30/01/2010 - 20:28

Bông Vang - Chuyện về một địa danh

Trên Hương lộ 28 , khu vực từ Miễu Ông đến Giai Xuân, có một cái chợ tự phát vài năm nay. Chợ này rất đặc biệt, lấy chiếc cầu sắt làm ranh giới, vào trong thuộc xã Giai Xuân, ra ngoài lại thuộc phường Long Tuyền. Chợ cách cơ quan Ủy ban nhân dân phường Long Tuyền 2,5km, cách thành phố Cần Thơ 17km, được gọi là chợ Bông Vang.

Từ trên cầu Bông Vang nhìn xuống chợ Bông Vang. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH 

Trong thời Pháp thuộc, vùng này được ghi là “Bông Giang”; nhưng từ khi cách mạng Tháng Tám, rồi đến cuộc kháng chiến chín năm đã trở thành “Bông Vang” như có lẽ do hoài niệm mà có một số người vẫn viết, gọi là “Bông Giang”. Xin đơn cử - Trong bài “Âm vang chiến thắng năm xưa”, tác giả Hoàng Hà viết: “...Vào buổi chiều, cuối tháng tư năm 2004, tôi có dịp trở lại chiến trường cách đây 50 năm với chiến công vang dội của vùng đất Giai Xuân – Long Tuyền và các địa danh Cả Lang, Lộ Bứt, Lò Rèn, Bông Giang, Ông Tường, những cái tên mộc mạc nhưng có bao kỷ niệm sâu sắc đã làm rúng động lòng người...” (Văn nghệ Cần Thơ). Trong bài “Lộ Vòng Cung còn thiếu một tượng đài” tác giả Phương Huy viết: “...Con rạch Rau Răm hẹp hơn rạch Cái Sơn, nhưng rất thông thương, có thể trổ qua Trường Tiền, Bông Vang và Long Tuyền...” (Văn nghệ Cần Thơ) và một đoạn khác cũng trong bài của Phương Huy: “...Phía trong vàm chỉ chừng vài cây số là những rạch nhỏ Rau Muôi, Bông Vang, Rạch Dinh với những khu căn cứ lõm vùng sáu xã nức tiếng ngày nào. Từ Bông Vang, Rau Muôi du kích ta có thể tiến đánh ra Bình Thủy, Miễu Ông, An Bình,... Còn lui, thì có thể dưỡng quân ở Giai Xuân, Tân Thới...”. Địa danh này phải viết cách nào? Bông Giang hay Bông Vang? Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, “Giang” ngoài một số nghĩa, còn có các nghĩa sau: Giang tâm: lòng sông, giữa sông sâu; giang tân: bến nước, bến thuyền đậu dựa bờ sông; giang lâm: Loại cây cao từ 2-5m, nhựa dùng trị lãi và xổ, lá dùng thuốc cá; giang tứ: ba đậu, vị thuốc khí nhiệt, vị đắng có nhiều chất độc... Còn “vang”, ngoài một số nghĩa khác còn mang một số nghĩa liên hệ về bông và cây như sau: “...vang: Loại cây cao 5-7m, màu xám mốc, thịt đỏ tươi, có gai nhọn, trái giẹp hình vuông dài. Khi non màu xanh, già trổ đen. Cây và rễ dùng làm thuốc nhuộm, tánh mát, vị ngọt cay hơi mặn, chủ về phần huyết, phát tán được gió độc trong tạng phủ và ngoài da” (trang 1745)

Nước sông còn đỏ như vang,
Nhiều nơi lịch sự hơn nàng, nàng ơi
(Ca dao)

Sách ghi: bông vang, cây cỏ cao lối 1m, thuộc họ bụp, hoa mọc ở nách, màu vàng có đốm đỏ ở giữa, núm hoa như nhung, trái ngoài có lông, trong hột chứa chất dầu và tinh dầu màu vàng thơm xạ hương, hột được chế thuốc trấn kinh và mộng tinh, trong tinh dầu có chất Ambrêtôlin và Farnêsol dùng chế dầu thơm (Hibiscus Abelmoschus). Tôi đã từng đến tận địa phương tìm hỏi người cố cựu. Gặp ông Huỳnh Văn Năng, tự Sáu Năng, 85 tuổi, có người anh thứ Tư Võ Tấn Tốt 91 tuổi, người em thứ bảy Võ Ngọc Quảng (đã chết cách đây trên 20 năm) - ba anh em đều khá giả lại có lòng tốt hay giúp đỡ chòm xóm nhất là các giáo viên chân ướt, chân ráo mới tới dạy học trường Miễu Ông (lúc mới tiếp thu). Tại sao anh em ruột mà lại khác họ? Ông Sáu cười vui rồi bảo: “Tôi gọi ông Bồi Thụ (người có tiếng giàu có ở Miễu Ông) bằng ông bác, gốc người Cả Sao bên Tiền Giang. Tổ tiên vốn họ Huỳnh, vì tránh sự lùng bắt của giặc Pháp mới sang đây cải thành họ Võ. Lúc chín năm vùng này bị giặc bố ráp liên miên, bom cày, đạn xới liền liền, cuộc sống không yên nên phải lánh sang Mỹ Khánh sống cả 9 năm và làm con nuôi ông Huỳnh Văn Hai, nên lấy lại họ xưa của tổ tiên là Huỳnh, còn ông Tư và ông Bảy vẫn giữ họ Võ. Ông Sáu Năng lại tâm sự: Gia tộc tôi ở vùng này rất danh giá, ông cố giàu có tên Chín, mua được chức Bá Hộ nên cả vùng đều tôn xưng Bá Hộ Chín. Xưa nơi này (chỗ chợ bây giờ), chệch hướng Tây một chút có cái miễu thờ bà Thiên Hậu, cạnh đó có cây bông vang mà bà con ta thường dùng thân tạo ra màu đỏ làm hoa văn khi dệt chiếu bán. Cây cao khoảng 5-6m. Thời Pháp thuộc chẳng rõ vì sao trong địa bộ họ lại ghi là “Bông Giang”, theo ý tôi thì phải sửa lại là “Bông Vang” mới đúng”.

Đa số đất miền Nam, thuộc vùng đồng bằng chín Rồng, sông rạch chằng chịt. Vùng Bông Vang này cũng thế, dòng sông nước trong lững lờ từ Miễu Ông chảy vào đây rồi rẽ đi nhiều ngả, ghe xuồng có thể đi Rau Răm, Trường Tiền, vào Giai Xuân Trà Niềng... Đường bộ Hương lộ 28 ngày xưa (thời Pháp thuộc) trải bằng đất hầm, sự đi lại cũng tiện lợi, nhưng cỡi xe đạp có nhiều chỗ ngựa phi đường xa đau mỏng đít thấy mồ... Cả xóm, chừng 45-50 gia đình, chỉ một số ít giàu có, phong lưu rất mực còn đa phần thì nghèo nàn túng bấn, vất vả, khổ cực trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lối tháng 10 Âm lịch, 9/10 số người đóng cửa nhà bằng chà tre mặc kệ gió lung lay, vợ chồng con cái xuống ghe nhỏ hoặc xuồng con xuôi miệt dưới làm thuê, cắt lúa mướn. Mấy người đàn bà tranh thủ lúc rỗi rảnh mua vải, cắt may áo quần cho chồng con. Mãi đến cận Tết, được một số tiền kha khá, họ mới trở về quê vui vẻ, cười nói, hạnh phúc, tất bật chuẩn bị đón xuân.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bông Vang như cái rốn ngập tràn khói lửa, thương đau. Giặc lập đồn án ngữ, dân quân ta phá bót lấy súng công đồn Miễu Ông, Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng... có lúc, địa điểm Miễu Ông, bị giặc Pháp nả trọng pháo ngày đêm, chợ phải dời về Bông Vang. Vào thập niên 50, Bông Vang có lúc được thanh bình yên ẳng nên đã có một ngôi trường Sơ Cấp (ba lớp đầu bậc Tiểu học) được dựng lên: Lớp Năm (Một ngày nay) thầy Xiêm dạy, lớp Tư (lớp hai) thầy Nhung dạy, lớp Ba (lớp ba) thầy Đề dạy. Học trò, ngày học hai buổi. Cả thầy và một số trò nhà ở xa phải ăn và nghỉ trưa tại trường. Có một giai thoại kỳ thú mà ngày nay vẫn còn người kể: “Một ngày nọ, có ông Tỉnh Trưởng người Pháp cùng đoàn tùy tùng ghé thăm trường và cũng muốn khích lệ học sinh vùng xa, vùng sâu, mỗi lớp ai đứng nhất được thưởng 10 đồng (tương đương một triệu đồng ngày nay). Lớp Năm có trò Nguyễn Văn Tám, lớp Tư có trò Trần Thanh Bạch, lớp Ba có trò Thái Công Tây cả ba đều đứng nhất lớp, mỗi em được nhận 10 đồng mới cáo cạnh, Trong lớp Năm có nhiều học sinh tên Tám. Nhân vụ này Nguyễn Văn Tám thành danh “Tám Mười Đồng” từ bấy đến nay. Vào vùng Miễu Ông hỏi tên Tám Mười Đồng thì ai cũng biết vì ông là người giàu có mà lại hào phóng thường giúp đỡ bà con trong xóm chẳng may gặp phải cảnh khó khăn, thắt ngặt.

Thời chống Mỹ, Bông Vang là vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng ven thành phố Cần Thơ. Từ đây lực lượng cách mạng có thể chuyển quân đánh vào Vùng Bốn chiến thuật tại trung tâm Cần Thơ bằng nhiều ngả. Địch bố trí rất nhiều đồn bót, cố tình chận đứng các cuộc tấn công kinh hoàng thần tốc của cách mạng. Hai sân bay Cần Thơ và Trà Nóc, địch bố phòng cẩn mật, ngày canh giữ, đêm chiếu sáng tiếp nhau không ngớt. Các cuộc đụng độ giữa ta và địch xảy ra như cơm bữa. Đồn, quân dân ta ra sức phá, địch kiên trì tiếp tục mãi xây, súng đạn, lửa máu vùng Bông Vang không bao giờ ngớt. Nhưng rồi mùa xuân Đại thắng đến, đồn giặc chẳng cần đánh cũng tiêu, lính địch không cần kêu cũng xếp giáp xin hàng, cánh chim hòa bình tươi trẻ, đẹp xinh, đầy sức sống trở lại mảnh đất Bông Vang tiếng hát ca và học bài ê a của lớp trẻ kỳ vọng một ngày mai tươi sáng về với quê hương mình.

Chợ Bông Vang giờ có nhà thuốc Tây, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cà phê và quán nhậu khá nhiều, thịt cá, rau, cải bán suốt ngày. Con đường nhựa phía bên kia sông được nối với Hương Lộ 28 tạo thành ngã ba tuyệt đẹp, hứa hẹn Bông Vang trở thành một địa phương ngày một phát triển.

Nguyễn Tấn Vĩnh

Chia sẻ bài viết