25/11/2023 - 15:29

Bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng gia tăng 

Từ đầu năm 2023 đến 12-11, khu vực phía Nam Nam ghi nhận 74 ca đậu mùa khỉ (ĐMK), 1 ca tử vong. Gần đây, bệnh ĐMK có xu hướng gia tăng, chỉ trong 1 tuần của tháng 11 (từ ngày 6 đến 12-11), ghi nhận 12 ca ĐMK. Ngày 15-11, TP Cần Thơ cũng ghi nhận ca ĐMK thứ 2 trên địa bàn.

BS CKI Lê Bá Đông chia sẻ thông tin về chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các thầy thuốc. Ảnh: H.HOA

BS CKI Lê Bá Đông chia sẻ thông tin về chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các thầy thuốc. Ảnh: H.HOA

* Nguy cơ cao ở nhóm MSM

Theo ThS Huỳnh Nguyễn Phương Quang, Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Cần Thơ, thống kê cho thấy ở 74 trường hợp ĐMK thì chiếm 97,3% (72/74) trường hợp là nam giới, độ tuổi trung bình là 31 (từ 18 đến 49 tuổi). Trong số các trường hợp có dữ liệu về xu hướng tình dục, có 83,1% (59/71) trường hợp được xác định là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong số các trường hợp đã biết về tình trạng nhiễm HIV, có 80,3% (49/61) trường hợp dương tính với HIV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, ngành y tế tiếp tục tăng cường truyền thông và giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đặc biệt chú trọng lưu ý giám sát ở các phòng khám da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa/nam khoa, lưu ý đến các nhóm nguy cơ nhiễm cao như nam/nữ có nhiều bạn tình, người có bệnh lây truyền qua đường tình dục/HIV, MSM. Duy trì hoạt động của đường dây nóng và cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận để người dân dễ dàng tiếp cận, khai báo.

CDC Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, sân bay, bến tàu, bến xe và trong cộng đồng. Đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

Với bệnh ĐMK, Bộ Y tế đã ban hành 3 quyết định làm “kim chỉ nam” cho các cơ sở y tế: Quyết định 2306/QĐ-BYT hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh ĐMK trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định 2265/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh ĐMK; Quyết định 2099/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ĐMK ở người.

* Dễ chẩn đoán nhầm, bỏ sót bệnh

Theo BS CKI Lê Bá Đông, Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, bệnh cảnh lâm sàng nghi ngờ ca ĐMK gồm: Phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác; triệu chứng nhiễm virus (sốt, mệt mỏi, nổi hạch...). Và một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với ca xác định hoặc ca nghi ngờ ĐMK; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Khi có ca bệnh nghi ngờ, xét nghiệm PCR hoặc giải trình tự gen. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân mắc bệnh ĐMK.

Với bệnh ĐMK, thể nhẹ và thể không triệu chứng (không có khả năng lây nhiễm) chiếm khoảng 97%. Trong đó thể không triệu chứng chiếm 10%. Ở thể nhẹ, qua 4 giai đoạn bệnh, thường có thể tự khỏi sau 2 - 4 tuần. Thể nặng chiếm rất ít. Đối tượng nguy cơ thể nặng: Người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi...

Theo các bác sĩ chuyên khoa, những đặc điểm điển hình của bệnh: bệnh thường diễn tiến chậm. Vị trí khởi phát thường ở vùng mặt và vùng sinh dục. Tuy nhiên, không phải trường hợp bệnh nào cũng xuất hiện các biểu hiện lâm sàng điển hình. Bác sĩ cần khám kỹ, hỏi kỹ, kết hợp lâm sàng và các yếu tố dịch tễ (nam, có nhiều bạn tình, MSM, từ 18 đến 39 tuổi, đồng nhiễm HIV...). Chẩn đoán xác định ca bệnh dựa trên 3 yếu tố kết hợp gồm: lâm sàng, dịch tễ và xét nghiệm.

BS Lê Bá Đông cũng lưu ý, bệnh ĐMK phát ban phân bố xu hướng ly tâm, nổi chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục... sang thương có kích thước thường to 0.5 - 1cm, đục, mủ. Số lượng sang thương tùy theo hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh. Ở bệnh nhân ĐMK nhiễm HIV, nếu còn trẻ, tải lượng virus còn thấp thì nổi ít. Nếu hệ miễn dịch kém, số lượng phát ban nhiều, có thể phát ban đầy người.

Bệnh ĐMK lưu ý phân biệt chủ yếu với 2 bệnh: thủy đậu và tay chân miệng. Trong khi bệnh ĐMK, sang thương phân bố ly tâm, tiến triển chậm, kích thước to. Thủy đậu: sang thương phân bố hướng tâm, tiến triển nhanh, ngứa, kích thước sang thương nhỏ. Tay chân miệng: phát ban thường ở tay, chân, miệng, thường gặp dưới 5 tuổi, tiến triển nhanh.  

Theo BS Lê Bá Đông, điều trị bệnh ĐMK cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Ca bệnh nhẹ chiếm đa số, bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng...), đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải, hỗ trợ tâm lý. Theo dõi, phát hiện, xử trí kịp thời biến chứng, trường hợp nặng. ĐMK thường để lại sẹo. Cần chú ý sẹo giác mạc, nguy cơ gây giảm thị lực, mù. Với bệnh nhân có nhiều tổn thương trên da, bác sĩ cần tư vấn, theo dõi kỹ. Người bệnh có miễn dịch kém, dễ bị bội nhiễm các tác nhân bên ngoài thông qua con đường da, làm cho bệnh cảnh nặng hơn.

Với 2 ca ĐMK ở TP Cần Thơ, bệnh nhân thể nhẹ, bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng. Hiện 1 ca đã khỏi bệnh, xuất viện. Ca còn lại đang được bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ theo dõi, điều trị.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết