23/10/2023 - 13:06

Bóng đá chuyên nghiệp và mô hình tháp ngược 

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Cuối tuần này, 2 giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam là Giải vô địch quốc gia Night Wolf - V.League 1 và Giải hạng Nhất quốc gia Bia Sao Vàng 2023-2024 chính thức khởi tranh với rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, việc CLB Bình Thuận xin không tham dự giải hạng Nhất quốc gia như gợi lại những vấn đề cũ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể được giải quyết.

Cầu thủ Cần Thơ (trái) thi đấu tập huấn trước khi tham dự giải hạng Ba 2023. 

Theo lịch thi đấu, cuộc đối đầu giữa Hải Phòng và Hoàng Anh Gia Lai trên sân Lạch Tray vào chiều 20-10 là nơi tổ chức lễ khai mạc chính thức của giải V.League 1. Có thể xem đây là cột mốc đáng nhớ, vì lần đầu tiên sau 21 năm (sau mùa giải 2001-2002), V.League mới lại diễn ra theo thể thức vắt qua 2 năm, tương tự các giải chuyên nghiệp thuộc các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Còn lễ khai mạc Giải hạng Nhất quốc gia 2023-2024 sẽ diễn ra trên sân Hòa Xuân, trước cuộc đấu giữa SHB Ðà Nẵng - Huế vào chiều 21-10.

Tham dự V.League 1 mùa này, có 14 đội trong đó Quảng Nam là tân binh mới trở lại sau một mùa giải rớt hạng. Nhìn vào quá trình chuẩn bị lực lượng các đội bóng hiện tại, có thể dự đoán cuộc đua vô địch năm nay cũng không ngoài đương kim vô địch Công an Hà Nội, CLB Hà Nội, Viettel. Những chú "ngựa ô" có thể là Bình Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Ðịnh... Các đội bóng này đã mang về những cầu thủ chất lượng, nhưng thực tế khó đi đến cùng trong cuộc đua tranh ngôi vô địch. Còn ở nhóm đua trụ hạng, tân binh Quảng Nam hay TP Hồ Chí Minh FC có lẽ là những đội bị gọi tên. Ban tổ chức giải - VPF đã nỗ lực để V.League ngày càng hấp dẫn hơn, nhưng thực tế đẳng cấp và sự chênh lệch giữa các đội "nhà giàu" và "nhà nghèo" là quá rõ, khó có bất ngờ.

Trong khi đó, Giải hạng Nhất quốc gia mùa này ban đầu có 12 đội bóng, nhưng cuối cùng Bình Thuận rút lui do khó khăn về tài chính, nên chỉ còn 11 đội. Giải đấu được xem là hấp dẫn thứ hai, là bước đệm để các đội bóng chuyển lên chuyên nghiệp V.League, đáng lẽ phải có số đội bóng nhiều hơn, nhưng nhiều năm qua không thu hút được các địa phương đầu tư đội bóng gia nhập. Ðầu mùa giải 2023, Cần Thơ, Sài Gòn FC xin rút lui vì không tìm được nhà tài trợ, trước đó nữa từng có An Giang, Cà Mau… bỏ suất qua mỗi mùa giải. Vấn đề ở đây là do Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện nay quy định các CLB từ hạng Nhất trở lên phải thành lập công ty chuyên nghiệp, không dựa vào ngân sách địa phương. Dù đây là điều cần thiết bắt buộc phải làm để xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp, nhưng thực tế các doanh nghiệp ở địa phương rất khó kham nổi chi phí cho một đội bóng. Thế nên, không có sự hỗ trợ kinh phí của địa phương, các CLB hạng Nhất luôn có nguy cơ phải bỏ giải bởi thiếu tài trợ.

Không chỉ với các giải bóng đá chuyên nghiệp, ngay cả giải hạng Ba - một giải đấu được xem là chỉ hơn phong trào, nhưng cũng chỉ có 10 đội bóng đăng ký tham gia giải năm nay. Trong đó, có 4 CLB trực thuộc địa phương và đó là những đội bóng từng chơi ở V.League như An Giang, Cần Thơ, hoặc ở giải hạng Nhất như Tây Ninh... Sở dĩ các CLB này phải đá giải bóng đá hạng Ba vì từng bỏ giải nên bị phạt, trở lại thi đấu hạng thấp nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia.

Có quá ít đội thi đấu giải hạng Ba nhưng không phải nguyên nhân chính vì ngân sách địa phương không lo nổi cho đội bóng tham dự. Vấn đề là dự giải mà không quyết tâm thăng hạng thì không được, nhưng thăng hạng rồi thì lại lo tiền để dự giải cao hơn. Nếu không lo được, lại bỏ giải và rơi vào vòng luẩn quẩn. Ðây là mẫu số chung đáng buồn của phần lớn các đội bóng trực thuộc địa phương và đáng lo cho hệ thống bóng đá hình tháp ngược hiện nay.

Chia sẻ bài viết