14/05/2011 - 20:18

Bội thực sách... "dạy làm người"

Sách “dạy làm người” ngày càng tràn lan trên thị trường.
Ảnh: DUY KHÔI

“Bây giờ sao có nhiều sách dạy làm người quá. Nhưng mà mỗi cuốn mỗi kiểu, khiến không biết đường nào học” - Đó là than phiền của nhiều độc giả. Đáng nói là phần nhiều sách cẩu thả cả về nội dung lẫn cách thể hiện đã làm mất đi ý nghĩa và giá trị vốn có của những cuốn sách dạy làm người.

Những cuốn sách mang đậm triết lý sống, giúp trang bị, hướng dẫn con người ứng xử trước mọi tình huống trong cuộc sống thường ngày hay giáo dục kỹ năng sống, làm việc là rất cần thiết cho mọi người. Những quyển sách như: “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”... đã trở thành gối đầu giường của bao thế hệ độc giả.

Tuy nhiên, trên các kệ sách hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều sách “dạy làm người” dành cho đủ thành phần, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp khó có thể kể hết. Đi đầu trong việc biên dịch, đặt hàng các cuốn sách này là Công ty sách First News với hai tủ sách tầm cỡ là “Hạt giống tâm hồn” và “Cửa sổ tâm hồn”.

Điểm làm nhiều độc giả băn khoăn là phần lớn sách dạy làm người kém chất lượng. Đầu tiên là việc sách “dạy làm người” bị “xào nấu”, sao chép của nhau. Những cái tựa sách như: “Đạo làm người”, “Quà tặng cuộc sống”... hiện có gần hàng chục cuốn sách trùng tựa và nội dung dù tác giả khác nhau. Xem “Phép xã giao” của H.P., người đọc thấy có hơn 70% là giống phần 1 của cuốn “Đạo làm người” của H.K - N.K.. Thậm chí, chỉ cùng một cuốn “Thuật nói chuyện hằng ngày” của H.X.V., mà hai phần đã “cắn đuôi nhau”: chương 4: “Đừng có giọng thầy đời” và chương 18 lại là: “Đừng làm thầy đời” (?!).Chưa kể đến tình trạng sao chép những cuốn sách hút độc giả. Hiện nay, cuốn “Đắc nhân tâm” do First News độc quyền tái bản nhưng “điểm mặt” trên thị trường có hàng chục nhà xuất bản tái bản “vô tư”.

Nội dung trong những quyển sách này cũng có nhiều “sạn”. Bỗng dưng trên thị trường xuất hiện cuốn “Thất nhân tâm” với lời giải thích của tác giả là “Biết thất nhân tâm để đạt đắc nhân tâm” (!). Hay có sách đưa ra những “bài học” trái ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Đọc cuốn “36 mưu kế và xử thế”, thử hỏi độc giả học được gì qua câu chuyện “Giết gà răn khỉ”: Nước Tề có một bậc hiền nhân tên là Cuồng Duệ. Khương Thái Công biết tên muốn mời ông làm quan nhưng ba lần đến nhà là ba lần bị đóng cửa không tiếp. Khương Thái Công đột nhiên đem giết Cuồng Duệ đi. Và tác giả “bình”: “Quả nhiên là qua cái giết đó, những người dửng dưng với nhà Chu thôi không còn dám tỏ ra thanh cao mà ở ẩn nữa”. Hay thậm chí là cổ súy cho việc chia rẽ, “ganh ăn tức ở” kiểu: “Khi bạn thành công, tức là có ít nhất một người sẽ thất bại. Sự thành công của bạn đã làm mất cơ hội và điều kiện để người khác thành công” (Lời mở đầu cuốn “7 bước đệm dẫn đến thành công”)...

Đó là chưa kể, đọc những cuốn sách biên dịch, biên soạn như đã nêu, người đọc “nhức đầu” vì từ ngữ hỗn độn, lai tạp, thậm chí có những từ ngữ được dùng rất phản cảm.

Sách là một sản phẩm văn hóa. Những người làm sách kiểu này sao có thể dạy độc giả “cách làm người”?

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết