22/06/2010 - 21:25

Cá tra đã hết thời vàng son?

Những năm gần đây, giá các loại thức ăn thủy sản (gồm thức ăn công nghiệp và tự chế) trong xu hướng tăng giá và hiện đứng ở mức khá cao. Nhưng giá cá tra nguyên liệu tăng không tương ứng với đà tăng của giá thức ăn đã làm cho nhiều diện tích nuôi cá tra ở TP Cần Thơ bị “treo ao” hoặc chuyển qua nuôi các loại cá khác như cá rô, cá lóc…

* NUÔI CÁ TRA KHÔNG CÓ LÃI

Các quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh là những địa phương có diện tích nuôi cá tra tập trung, qui mô của TP Cần Thơ. Theo nhiều người nuôi cá tra nơi đây, cách nay khoảng 2-3 tháng, giá cá tra tăng khoảng 17.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi nhưng rất thấp. Tuy nhiên, sau đó giá cá giảm lại và với mức giá trên thị trường hiện nay là 15.500-16.200 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra tiếp tục lâm vào cảnh khó. Bởi các chi phí đầu vào tăng đẩy giá thành nuôi cá tra bằng thức ăn công nghiệp vào khoảng 16.000-16.500 đồng/kg, còn nuôi thức ăn tự chế khoảng 15.500-16.000 đồng/kg. Chị Đỗ Thị Hồng Loan, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Ao cá tra của gia đình đã đến lứa xuất bán, dự kiến thu hoạch 110-120 tấn. Nhưng do giá bán đang ở mức thấp, loại cá chất lượng tốt chỉ khoảng 16.000-16.200 đồng/kg nên gia đình chưa bán và đợi giá tăng. Bán với giá này từ huề vốn đến lỗ vì giá thức ăn cho cá hiện nay quá cao so với năm trước. Hiện nay, giá cám đã khoảng 4.300 đồng/kg (năm trước chưa tới 4.000 đồng/kg), tấm 5.500 đồng/kg, cá biển 4.500-5.000 đồng/kg... Nếu thu hoạch cá lần này thua lỗ, gia đình chắc không nuôi tiếp đợt mới...”.

Nhiều ao nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt đã “treo ao”. Ảnh: ANH KHOA 

Anh Lữ Văn Tâm, quản lý và chăm sóc ao cá tra cho một hộ nuôi cá tra ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho biết: Cách nay khoảng 5 tháng, chủ ao bán giá cá tra nguyên liệu ở mức 15.600 đồng/kg. Với giá bán này chủ hộ nuôi đã bị lỗ vì giá thành cá tra nuôi bằng thức ăn công nghiệp vào thời điểm này khoảng 16.000 đồng/kg. Qua đợt thu hoạch, chủ hộ nuôi thả thêm đợt nuôi mới. Tuy nhiên, nhận thấy giá cá tra nguyên liệu trên thị trường không hấp dẫn, trong khi giá thức ăn công nghiệp ở mức cao (loại thức ăn 26% đạm giá đến 9.200 đồng/kg), cách nay hơn nữa tháng, chủ hộ nuôi đã bán cá con, thả được hơn 1 tháng và dự định sẽ chuyển qua nuôi cá lóc và ếch.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện nay, diện tích nuôi cá tra tại thành phố chỉ khoảng 420 ha, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người nuôi cá tra đã “treo ao” do chi phí chăn nuôi cao, trong khi giá cá tra đầu ra ở mức thấp, làm họ bị lỗ. Mặt khác, thời gian gần đây lợi nhuận mà con cá tra mang lại cho người nuôi không còn hấp dẫn như các năm trước và rủi ro trong nuôi cá tra ngày càng cao. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Với giá cá tra nguyên liệu ở mức 16.200 đồng/kg, nông dân nuôi cá tra rất khó có lãi. Bởi, lấy mức hệ số chuyển hóa thức ăn vào khoảng 1,5-1,6 (để đạt được mức này thì loại thức ăn dành cho cá phải có chất lượng tương đối tốt), chỉ tính riêng tiền thức ăn đã ở mức 14.000 đồng/kg. Cộng thêm tiền con giống, công chăm sóc, lãi suất tiền vay và các chi phí khác,... hầu hết nông dân nuôi cá tra đều đang bị lỗ”.

* CẦN SỰ LIÊN KẾT, HỖ TRỢ

Do con cá tra không còn hấp dẫn người nuôi nên gần đây nhiều hộ nuôi cá tra ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh đã chuyển qua nuôi các loại cá khác hoặc bỏ trống ao. Bởi ngoài giá cả và đầu ra cá tra bấp bênh, giá thức ăn liên tục tăng thì trong 2 năm trở lại đây, các hộ nuôi cá tra còn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trước đây, đa số người nuôi cá tra vay vốn ngân hàng, nhưng thời gian qua nhiều hộ khó tiếp cận nguồn vốn này. Trong khi đó, khi con cá tra còn gặp thời (tức nuôi có lãi cao), nhiều người nuôi cá tra vay nóng bên ngoài dễ dàng, nhưng hiện nay rất ít người còn cho vay dạng này. Việc gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư đang khiến tình trạng “treo ao” nuôi cá tra càng diễn ra phổ biến.

Anh Nguyễn Hữu Phong, ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho biết: “Ao cá tra của tôi mấy năm trước mỗi đợt nuôi thu hoạch được khoảng 70 tấn. Từ 2 năm nay tôi đã bỏ trống ao nuôi này vì thấy nuôi cá tra không còn lời. Không những vay vốn gặp khó khăn, các điểm bán thức ăn gần đây không còn bán thiếu nữa, đến thu hoạch doanh nghiệp thu mua chế biến lại trả tiền chậm. Thấy bỏ ao trống lãng phí, hơn 1 tháng nay, tôi thả cá rô, vì con cá này vốn ít và khó bị lỗ nặng. Ở khu vực này, đa số các ao nuôi cá tra trước đây đã bỏ trống, trong 10 hộ nuôi trước đây thì hiện nay chỉ có 2-3 hộ còn nuôi...”. Tuy nhiên, muốn chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi các loại cá khác là chuyện không đơn giản. Bên cạnh khó khăn về vốn, người nuôi còn gặp khó khăn về kỹ thuật nuôi và vấn đề đầu ra các loại cá này chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nhiều nông dân nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, cho rằng: “Treo ao” thì quá lãng phí. Còn chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác thì lại lo đầu ra, hiệu quả sản xuất. Vì vậy, đa số người nuôi cá mong muốn được liên kết nuôi gia công cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hoặc cho các doanh nghiệp này thuê ao. Vì hiện nay, trên thực tế, có một nghịch lý là nhiều nông dân đang bỏ trống ao cá tra, nhưng có một số doanh nghiệp lại đào thêm các ao nuôi cá mới. Theo các ngành chuyên môn, cách làm này đã và đang bộc lộ những yếu tố “bất ổn”. Bởi trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về vốn và nguồn nhân lực nhưng phải lo cả khâu nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.

Để con cá tra tiếp tục là thế mạnh về xuất khẩu của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, nên chăng các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và người nuôi cá cần ngồi lại với nhau để tính chuyện liên kết sản xuất theo cách có hiệu quả nhất.

VĂN CỘNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết