08/07/2021 - 08:48

Bảo tồn, phát triển bền vững kinh tế biển

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Nghị quyết được tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và từng bước thể chế hóa. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; đã từng bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương. Ðến nay, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Ðồng thời việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

Mặc dù vẫn đang có những bước tăng trưởng và phát triển nhưng các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy rằng, thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển. Ðó là vấn đề về gia tăng dân số thế giới, được dự báo gần 10 tỉ người vào năm 2050. Việc gia tăng dân số sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, mà một trong những vấn đề đó là đảm bảo lương thực cho toàn bộ dân số. Ðó là vấn đề về tăng trưởng thực GDP của toàn thế giới đang giảm dần. Việc này cùng với các vấn đề như dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế… đang kéo tăng trưởng của thế giới lùi lại.

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Ðối với 28 địa phương ven biển của nước ta, kinh tế biển chính là cơ hội để địa phương bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để phát triển vươn lên mạnh mẽ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tài trợ tín dụng cho kinh tế biển là hết sức cần thiết góp phần vào phát triển nhân lực và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Muốn phát triển kinh tế biển trước hết là phải tăng cường phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng cường trang thiết bị hiện đại để từng bước cơ giới hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển. Vì vậy, nhu cầu vốn tín dụng của khu vực kinh tế biển là khá cao, cần được đáp ứng đầy đủ để duy trì sản xuất - kinh doanh và tiến tới thực hiện tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng và dần chuyển sang chiều sâu.

Kinh tế biển phải vươn lên nhằm đảm bảo vai trò cơ sở của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vai trò cơ sở của kinh tế biển trong đảm bảo thực phẩm và nguyên liệu. Ðảm bảo cung cấp nhân công, thị trường và vốn đầu tư ban đầu cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ðể đảm bảo vai trò cơ sở của mình, kinh tế biển phải không ngừng được đầu tư mở rộng để phát triển. Sự phát triển có hiệu quả của kinh tế biển là cơ sở để ngân hàng thu hồi vốn cho vay và mở rộng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Sự tương tác có hiệu quả đó đáp ứng yêu cầu mở rộng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng trong nền kinh tế. Ðiều này cho thấy, mở rộng tín dụng ngân hàng là yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế biển, đồng thời cũng là yêu cầu tự thân trong hoạt động ngân hàng.

Ðịnh hướng tín dụng đầu tư phát triển kinh tế biển đã được nêu rõ tại Nghị định 67/2014/NÐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Chính phủ đã xác định phương hướng cụ thể cho vay và ưu tiên phát triển ngành Thủy sản. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và mở rộng cho vay đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng thủy, hải sản.

Ðối với nuôi trồng thủy sản; tiếp tục điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình nuôi trồng của các chủ nuôi có dư nợ và khách hàng chưa vay ngân hàng. Nắm bắt được các khách hàng đang có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, có năng lực tài chính tốt, có tài sản bảo đảm cho khoản vay và có khả năng trả nợ để tập trung đầu tư vốn. Ðối với lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản; tập trung cho vay nâng cấp phương tiện để nâng cao năng lực khai thác thủy sản. Theo đó, cho vay mới đối với các phương tiện khai thác có công suất lớn đảm bảo kỹ thuật và an toàn, chủ động phối hợp với chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương để thẩm định về định mức kỹ thuật của tàu cá, đồng thời nắm bắt các chuyến đi biển của con tàu. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các chủ tàu phải cam kết mua bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn, chấp hành đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.

ThS. TRẦN TRỌNG TRIẾT

Chia sẻ bài viết