11/02/2010 - 22:28

Bệnh nhân nghèo đón Tết ở bệnh viện

Trong khi mọi nhà, mọi người đang nao nức mua sắm, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn ngon... để sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết thì trong các bệnh viện (BV) nhiều bệnh nhân vẫn đang phải vật lộn với bệnh tật. Với những bệnh nhân này, họ chỉ mong đêm giao thừa được thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, quây quần cùng gia đình, người thân ăn miếng bánh tét... Thế nhưng - với họ mơ ước ấy quá xa vời...

*Ăn Tết cùng y, bác sĩ

Những ngày cuối năm, trong khi ngoài đường đang nhộn nhịp không khí đón Tết thì tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (BVĐKTPCT) các cán bộ-nhân viên trong khoa đang từng giờ từng phút giành lại sự sống cho bệnh nhân. Trong khoa có gần 20 bệnh nhân thì có đến 8 bệnh nhân đang thở máy. Trong phòng bệnh, những bệnh nhân này mắt nhắm nghiền, nằm bất động, hầu như không còn biết gì, còn người thân, có người thì đứng cạnh bên giường để động viên, chăm sóc, có người thì chạy lo kiếm tiền điều trị. Chị Lê Ánh Nguyệt, con của bệnh nhân Lê Văn Chích (87 tuổi, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) buồn rầu cho biết: “Ba tôi nhập viện tại BVĐKTPCT từ ngày 13-1 và thở máy cho đến nay. Mấy anh chị em và con cháu thay nhau mỗi người nuôi vài ngày. Tội nhất là anh Trung (anh ruột chị Nguyệt) túc trực từ ngày ba tôi nhập viện đến nay. Thấy sức khỏe ba suy kiệt, tụi tui không còn thiết gì Tết nhứt nữa. Tội nhất là má tôi, má cứ khóc hoài. Anh chị em tôi bảo ban nhau tìm mọi cách lo cho ba điều trị thật tốt, còn nước thì còn tát...”

Ông Bùi Thiện Dũng đang múc canh cho thân nhân bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: Đ.LÝ 

Nằm cùng phòng với ba chị Nguyệt là bệnh nhân Hồ Thị Bảy, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Bà Bảy bị suy thận mãn đã hơn hai năm. Hai vợ chồng bà có 7 người con nhưng đều đi làm mướn. Ông bà có 2 công ruộng dưỡng già cũng đành bán đi trong những đợt chạy thận của bà Bảy. Bà Bảy nằm điều trị ở BVĐKTPCT đã 1 tháng rưỡi. Con cái đều đi làm thuê nên ban ngày không có ai ngoài ông chăm sóc bà. Khi tối đến con cái mới lên thay để ông nghỉ ngơi. Nhìn người đàn ông tóc bạc trắng, gương mặt khắc khổ, gầy gò đang tỉ mẫn chăm chút cho vợ không ai không động lòng. Khi chúng tôi hỏi hoàn cảnh gia đình, ông Nguyễn Văn Tuẩn, chồng bà Bảy nhẹ xoay người lau vội hàng nước mắt nói: “Tui với bả giờ đây trắng tay, nợ nần tứ tung nhưng bả bệnh thì tôi phải ráng lo chứ biết làm sao bây giờ ?”. Khi nói đến Tết, người đàn ông này chỉ buồn bã ngồi lặng đi.

Đau buồn nhất là mẹ bệnh nhân Y.O. (25 tuổi, ở quận Bình Thủy). Chỉ vì giận cha không cho dùng điện thoại di động, Y.O. đã dùng thuốc trừ sâu tự tử. Mẹ Y.O.- tóc đã bạc trắng, lưng còng phải thức suốt ngày đêm chăm con. Đứng suốt nên chân của bà bị phù, bà cho biết: “Chỉ trong một đêm mà tui lau nước dãi (trào ra từ miệng Y.O.) hết một cây giấy súc và 2 xấp giấy vuông”. Trong khi đó, các anh chị của Y.O. chạy tìm tất cả người quen để vay mượn tiền điều trị bệnh cho em. Số tiền điều trị đã lên đến vài chục triệu đồng. Vừa kể chuyện, mẹ Y.O. vừa khóc: “Nó ngu dại quá. Bây giờ không biết có sống được qua Tết này không?”.

Ở ĐBSCL, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) là nơi tập trung bệnh nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo nhiều nhất. Ngày thường các dãy ghế dọc hành lang của khu phòng khám ngoại trú luôn chật kín bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh giờ thì nay vắng hoe, thay vào đó những chậu vạn thọ vàng tươi đặt dài theo lối đi. Ở khu điều trị nội trú, không khí Tết được thể hiện qua lời chào nhau để về nhà ăn Tết của người bệnh và thân nhân. Nhiều gia đình khi thu gom đồ đạc về nhà ăn Tết không quên tặng lại những vật dụng cần thiết như ca uống nước, đường, sữa cho những bệnh nhân phải ở lại. Ở phòng bệnh số 442 Khoa Ngoại tổng quát, bệnh nhân Ng. Th. V., 70 tuổi ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang gắng cười nói với bà Phan Thị Thêu (vợ của ông V.): “Mổ xong tui hết đau bụng rồi, trong người khỏe re à, bà đi cảm ơn bác sĩ đi để mình còn kịp đón xe về cúng ông bà”, nghe xong, bà Thêu đi vội ra hành lang BV đứng khóc. Bà Thêu gạt nước mặt nói: “Ổng đau bụng và bị ói ra máu quá trời. Từ Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang chuyển lên đây điều trị, tôi đã vay mượn 2 triệu đồng. Mấy ngày nay chi phí thuốc men, phẫu thuật đều được BV cho ghi nợ, bác sĩ nói ổng bị ung thư bao tử, khuyên gia đình cố giữ bình tĩnh đừng cho ổng biết để ổng được ăn Tết vui vẻ. Cô y tá của BV còn hướng dẫn tôi xin cơm từ thiện và cho ổng sữa uống, nhưng ổng cứ đòi về nhà hoài tui biết ăn nói với ông sao đây?!”. Khi đến nghe tim mạch cho ông V., nghe câu chuyện, bác sĩ Mai Văn Đợi, phụ trách phẫu thuật cho ông V. động viên: “Bác ráng ở lại thêm hai ngày nữa, nếu về nhà lúc này sợ ảnh hưởng đến vết mổ”. Ông V. lần ngón tay đếm ngày rồi cười tươi rói nói: “Vậy là mùng Hai tui xuất viện được hả bác sĩ, chắc cháu nội trông tui về lì xì cho nó lắm đây”.

*Xoa dịu nỗi đau

Những ngày này, các y, bác sĩ của các BV vừa dồn sức cho công tác điều trị vừa phải làm nhiều phần việc để bệnh nhân có được cái Tết ấm áp. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯCT, cho biết: “Theo nguyện vọng của thân nhân người bệnh, những ca bệnh được điều trị ổn định đều được cho xuất viện hoặc chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị để bà con được ăn Tết gần gia đình, thuận tiện trong việc đi lại chăm sóc. Chiều 30 Tết, phòng hành chính của BV sẽ gút danh sách bệnh nhân đón giao thừa trong BV, để sáng mùng Một, Ban giám đốc BV sẽ đến từng giường bệnh thăm hỏi chúc Tết bà con. Mỗi bệnh nhân sẽ được tặng một phần quà là đường sữa, đây là phần tiền trích từ nguồn thu của BV, “của ít lòng nhiều” mong bà con được ấm lòng, an tâm dưỡng bệnh”.

Ở Phòng Hành chính của Khoa Ngoại tổng quát, BVĐKTƯCT, chị Nguyễn Thị Kim Nhân, y tá trưởng của khoa đưa cho tôi danh sách 30 bệnh nhân, trong đó có ông V. được hưởng xuất quà đầu xuân của BV. Chị Nguyễn Thị Kim Nhân cho biết: Đã có 3 nhà hảo tâm gọi điện thoại báo nếu trong những ngày Tết nếu có trường hợp bệnh nhân nào cần phẫu thuật cấp cứu nhưng thiếu tiền mua máu, mua thuốc thì cứ liên hệ với họ qua điện thoại để họ kịp thời giúp đỡ”.

Tại BVĐKTPCT, bác sĩ Võ Hồng Sở, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết: “Những ngày gần Tết, Ban giám đốc BV cũng chỉ đạo các khoa, phòng cố gắng điều trị tích cực để bệnh nhân có thể về nhà ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận bệnh nhân bệnh nặng nằm ở các khoa: Hồi sức tích cực-chống độc, Ngoại tổng hợp, Nội tổng hợp, Tim mạch, Thận nhân tạo... không thể về quê ăn Tết cùng gia đình. Để góp phần xoa dịu nỗi đau cho người bệnh, trong đêm 30 Tết, lãnh đạo BV sẽ đến thăm hỏi, tặng quà Tết cho bệnh nhân còn nằm điều trị tại BV, với phần quà là đường và sữa”.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (BVNĐTPCT), đến ngày 9-2 vẫn còn 232 bệnh nhi đang điều trị nội trú, lượng bệnh nhi khám ngoại trú cũng rất đông (trên 1.400 bệnh). Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV, cho biết: “Ban giám đốc đã chỉ đạo các khoa, tập trung hai ngày 28 và 29 Tết rà soát hết tất cả bệnh nhi, bệnh nào ổn cho xuất viện về nhà ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, lượng bệnh vẫn còn khá đông, dự tính lượng bệnh nhi ở lại ăn Tết trong BV khoảng từ 150-200 bệnh nhi, tập trung ở các khoa (Nhiễm, Nội tổng hợp, Sơ sinh và Hồi sức cấp cứu... ). Trong những ngày cận Tết, các cơ quan, ban ngành đã đến thăm và tặng 100 suất quà cho trẻ bị nhiễm HIV, bệnh nhi nghèo”.

Trong những ngày cận Tết, tuy lượng bệnh đã giảm nhưng tại tổ cơm cháo nước sôi của BVNĐTPCT, không khí vẫn tấp nập. Khi chúng tôi đến mới 9 giờ sáng, hai người đàn ông luôn tay múc cơm và canh phát cho thân nhân bệnh nhi. Mỗi ngày, buổi sáng, tổ cấp cháo trắng ăn với muối tiêu hoặc đường, bữa trưa, chiều thì cấp cơm và canh. Riêng nước sôi, cấp suốt 24/24. Mỗi ngày, nơi đây cấp phát hơn 100 suất cháo, cơm và vài trăm suất nước sôi miễn phí. Bác Lê Văn Chiêu, người túc trực múc cơm cho biết: “Tổ cơm cháo nước sôi có 6 tổ, mỗi tổ đi phục vụ 1 tuần. Tổ chia làm 3 nhóm, cấp phát tại BVNĐTPCT, BVĐKTPCTvà BVĐKTƯCT. Nếu trong những ngày Tết, chúng tôi ngưng phục vụ thì thân nhân bệnh nhân nghèo nuôi bệnh tốn tiền mua cơm, cháo. Vì thế, trong những ngày Tết, chúng tôi vẫn tiếp tục phục vụ”. Bác Chiêu nhà ở phường Long Hưng, quận Ô Môn đã hoạt động tại tổ cơm cháo nước sôi 20 năm nay. Cùng tổ với bác Chiêu, bác Bùi Thiện Dũng (70 tuổi) cũng xa gia đình những ngày Tết để phục vụ bệnh nhân nghèo. Bác Bùi Thiện Dũng bùi ngùi: “Những ngày Tết, trong khi mọi người quây quần cùng gia đình thưởng thức những món ăn ngon thì trong BV nhiều bệnh nhân vật vã, đau đớn vì bệnh tật. Cơm, cháo từ thiện ngày Tết cũng chỉ cháo trắng, cơm và canh như ngày thường nhưng việc góp phần giảm bớt khó khăn, mang đến niềm vui cho bệnh nhân và thân nhân của họ là chúng tôi sẵn sàng xa gia đình để phục vụ không đắn đo”.

Trong những ngày Tết để góp phần xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân, các BV và nhiều cơ quan, ban ngành cũng như các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng những phần quà để bệnh nhân nghèo ấm lòng, an tâm tiếp tục điều trị. Với nhiều tấm lòng rộng mở, nhân ái ấy cùng với những chính sách hỗ trợ thích đáng, các bệnh nhân nghèo sẽ hưởng cái Tết ấm áp hơn.

Đ.LÝ-M.NGUYỆT

Chia sẻ bài viết