04/04/2011 - 08:46

CÀ MAU: Cần tìm hướng đi thích hợp cho cây tràm ở rừng U Minh Hạ

Đầu ra cho cây tràm ở rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau không chỉ làm cho chính quyền địa phương đau đầu, mà còn đẩy hàng ngàn hộ dân sống với rừng điêu đứng. Cây tràm không bán được, đồng nghĩa với cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hành, một “lâm dân” sống trên 20 năm ở rừng cho biết, trước đây bà con ký hợp đồng với lâm trường nhận đất trồng rừng. Thời gian từ 5 – 7 năm sau, tràm đến tuổi khai thác, bán chia tỷ lệ giữa nhà nước với dân. Nay tràm đã đến tuổi khai thác nhưng tràm lại ế ẩm. Thật là không may mắn cho bà con.

Tổng diện tích rừng tràm U Minh Hạ lên tới trên 70.000 ha, trong đó 38.000 ha đất có cây rừng. Nhiều năm qua, chính quyền với nhân dân tích cực trồng thêm mỗi năm từ 1.500 – 2.000 ha. Số trồng mới để bù vào số rừng đến tuổi khai thác. Trước đây cây tràm dùng để làm cừ trong xây dựng các công trình, giá lúc đó 30.000 đ/cây (cừ loại 1). Thế nhưng sau này trong xây dựng cơ bản người ta dùng cừ bằng bê tông, từ đó cây tràm không bán được. Thực tế hiện nay Cà Mau còn gần 20.000 ha rừng đến tuổi khai thác, nhưng không tìm được đầu ra.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Cà Mau quy hoạch phát triển kinh tế rừng tràm theo hướng chế biến xuất khẩu. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ lấy từ nguyên liệu tràm để xuất khẩu. Đây là hướng đi đúng. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nhưng sau đó bỏ dần vì khủng hoảng kinh tế. Như vậy, bài toán đầu ra cho cây tràm là phải chế biến xuất khẩu. Nếu không thì đời sống của đại bộ phận “ lâm dân” ở rừng U Minh Hạ sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn.

TRẦN THÀNH NÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết