Bài, ảnh: ÁI LAM
Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016 và Cần Thơ có Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng. Qua 5 năm thực hiện đã ghi nhận nhiều kết quả.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng (Ðề án) được UBND TP phê duyệt vào năm 2016 với 13 hạng mục chính. Qua 5 năm thực hiện, đề án chỉ còn 2 hạng mục cầu tàu và trạm dừng chân là chưa hoàn thành vì vướng chính sách và kinh phí.
Một trong những việc đề án đã hoàn thành và làm tốt là an sinh xã hội. UBND quận Cái Răng đã tạo điều kiện để 170 hộ tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, nông sản cho chợ nổi Cái Răng. Từ đó, có thêm 6 quầy hàng trái cây, ẩm thực nổi trên sông; 3 hộ đầu tư du thuyền bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương. Mỗi năm, UBND quận Cái Răng đều phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, các doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân chợ nổi với hơn 2.000 phần quà, trị giá trên 700 triệu đồng. Các hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự được quan tâm: tổ chức thu gom rác, xây nhà vệ sinh công cộng, cải tạo hệ thống điện, bố trí phao phân luồng đảm bảo an toàn giao thông...
Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng tăng bình quân từ 12-15% mỗi năm. Hiện chợ nổi có từ 250-300 ghe, tàu mua bán. Bình quân cao điểm mỗi ngày có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch. Qua khảo sát có hơn 70% khách du lịch Cần Thơ lựa chọn điểm đến chợ nổi Cái Răng.
Tuy nhiên, chợ nổi vẫn tồn tại những vấn đề: chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đảm bảo; vẫn còn tiểu thương cạnh tranh không lành mạnh; rác vẫn còn; sản phẩm và trải nghiệm trên chợ nổi còn đơn điệu; vấn đề xây bờ kè đang gây ảnh hưởng lớn. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch HÐND quận Cái Răng, bày tỏ: “Khi xây dựng đề án thì chưa có kè sông. Nay có kè sông khiến một số vựa nông sản di chuyển sang nơi khác vì không có chỗ lên xuống neo đậu. Ghe thương lái cũng sẽ di chuyển theo. Do đó, cần có những giải pháp trao đổi hàng hóa kết nối giữa thương hồ trên sông và trên bờ”. Bên cạnh đó, chức năng quản lý nhà nước trên chợ nổi thuộc nhiều ngành, nhiều cấp, nên còn chồng chéo; sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ ảnh hưởng lớn đến lượng ghe tàu trên chợ nổi; công tác bảo vệ môi trường còn bất cập…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho rằng: “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng cần hài hòa ba yếu tố: văn hóa, môi trường và kinh tế. Mục tiêu kép chúng tôi đề ra là vừa gìn giữ Văn hóa chợ nổi Cái Răng vừa phát triển kinh tế dựa trên phát triển du lịch. Do đó, chúng tôi luôn tham khảo ý kiến của các ngành chức năng, các chuyên gia và lắng nghe nguyện vọng của các thương hồ”.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, kiến nghị: “Cần hỗ trợ đa dạng hóa việc gia tăng thu nhập cho thương hồ, như khai thác thêm các điểm thu mua, sơ chế nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP… UBND quận Cái Răng cũng nên tìm giải pháp để chợ nổi Cái Răng được công nhận là làng nghề truyền thống để có những chính sách hỗ trợ về kinh tế cho những hộ dân gắn bó lâu dài với chợ nổi”. Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, đề xuất: “Ðịa phương nên cân nhắc thành lập hợp tác xã hay một nhóm đầu mối liên kết nông sản địa phương, để việc thu mua, xuất khẩu hay đưa đến các siêu thị, cửa hàng lớn dễ dàng hơn. Cần xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo về chất lượng nông sản, hướng tới việc đưa sản phẩm kết nối thương mại điện tử”.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng, chia sẻ: “Bảo tồn văn hóa chợ nổi là vấn đề cốt lõi hiện nay, tôi kiến nghị xây bờ kè đặc trưng làm sao đảm bảo giao thương giữa chợ trên bờ và chợ trên sông thuận lợi”. Ðồng quan điểm, ông Vương Công Khanh cho rằng: “Tôi cho rằng phải giữ chân thương hồ, nên phải giữ hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, đồng thời mở rộng chợ nổi theo định hướng phát triển du lịch. Do đó, tôi đề xuất địa phương nên sớm điều chỉnh đề án, bỏ các công trình không phù hợp và có các giải pháp cụ thể hơn về các vấn đề thu mua số lượng lớn nông sản, điểm dừng chân để các tiểu thương trao đổi hàng hóa, gia tăng sự tham gia của các ngành các cấp trong quản lý chợ nổi, gìn giữ môi trường”. Ở góc độ lữ hành, ông Phan Ðình Huê, Giám đốc Công ty Vòng tròn Việt, nói: “Chúng ta phải bảo vệ được “hồn cốt” của chợ nổi là văn hóa chợ nổi. Muốn chợ nổi phát triển du lịch thì phải có sản phẩm để tiếp thị và bán. Vì thế, địa phương phải xây dựng sản phẩm độc đáo, chất lượng; bắt đầu từ xây dựng đề án về chiến lược sản phẩm ở chợ nổi”.
Ông Nguyễn Quốc Cường thông tin, Cái Răng đang xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng trong giai đoạn mới; đồng thời điều chỉnh, bổ sung những thay đổi trong đề án để trình UBND thành phố ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện đề án với các hạng mục còn lại; kiến nghị sự vào cuộc chung tay của các sở ngành hữu quan để có thể gỡ khó, phát huy hiệu quả của công tác bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.