18/02/2020 - 09:50

Bóng đá Việt Nam có hơn Thái Lan? 

Theo bảng xếp hạng FIFA mới nhất, đội tuyển Việt Nam đứng thứ 94 thế giới, số 1 Đông Nam Á trong khi các con số của Thái Lan là 113 và 2. Còn trong ba lần đụng độ gần nhất, thầy trò ông Park Hang-seo có 2 trận hòa Thái Lan đều ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, một trận thắng tại giải giao hữu King’s Cup 2019.

Đáng nói là trong hơn 2 năm qua dưới tay ông thầy người Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam có sự thăng tiến vượt bậc cả trên bảng xếp hạng FIFA lẫn thành tích cụ thể tại những đấu trường lớn khu vực và châu lục. Đội tuyển quốc gia vô địch Đông Nam Á 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, chưa kể cấp độ trẻ á quân U23 châu Á 2018, vô địch SEA Games 30 hay vào bán kết Asiad 18. Ngược lại, bóng đá Thái Lan ở các sân chơi này đều thua kém Việt Nam, dù mới nhất là vào đến tứ kết U23 châu Á 2020.

Thái Lan thua tuyển Việt Nam ở giải King’s Cup, còn thực tế không chắc. Trong ảnh: Tiền đạo Công Phượng (trái) tranh bóng với cầu thủ Thái Lan. Ảnh: ANH HUY

Nhìn vào bảng thống kê kể trên, ai cũng thấy Thái Lan sa sút hơn nhưng nội lực của cả một làng bóng thì không hẳn. Giới chuyên môn có chung nhận định, thầy trò ông Park mới hơn Thái ở một trận đấu, một giải đấu, còn thực tế khác với bản thành tích màu hồng của bóng đá Việt Nam.

Có một thời, người ta thường vỗ ngực tự hào giải vô địch quốc gia V.League hay hơn Thai-League. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không theo cảm tính. AFC dựa vào số liệu chuyên môn của 4 năm gần nhất của các CLB phân hạt giống chia bảng AFC Champions League và AFC để cho ra con số Thái Lan đang dẫn đầu Đông Nam Á từ những thành công ở các đấu trường châu Á.

Gần nhất hồi năm ngoái, CLB Hà Nội từng vào đến loạt đấu chung kết AFC Cup liên khu vực nên hiện đã vượt mặt Singapore và Malaysia, nhưng vẫn kém Thái Lan và Philippines.

Còn ở giải vô địch trong nước, Thái Lan vẫn làm “trùm” khu vực sau nhiều năm áp dụng cách thức tổ chức chuyên nghiệp như giải Ngoại hạng Anh. Cầu thủ Thái Lan cách đây khoảng 20 năm từng lũ lượt sang đá V.League, bỏ túi tiền “đô” thì bây giờ rầm rộ sang chơi J-League (giải đấu của Nhật Bản đứng đầu châu Á) vừa có tiếng, vừa có miếng.

Tuyển thủ Việt Nam hiếm hoi xuất hiện ổn định tại Thai-League duy nhất có thủ môn Văn Lâm đang chơi cho Muang Thong hồi năm ngoái, cùng thời với tiền vệ Xuân Trường không trụ nổi ở Buriram.

Cầu thủ Thái Lan thành danh ở đấu trường khắc nghiệt J-League như tiền vệ Chanathip, hậu vệ Theerathon và mới nhất có tiền đạo Dangda hay thủ môn Kawin đầu quân cho các CLB lớn ở Nhật. Ngược lại, các cầu thủ giỏi như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng không có suất chơi ở Nhật, Hàn phải về nước. Hay như sau này Công Phượng, Văn Hậu “có tiếng” đá bóng ở châu Âu nhưng không thấy “miếng”.

Thế mới biết giữa lý thuyết và thực tế giữa hai nền bóng đá Việt Nam - Thái Lan còn cách xa nhau quá!

SONG HUY

Chia sẻ bài viết