07/02/2023 - 16:30

Bảo vệ sức khỏe nhờ chế độ ăn kháng insulin 

AN NHIÊN (Theo UPI)

Những người mắc các bệnh lý như tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ hoặc hội chứng buồng trứng đa nang có thể được tư vấn áp dụng chế độ ăn kháng insulin. Trên thực tế, chế độ ăn này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho những đối tượng khác, từ phòng và điều trị nhiều bệnh mãn tính, cho đến tăng cường năng lượng hoạt động và khả năng kiểm soát cảm xúc.

Nhóm thực phẩm cần bổ sung trong chế độ ăn kháng insulin.

Chế độ ăn kháng insulin là gì?

"Chế độ ăn kháng insulin là một kế hoạch ăn uống hỗ trợ cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể" - chuyên gia dinh dưỡng Rahaf Al Bochi, chủ sở hữu Olive Tree Nutrition kiêm phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, giải thích. Bà Bochi cho biết ở người có sức khỏe bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất hoóc-môn insulin để giúp đường (glucose) trong máu đi vào tế bào. Nhưng khi các tế bào không phản ứng với insulin nữa, chúng sẽ bị “kháng insulin” và làm lượng đường trong máu tăng lên.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), kháng insulin nghĩa là cơ thể cần lượng insulin nhiều hơn để các tế bào cơ, mỡ và gan có thể hấp thụ glucose. Viện Cleveland cho biết tình trạng kháng insulin có thể diễn ra tạm thời hoặc mãn tính, nguyên nhân có thể là do gien di truyền, tuổi tác, viêm nhiễm, căng thẳng sinh lý, dùng một số loại thuốc và các yếu tố về lối sống như ít vận động thể chất hoặc thừa cân.

Tuy vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết người không thừa cân cũng có nguy cơ khởi phát tình trạng kháng insulin. Hiện chưa có một xét nghiệm đơn lẻ nào giúp xác định tình trạng kháng insulin, nhưng các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán đó nếu bệnh nhân có đường huyết cao, mức chất béo trung tính hoặc cholesterol "xấu" LDL trong máu cao và cholesterol "tốt" HDL thấp.

Lợi ích sức khỏe của chế độ ăn kháng insulin

Những nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn kháng insulin
Nhóm rau quả không chứa tinh bột gồm bông cải xanh, bắp cải tí hon, cà rốt, đậu Hà Lan, cà chua và ớt. Thực phẩm chứa đạm bao gồm thịt nạc, cá, một ít phô-mai, thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, hạt. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn bao gồm trái bơ, dầu canola, dầu ôliu, đậu phộng và dầu đậu phộng và một số loại hạt. Còn các nguồn cung chất béo không bão hòa đa có thể bao gồm dầu cá, trái óc chó, hạt lanh, hạt chia, đậu hũ, trứng và hạt hướng dương. Carb có thể đến từ bánh mì, mì ống, sữa hoặc trái cây.

Chuyên gia Bochi cho biết mục tiêu của chế độ ăn kháng insulin là nhằm kết hợp thực phẩm chứa tinh bột - đường (carb) với đạm và chất béo. Và so với việc chỉ ăn carb, cách ăn kết hợp đạm, chất béo và carb thường giúp mức đường huyết tăng chậm hơn. Một phần ăn theo chế độ ăn kháng insulin cần có 50% rau quả không chứa tinh bột, 25% carb và 25% là đạm và chất béo. Ví dụ, một bữa sáng điển hình theo chế độ ăn này là ăn bánh mì, trứng và trái bơ. Ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu hiệu quả.

Theo Viện Cleveland, tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) từ thấp đến trung bình cũng giúp kiểm soát tình trạng kháng insulin hiệu quả. Thực phẩm có GI thấp bao gồm các loại đậu và hạt, táo, quả mọng, măng tây, bông cải trắng, rau lá xanh đậm, các loại rau không chứa tinh bột khác, sữa, cá và thịt. Thực phẩm có GI cao bao gồm bánh mì trắng, khoai tây, ngũ cốc ăn sáng, bánh ngọt, bánh quy, dưa hấu, chà là...

Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta còn có thể cải thiện tình trạng kháng insulin bằng cách năng hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải, giữ cân nặng cân đối. Những biện pháp điều chỉnh lối sống này có thể giúp giảm dần tình trạng kháng insulin, hạ đường huyết, giảm huyết áp và lượng cholesterol “xấu” LDL, đồng thời tăng cholesterol “tốt” HDL.

Chia sẻ bài viết