cần kiểm tra và gia cố đê bao ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng lũ; chủ động tiêu nước chống úng, bảo vệ lúa thu đông, hoa màu và vườn cây ăn trái; thu hoạch sớm diện tích lúa thu đông trong giai đoạn chín (ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai). Các địa phương có diện tích trồng cây ăn trái như: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền cần vận động nông dân gia cố bờ bao chắc chắn, chuẩn bị sẵn máy bơm động cơ, kịp thời bơm nước ra khỏi vườn cây ăn trái, hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có biện pháp kê kích hàng hóa, phòng, chống ngập úng kho hàng mùa mưa bão, tránh gây khuếch tán, làm ô nhiễm môi trường...

VĂN HÀO- THANH THỦY (TTXVN) - H.V

Chia sẻ bài viết