21/03/2009 - 08:46

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cần tăng cường công tác hậu kiểm trong việc thực hiện các chính sách

Sáng 20-3, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trợ cấp cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu; giải quyết việc làm và cuộc sống đối với người lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế và sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có công.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Chất vấn về vai trò tham mưu của Bộ LĐ-TB&XH trong việc trợ cấp đối với hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, Bộ trưởng Ngân thừa nhận công tác tham mưu của Bộ trong thời điểm đó rất gần với Tết, có sự gấp gáp nhưng đã giải quyết được nguyện vọng của nhân dân. Tham mưu của Bộ xuất phát từ tình hình thực tiễn, lúc đó kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân khó khăn. Chính phủ đề ra mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế nhưng đi liền với đảm bảo an sinh xã hội. Bộ trưởng khẳng định hầu hết các địa phương thực hiện tốt chính sách này; dư luận nhân dân phấn khởi, đồng tình, đánh giá cao chính sách hỗ trợ; khẳng định đây là chính sách đúng, có ý nghĩa lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với hộ nghèo. Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của những sai phạm là do việc tổ chức thực hiện ở cấp xã chưa tốt, hướng dẫn, quán triệt cấp dưới chưa đến nơi đến chốn, phó mặc cho cán bộ thôn, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến tùy tiện, tắc trách của cán bộ thôn...

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)

Bộ trưởng Kim Ngân cho rằng trong thời gian tới trách nhiệm của Bộ phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong việc thực hiện nghiêm túc chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra để việc báo cáo hộ nghèo, người nghèo của từng địa phương chính xác, trong trường hợp có sự thay đổi phải cập nhật thường xuyên, đầy đủ. Bộ trưởng đề nghị cùng với Bộ LĐ-TB&XH cần phải có sự vào cuộc của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là sự giám sát của từng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để tăng hiệu quả công tác giám sát.

Băn khoăn của một số đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Thị Dung (An Giang)... về trách nhiệm của Bộ trong việc xác định hộ nghèo còn chưa chính xác dẫn đến sai phạm, Bộ trưởng Kim Ngân cho biết để xác định đúng hộ nghèo về phía Bộ LĐ-TB&XH phải hướng dẫn để có sự thống nhất trong cả nước (ví dụ như chuẩn nghèo ở nông thôn, thành thị, đánh giá cách bình xét... ). “Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện chưa thật nghiêm túc, công tâm, khách quan, tùy tiện, tắc trách chứ không phải là Bộ chưa hướng dẫn. Biện pháp xác định đúng hộ nghèo ngoài việc kiểm tra đưa ra hướng dẫn của Bộ, tôi cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh cũng phải đứng ra tổ chức việc này cho đúng”- Bộ trưởng Kim Ngân đề nghị. Về đề nghị của một số đại biểu cho biết cụ thể chế tài xử phạt những cán bộ có sai phạm, Bộ trưởng cho biết cách xử lý áp dụng xử phạt hành chính; nếu vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo luật.

Cùng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết thêm: Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã triển khai, ứng vốn ngay cho các địa phương triển khai thực hiện. Việc triển khai thực hiện, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định là rất nhanh nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng công tác phân loại xác định hộ nghèo chưa chuẩn xác dẫn đến việc triển khai ở dưới còn lúng túng, sai phạm. Hai Bộ Tài chính và LĐTB&XH đã thành lập 12 đoàn đi kiểm tra, con số sai phạm cụ thể hiện nay đang được thống kê.

KHUYẾN KHÍCH LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU CÓ TAY NGHỀ

Giải trình về việc tại sao mới chỉ thống kê được số lao động mất việc trong các doanh nghiệp mà chưa thống kê được số lao động tự do, nhất là trong các làng nghề mất việc, Bộ trưởng Kim Ngân cho biết việc thống kê lao động tại các doanh nghiệp dễ hơn các khu vực khác vì có cơ sở để thống kê (dựa trên bảng lương, bảo hiểm xã hội...). Lao động tự do và lao động làm việc trong các làng nghề thống kê khó khăn hơn vì chưa thể thống kê được trong số các lao động mất việc có bao nhiêu lao động tìm được việc làm mới, bao nhiêu quay trở về nông thôn... Vì vậy Bộ chỉ có thể đề ra chính sách trợ cấp cho lao động trong doanh nghiệp; chính sách giải quyết việc làm cho lao động ngoài doanh nghiệp chủ yếu thông qua gói kích cầu của Chính phủ, chương trình phát triển kinh tế tại các địa phương, quỹ cho vay giải quyết việc làm... Khẳng định khó khăn nhất hiện nay là nắm được sự chuyển dịch lao động tại các khu vực, Bộ trưởng cho biết đây cũng sẽ là điều Bộ phải làm tốt hơn trong thời gian tới.

Lý giải về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm dựa trên tiêu chí nào và Chính phủ có trình Quốc hội xin điều chỉnh chỉ tiêu giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp với tình hình hiện nay không, Bộ trưởng cho biết: Cách tính này trên thế giới dựa vào hệ số co giãn. Hệ số co giãn là cứ tăng 1% GDP thì giải quyết được 0,34 việc làm (nước ta không dựa vào hệ số co giãn mà coi đó là cơ sở). Nước ta tính toán hệ số việc làm dựa trên công tác báo cáo tổng hợp thống kê từ 63 tỉnh thành lên cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế... “Hiện chúng ta đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tính đến việc trình Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động”- Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định hiện nay chúng ta có 400.000 lao động làm việc ở 40 vùng lãnh thổ. Trước hết đi làm việc ở nước ngoài là để kiếm tiền nhưng chúng ta có một số điểm yếu: ngoại ngữ kém, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Việc kiểm tra cho thấy chỉ có một bộ phận nhỏ vi phạm nhưng làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lao động Việt Nam đối với các nước khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề này là: Không khuyến khích lao động xuất khẩu không có tay nghề; Tăng cường giáo dục định hướng người lao động am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của các nước sở tại; Không chạy theo số lượng để ít có vi phạm hơn...

Đối với chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, Bộ trưởng khẳng định trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo việc làm cho thanh niên, trong đó có thanh niên nông thôn. Hiện Bộ đang xây dựng Đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giai đoạn 2009 - 2015 để chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt. Đối tượng chủ yếu của Đề án là thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ nghiên cứu, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để quỹ cho vay việc làm tiếp tục đầu tư cho những mô hình thanh niên ở nông thôn như tổng đội thanh niên xung phong, hợp tác xã do thanh niên làm chủ, chủ trang trại trẻ...

THỰC HIỆN NGHIÊM CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

Xung quanh băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) về việc cả nước hiện nay có 11.447 trường hợp nhiễm chất độc hóa học đang tạm dừng trợ cấp để Bộ kiểm tra, Bộ trưởng cho biết đang rà soát lại, nếu đủ điều kiện áp dụng Pháp lệnh người có công thì tiếp tục được hưởng chế độ này. Những trường hợp không đủ quy định như trong pháp lệnh, Bộ đề xuất với Thủ tướng theo nguyên tắc Bộ Y tế đã ra quyết định số 09 ban hành 17 bệnh hiểm nghèo để xác định nếu bị 1 trong 17 bệnh này thì là nạn nhân dioxin. Bộ trưởng Kim Ngân đề nghị phải rà soát lại tất cả, giao cho hội đồng giám định y khoa của tỉnh giám định nếu đủ điều kiện thì chuyển sang áp dụng chính sách đối với người có công còn những đối tượng không đủ điều kiện, Bộ kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục được hưởng mức trợ cấp hàng tháng 683.000 đồng/ người/tháng và cho hưởng bảo hiểm y tế.

Không thỏa mãn câu trả lời của Bộ trưởng Kim Ngân, đại biểu Sỹ Lợi đề nghị nếu không nằm trong vùng có chất độc hóa học và không bị nhiễm chất độc hóa học thì không được hưởng chế độ. Đại biểu lý giải nếu cho hưởng 683.000 đồng/tháng thì thấp hơn chính sách người có công nhưng lại cao hơn chính sách bảo trợ xã hội vậy thì đối tượng này là đối tượng gì? Đại biểu đề nghị nghiên cứu đối tượng nào thì hưởng chế độ của đối tượng đó, nếu không đề nghị vận dụng mức 2 của quy định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Về chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) có được hưởng cả 2 chế độ người có công và mất sức lao động cùng một lúc không, Bộ trưởng cho biết đã trình Chính phủ theo hướng vừa là thương binh vừa là bệnh binh hay vừa là thương binh vừa mất sức lao động nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn thì đương nhiên được hưởng 2 chế độ. Nếu như không đủ điều kiện thì giải quyết theo hướng nếu là thương binh hưởng trợ cấp thương binh còn nếu mất sức lao động hay là bệnh binh hưởng trợ cấp một lần. Tiếp tục chất vấn của đại biểu Văn Minh về việc thương binh có được tái giám định hay không, Bộ trưởng cho hay theo quy định thương binh đã được giám định thương tật vĩnh viễn thì không phải tái giám định lại; những giám định thương tật tạm thời thì sau 3 năm được giám định lại. Tuy nhiên Bộ trưởng đồng ý với đại biểu Ngô Văn Minh có những trường hợp vết thương tái phát... thì đồng ý cho giám định lại. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ sớm phối hợp với Hội cựu Thanh niên xung phong giải quyết dứt điểm nghĩa trang của thanh niên xung phong ở tỉnh Điện Biên.

QUỲNH HOA- PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết