17/10/2009 - 20:45

Ghi chép

Bên mộ "thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ

Có con sông cũng từ hướng Bắc
Vượt núi rừng ghềnh thác
Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao...

(Sông Đồng Nai)

Đó là những câu thơ của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ viết về con sông quê mình. Những câu thơ hào sảng, toát lên khí phách lại vang lên trong tâm tưởng khi tôi đi trên mảnh đất của làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên tỉnh Biên Hòa (Nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) - mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tác giả bài “Sông Đồng Nai” –cũng là một cán bộ quân đội vang danh cả nước - đồng chí Tám Nghệ, thường được gọi là “tướng quân” Huỳnh Văn Nghệ.

Mộ “Tướng quân” Huỳnh Văn Nghệ.  

Cách thành phố Biên Hòa độ 13 cây số theo đường quốc lộ qua xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu có một bến phà nhỏ mà người dân trong vùng vẫn quen gọi bằng cái tên dân gian quen thuộc: Bến đò bà Miêu. Qua sông một đỗi là địa phận của xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, nay thuộc tỉnh Bình Dương. Anh bạn dẫn đường là dân cố cựu của nơi này cho biết tới đây trung tâm của chiến khu Đ ngày trước. “Đây là vùng chiến khu Tân Uyên-Lạc An thời chống Pháp, sau là chiến khu Đ vùng oanh kích tự do. Nhà tôi trước ở đây cũng phải di tản vào Biên Hòa, sau ngày giải phóng mới về quê lại đó”. Theo anh thì tuy địa phận hành chánh, địa lý có thay đổi nhiều lần nhưng huyện Tân Uyên - là một trong những căn cứ kháng chiến vững mạnh nhất của Nam Bộ thời chống Pháp, rồi trung tâm của chiến khu Đ thuộc khu 7 nối liền với Trung ương cục miền Nam vẫn giữ nguyên tên cũ. Người dân Tân Uyên luôn giữ trong lòng hình ảnh vị trung đoàn trưởng trung đoàn 310 hiển hách, phó tư lệnh khu 7, tỉnh đội trưởng vùng Thủ Biên (Thủ Dầu Một- Biên Hòa) Huỳnh Văn Nghệ.

Anh bạn quê Biên Hòa cũng là người họ Huỳnh, tuy không bà con gì với vị “Thi tướng rừng xanh” nhưng là người cùng quê. Sau ngày đất nước thống nhất có thời gian là láng giềng của ông tại TPHCM nên hiểu khá rõ về “Anh Tám Nghệ”. Anh dẫn chúng tôi đến thăm mộ Huỳnh Văn Nghệ, chỉ cách bến phà chúng tôi vừa lên vài cây số.

Ngay từ cổng vào, hàng chữ “Nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ” in vào mắt chúng tôi. Cổng lợp mái đỏ viền trắng cong vút, trên có họa tiết lưỡng long tranh châu tương tự cấu trúc của mái đình. Hai cánh cửa sắt sơn đen lúc nào cũng mở rộng. Hai bên cổng chính trên hai cột xi măng là câu đối “Tân Uyên trà nhất lập/ Huỳnh tộc vọng trường lưu”. Con đường vào ngắn, thẳng tắp, dưới bóng cây trồng bên đường. Bên trong mộ Huỳnh Văn Nghệ hình một phiến đá vươn lên cao, vừa thanh thoát, vừa uy nghi với 9 lớp đá rửa màu hồng nhạt chồng lên nhau, giữa là khuôn hình “Nhà thơ chiến sĩ” cùng hai câu thơ được khắc rõ nét:

Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát
Và giờ đây tôi qua bến lên đường

Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ còn được gọi là “Thi tướng rừng xanh” trong một bộ phim về ông. Ông “Qua bến lên đường” vào năm 1977, thọ 63 tuổi với rất nhiều điều gửi lại cho hậu thế. Đó là một thời hào hùng quyết liệt trên vùng đất miền Đông Nam Bộ, là câu chuyện như huyền thoại về ông một mình đến căn cứ Bình Xuyên, dùng ba tấc lưỡi thuyết phục Bảy Viễn, thủ lĩnh Bình Xuyên (1948), là những ngày gian khổ chống lụt ở Thủ Biên bảo vệ tính mạng nhân dân và đồng đội, là 52 ngày đêm quyết tử để tiêu diệt gần một tiểu đoàn địch(1952) sau đó là nhiệm vụ nặng nề của một tổng cục trưởng cục lâm nghiệp miền Nam sau 1975...

Cạnh mộ Huỳnh Văn Nghệ, anh bạn chỉ cho tôi căn nhà sàn dài, đẹp xây bằng gỗ đỏ thẳm phía sau với hai cầu thang lên xuống, bên dưới là hoa cỏ xanh um. Được biết đó là nơi mỗi năm thân bằng quyến thuộc tụ về trong ngày giỗ nhà thơ chiến sĩ. Khu đất rộng chung quanh hiện nay do một người cháu ruột của ông giữ gìn, coi sóc. Mộ của vợ vị “thi tướng” cũng nằm ở đây.

Rời Xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (Bình Dương) chúng tôi xuống phà trở về bên kia sông Đồng Nai thuộc xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Biên Hòa. Nhìn xuống dòng sông cuồn cuộn, đục ngầu phù sa của mùa này tôi lại nghĩ về một loại phù sa khác - những con người đã đắp bồi cho quê hương mình để lớp lớp cháu con được thụ hưởng quả ngọt đất lành.

Một lần nữa, những câu thơ hào sảng, trữ tình đọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ - của chàng thanh niên 26 tuổi trên sân ga Sài Gòn ngày nào lại vang lên:

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

( Nhớ Bắc- 1940)

Bài, ảnh: CHI LAN

Chia sẻ bài viết