Cồn Sơn là địa danh du lịch nổi tiếng của Cần Thơ những năm gần đây, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Điều gì làm nên chất riêng biệt của du lịch cồn Sơn? Nhà báo Hòa Hội (báo Tiền Phong) sẽ kể cho độc giả những câu chuyện thú vị về đất và người nơi đây qua cuốn sách “Người cồn Sơn”, do NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành quý III-2019.
Sách có 3 chương: “Thuở xa xưa” gồm những bài viết kể về lịch sử hình thành và tên gọi của cồn Sơn cùng những nét văn hóa lâu đời trong đời sống của người dân nơi đây. “Cồn Sơn có gì lạ?” sẽ giải đáp thắc mắc cho người đọc vì sao du lịch cồn Sơn lại hút khách. Chương cuối cùng: “Người cồn Sơn” phác họa chân dung của những con người gắn bó và mang tất cả sức lực, tâm huyết để đưa cồn Sơn phát triển như hôm nay.
28 bài viết khai thác từng vấn đề, ngõ ngách, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về đất và người cồn Sơn là tất cả tấm lòng, tình cảm của nhà báo trẻ dành cho mảnh đất này. Giở từng trang sách, người đọc theo chân tác giả tìm hiểu, khám phá đất cồn suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Để hiểu vì sao nơi đây được ví von là “Viên ngọc trong miệng rồng”, về nguồn gốc tên cồn Linh, cồn Sơn; về nếp sống và những giá trị văn hóa lâu đời được gìn giữ và phát huy qua bao đời… Nếu ngày xưa cha ông phải gian nan giữ cồn, bỏ bao công sức cải tạo, đắp đê để ruộng đồng, cây trái tươi tốt, thì ngày nay, các thế hệ con cháu cũng vượt nhiều khó khăn để chung tay mở lối cho du lịch cộng đồng. Ở đó, có anh Lê Trung Tín với kỳ công luyện cá lóc bay, có chị Bảy Muôn làm những món bánh dân gian hấp dẫn, có bánh xèo Năm Minh, có trang trại lan trên sông Hậu, có bè cá Bảy Bon với những loài cá độc, lạ hay những vườn trái cây trĩu quả…
Ngoài những điểm đến lý tưởng, cồn Sơn níu chân du khách bằng sự hồn hậu, chân chất đậm bản sắc Nam bộ của người dân bản địa, bằng cách đón khách như người thân đi xa mới về và gửi yêu thương đến du khách từ sự quan tâm và những điều nhỏ nhặt nhất… Nhưng điểm hay, lạ của cồn Sơn không chỉ có vậy, mà còn nằm ở sự gắn kết cộng đồng khi làm kinh doanh, du lịch. Có ai nghe đến “bữa cơm rà”, “thực đơn bay” mà không ngạc nhiên, thắc mắc đó là gì? Một mâm cơm tiếp khách mà mấy nhà cùng chuẩn bị, mỗi nhà một món, cùng hùn hạp, các món ăn làm xong được mang đến điểm đãi khách trở thành “thực đơn bay”. Cuối ngày, mỗi nhà còn món gì thì gom lại thành bữa cơm chung, mọi người cùng ăn và cùng “rà” lại những điều cần rút kinh nghiệm để cải thiện tốt hơn. Đó là cách làm du lịch không giống ai của cư dân trên cồn. Cái kiểu kinh doanh cùng kéo nhau đi lên đã làm nên thương hiệu cồn Sơn như hôm nay.
Trong bức tranh ấy, điểm nhấn chính vẫn là “Người cồn Sơn”. Từ cô gái trẻ Phan Thị Kim Lợi khơi nguồn cảm hứng làm du lịch, đến cô gái “mở đường” cho khách Tây đến cồn Sơn: Nguyễn Thị Ngọc Sương, chàng trai Trần Thành Xuyên lập nên đội ngũ hướng dẫn viên du lịch CLB Liên thế hệ cồn Sơn, hay chị Bé - người lái đò thầm lặng hơn 20 năm chở miễn phí cho học sinh trên cồn đi học… Còn cả những nghệ nhân bánh dân gian, sinh viên mới ra trường hay người mẹ đơn thân vất vả nuôi con… với những nỗi niềm, tâm sự về sự thay đổi lớn trong cuộc đời khi bước chân vào làm du lịch. Tất cả đã được tác giả khắc họa chi tiết, cụ thể, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
Sách có nhiều hình ảnh đẹp, góp phần minh họa cho các bài viết thêm sinh động, cuốn hút.
Cát Đằng