29/08/2021 - 10:52

Bóng đá Việt rối như tơ vò 

Trong cuộc họp trực tuyến giữa Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với các CLB diễn ra vào chiều 24-8, tất cả 27 CLB (gồm 14 đội V.League và 13 đội giải hạng Nhất quốc gia) đã biểu quyết, chấp thuận phương án hủy các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021. Như vậy, các giải V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia mùa giải 2021 chính thức dừng lại. VPF sẽ gửi văn bản lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để hoàn tất các thủ tục. Tuy nhiên, phương án kết thúc mùa giải 2021 như thế nào vẫn chưa được đề cập tới.

Hoàng Anh Gia Lai xứng đáng vô địch V.League 2021 sau gần 20 năm chờ đợi, nhưng giải đã hủy vì COVID-19. Ảnh: vietnamplus

Hủy các giải đấu cũng chấm dứt những cuộc tranh cãi sau khi Ban chấp hành VFF hồi tháng 7 phê chuẩn đồng ý với phương án của VPF là hoãn các giải chuyên nghiệp tới tháng 2-2022. Các CLB cho rằng việc hoãn giải kéo dài gây thiệt hại về tài chính, do vượt ngoài kế hoạch chi tiêu ban đầu của CLB. Thế nên, sau khi VFF có chủ trương hủy giải hôm 21-8, VPF đã họp lại với các CLB để đi đến quyết định cuối cùng như trên.

Tuy nhiên, việc hủy các giải đấu chuyên nghiệp kéo theo nhiều vấn đề nan giải. Trước hết là việc liệu có đội bóng nào phải xuống hạng hay không? Nếu quyết định đội đang đứng chót bảng là Sông Lam Nghệ An phải xuống chơi hạng Nhất mùa giải sau thì đội bóng xứ Nghệ không phục. Bởi giải đấu đã hủy, coi như không công nhận kết quả, thì không thể “ấn” đội bóng rớt hạng được. Nếu V.League không có đội nào xuống hạng, vậy giải hạng Nhất có được suất thăng hạng nào không? Có đề xuất rằng giải hạng Nhất không có đội rớt hạng, nhưng có thể đôn 2 CLB đang dẫn đầu sau 7 vòng đã đấu lên chơi V.League 2022. Như thế thì V.League mùa tới sẽ có 16 CLB tham dự, giải hạng Nhất còn 11 đội?

Vấn đề thứ hai là có nên trao ngôi vô địch V.League 2021 cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, đội đang dẫn đầu sau 12 vòng và hơn 3 điểm so với Viettel xếp ngay sau? Nếu giải tiếp tục diễn ra, các đội cạnh tranh vô địch phải trải qua 6 vòng đấu nữa. Hành trình này đủ để thay đổi cục diện và không ai đảm bảo rằng đội bóng phố núi có thể giữ vững được vị trí. Thế nên, nếu công nhận Hoàng Anh Gia Lai vô địch khi giải bị hủy có thể khiến nhiều đội khác không đồng tình. Ông Ðoàn Nguyên Ðức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, cũng khẳng định không quá quan tâm tới ngôi vô địch và cũng không tiếc nếu giải bị hủy. Tuy nhiên, việc không có đội vô địch cũng gây rắc rối, bởi phải xác định đội bóng nào đại diện bóng đá nước nhà dự các giải đấu AFC Champions League và AFC Cup năm sau.

Một vấn đề nan giải khác là hàng ngàn cầu thủ mất việc, hình ảnh giải đấu Việt Nam đi xuống. Các CLB cho rằng hủy giải giúp giảm bớt chi phí và thiệt hại về tài chính của CLB hơn so với phương án hoãn đến đầu năm 2022 trước đó. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với giảm gánh nặng kinh tế cho cầu thủ, đối tượng chịu thiệt hại nhất. Các cầu thủ đối diện với khoảng thời gian ít nhất 7 tháng mất việc. Nhiều cầu thủ đã chấp nhận giảm lương vì tình hình khó khăn chung. Nhưng khi các giải ngừng hoạt động, họ có thể được cho về nhà, phải chịu giảm thêm tiền lương và đối mặt nguy cơ không có việc làm.

Quyết định hủy các giải cũng khiến cho VPF lâm vào thế khó. Trong vai trò tổ chức, VPF thất bại hoàn toàn khi không thể đưa giải đấu về đích trọn vẹn. Ðồng thời đối mặt với việc phá vỡ hàng loạt hợp đồng tài trợ, tạo hình ảnh không đẹp với đối tác. Tài chính của VPF đã thiệt hại đáng kể từ mùa giải trước do dịch COVID-19, nên nếu chịu thêm khoản lỗ khổng lồ ở mùa giải 2021, thì thật sự khó khăn cho những mùa giải sau.

Việc hủy giải là bất khả kháng do dịch COVID-19 và điều này đang đòi hỏi bóng đá Việt phải chung tay vượt qua khó khăn.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết