06/04/2009 - 07:48

Bố trí cơ cấu giống hợp lý để bảo đảm sản xuất và tiêu thụ

* Đầu tư hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

* Công nhận giải pháp gieo sạ lúa đồng loạt, né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là tiến bộ khoa học-kỹ thuật

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu giống lúa hợp lý để bảo đảm sản xuất vụ lúa hè thu năm 2009 thắng lợi cũng như tiêu thụ được thuận lợi.

Theo đó, diện tích trồng giống lúa IR50404 chỉ chiếm từ 15-20%, không được vượt 20%. Các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao cũng chỉ được gieo sạ tỷ lệ từ 15-20% diện tích. Hiện nay, diện tích các giống lúa thơm chất lượng cao như Jasmine 85, VD 20, OM 3536, OM 4900 tăng đáng kể trong vụ đông xuân 2008-2009 so với vụ đông xuân trước và hè thu 2008. Đây là những giống lúa mẩn cảm với dịch hại, nhất là rầy nâu. Do vậy, các địa phương đã khoanh vùng sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra bùng phát dịch hại như trước đây.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống lúa đạt chuẩn đang tăng lên trong vùng, các tỉnh ĐBSCL đang tăng cường sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận trên cả 2 hệ thống chính qui và nông hộ; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên, trang bị thêm thiết bị kiểm nghiệm cho các trung tâm giống cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý giống trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cả trong giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu thông; hỗ trợ giống gốc (siêu nguyên chủng, nguyên chủng), cho vay ưu đãi, tập huấn chu đáo để những hộ nhân giống nắm vững kỹ thuật sản xuất giống lúa xác nhận đạt chuẩn.

* Theo ông Severin Kodderritzsch, Điều phối viên Chương trình phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, WB sẽ giải ngân khoảng 4.000 tỉ đồng phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL để thực hiện các chương trình bảo đảm an ninh lương thực, gia nhập WTO, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trước hết là ứng phó với nước biển dâng cao tại đây trong vài chục năm tới.

Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ NN&PTNT) cho biết: đây là số tiền của WB dành ưu tiên đặc biệt cho vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước để xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững của vùng.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đề xuất nên đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết nhất hiện nay gồm: Quy hoạch chung cho phát triển nông nghiệp ĐBSCL; nghiên cứu, dự báo, đề ra giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công; phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng đê biển. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư sản xuất giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa, thủy sản; nâng cao năng lực bảo quản sau thu hoạch; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Việc tổ chức sản xuất sẽ theo hướng mở rộng quy mô, chất lượng; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; cải tiến hệ thống phân phối hàng hóa.

Hiện Bộ NN&PTNT và WB tại Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, lựa chọn các thứ tự ưu tiên đầu tư và lập dự án trình Chính phủ phê duyệt.

* Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Quang Minh (Bộ NN&PTNT) vừa ký quyết định số 305, công nhận giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn (VL), lùn xoắn lá (LXL) ở ĐBSCL là tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đây là công trình khoa học tập thể với các tác giả: Phạm Văn Dư (Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt), Phạm Văn Quỳnh (Giám đốc Sở Nông nghiệp - NN Cần Thơ), Lê Hữu Hải (Phòng NN huyện Cai Lậy, Tiền Giang), Nguyễn Văn Phương (Sở NN An Giang), Nguyễn Văn Dương (Sở NN Đồng Tháp), Trần Quang Củi (Sở NN Kiên Giang), Nguyễn Văn Khang (Sở NN Tiền Giang), Hồ Văn Chiến (Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam), Nguyễn Hữu Huân (Phó Cục trưởng Cục BVTV).

VL và LXL là bệnh rất nguy hiểm đã gây thành dịch và thất thu lớn ở một số nước trong khu vực, hiện nay vẫn chưa có giống lúa kháng bệnh. Bệnh xuất hiện ở ĐBSCL từ năm 1989 và đã lan rộng gây thiệt hại nặng trên hầu hết các vùng trồng lúa của ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Riêng năm 2006, bệnh gây hại nặng cho lúa hè thu, thu đông và lúa mùa dẫn đến thất thu 1 triệu tấn lúa tại ĐBSCL. Trong vụ hè thu sớm (2006), từ 458ha ban đầu, bệnh đã lan rộng trên hầu hết các tỉnh ĐBSCL với mật độ số rầy nâu rất cao. Tất cả các giống lúa ngắn ngày đang sản xuất trên địa bàn đều bị nhiễm với các mức độ khác nhau. Ngày 19-10-2006. Bộ NN& PTNT đã chính thức công bố dịch bệnh VL, LXL tại vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ.

THẾ ĐẠT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết