04/08/2024 - 13:56

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khi nào thật sự chuyên nghiệp? 

Từ năm 2000, bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp với sự ra đời của giải V.League 1 (Vô địch quốc gia) và V.League 2 (hạng Nhất quốc gia), dưới sự điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Cuối năm 2011, dưới sức ép của các CLB, VFF chuyển quyền điều hành 2 giải này sang VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vốn gây bức xúc cho các CLB về sự công bằng, minh bạch.

Đội Cần Thơ (trái) gặp Long An mùa giải hạng Nhất năm 2022, trước khi đội Cần Thơ giải thể. Nay, đội Long An cũng đang gặp nhiều khó khăn để tiếp tục trụ lại giải. Ảnh: NGUYỄN MINH

Phải nhìn nhận, VPF đã tạo được nhiều sự thay đổi cho bóng đá Việt Nam, nhưng có vẻ ngày càng “hụt hơi” trong định hướng phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Mùa giải 2024-2025 được xem là mở đầu cho giai đoạn mới với lịch thi đấu V.League 1 theo khung thời gian của các giải đấu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giải V.League 2 lại đang èo uột với hàng loạt đội bóng có nguy cơ không tham dự, dẫn đến mô hình tháp ngược (số đội ở V.League 1 nhiều hơn V.League 2) tiếp tục diễn ra nghiêm trọng hơn.

Theo kế hoạch ban đầu, lễ bốc thăm các giải đấu chuyên nghiệp mùa giải 2024-2025 diễn ra vào ngày 2-8. Tuy nhiên, có tới 4 CLB ở giải V.League 2 đang đối mặt với những thách thức lớn về tài chính và vận hành, bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðịnh Hướng, Long An và Ðồng Nai. CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi công văn xin không tham dự mùa giải này do khó khăn về kinh phí. Tân binh Ðịnh Hướng cũng đã tạm dừng hoạt động sau khi nhà tài trợ rút lui và những lùm xùm nội bộ. CLB Long An đã trả đội bóng lại cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An. Còn Ðồng Nai vẫn chưa đăng ký tham dự giải đấu dù đã quá hạn đăng ký theo VPF. Chưa hết, CLB vừa rớt hạng khỏi V.League 1 là Khánh Hòa vẫn chưa có động thái để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Giải V.League 2 dự kiến khởi tranh vào ngày 29-10, có nghĩa các CLB chỉ còn khoảng 2 tháng để hoàn thiện công tác chuẩn bị, bao gồm cả việc tìm kiếm nhà tài trợ và ổn định đội hình. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, thời gian còn lại để giải là bài toán tài chính là rất ít, chưa kể việc tìm kiếm nhân sự, lực lượng.

Từ khi được thành lập, VPF đã nỗ lực duy trì V.League 1 với 14 đội bóng, trong khi V.League 2 trồi sụt 11-12 đội. Nếu mùa giải này, V.League 2 chỉ còn lại 8 hay 10 đội là điều đáng tiếc cho quá trình hơn 23 năm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, giải đấu ở hạng dưới luôn có số đội nhiều hơn hạng trên để cạnh tranh tấm vé tới hạng đấu cao nhất của mỗi quốc gia. Còn bóng đá Việt Nam thì “chân đế” rất ít đội, trong khi đỉnh cao lại duy trì số đông hơn. Nhiều đội bóng “gồng mình” chơi ở giải cao, rồi khi rớt hạng thì giải thể với những khoản nợ, khiến không thể trụ lại kể cả ở giải thấp. Trong 3 năm qua, đã có 6 đội bỏ suất chơi giải hạng Nhất vì khó khăn tài chính là CLB Tây Ninh, Gia Ðịnh (2021), An Giang (2022), Cần Thơ, Sài Gòn FC (2023) và Bình Thuận (2024). Xa hơn trong 10 năm qua, giải hạng Nhất có đến 12 đội không dự giải, gồm 6 đội trên và PVF, Ðồng Nam, Phú Yên (2017), Hùng Vương An Giang (2015), Xuân Thành Sài Gòn, Bình Ðịnh (2014).

Việc nhiều CLB nguy cơ không tham dự giải hạng Nhất thật sự là hồi chuông cảnh báo về tính bền vững của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

TÂN PHÚ

Chia sẻ bài viết