13/11/2008 - 08:29

Bao giờ tiểu dự án Ô Môn - Xà No phát huy hiệu quả

Tiểu Dự án Ô Môn-Xà No thuộc dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL được khởi công xây dựng vào tháng 4-2005 với tổng vốn đầu tư khoảng 536 tỉ đồng. Theo kế hoạch, tiểu dự án này sẽ được xây dựng xong trong năm 2006 để làm nhiệm vụ kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất và cơ sở hạ tầng cho vùng dự án 45.430 ha; phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa cải tạo 38.800 ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Cuối năm 2007, tiểu Dự án Ô Môn-Xà No chưa thực hiện xong nhưng phải khép lại theo thời hạn hiệp định vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Do đó, tiểu Dự án Ô Môn-Xà No không chỉ chưa thực hiện được mục tiêu ban đầu mà còn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng dự án.

CÒN NHIỀU BỨC XÚC

Theo Công ty cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi II, do các tuyến đê (Ô Môn, Xà No, Tắc Ông Thục) chưa được khép kín, nhiều kênh, rạch còn bỏ ngỏ nên cần phải xây dựng cống để phục vụ sản xuất và giải quyết vấn đề môi trường. Mặt khác, hầu hết các kênh, rạch trong vùng dự án đã bị bồi lắng (cao độ đáy kênh hiện trạng khoảng -0,10m đến -0,40m trong khi mực nước thấp nhất vào mùa khô thay đổi từ -0,20m đến -0,85m) nên không đảm bảo khả năng cấp nước, tiêu nước cho sản xuất và gây cản trở giao thông thủy. Những bất cập trên kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án và gây bức xúc cho chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua.

Các cống thuộc tiểu Dự án Ô Môn - Xà No chưa hoàn thiện gây cản trở giao thông thủy. 

Trong buổi làm việc với Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10- đơn vị được Bộ NN&PTNT giao làm chủ đầu tư tiểu Dự án Ô Môn- Xà No - vào ngày 4-11-2008, ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết: nhiều cống vừa được xây dựng trong giai đoạn 1 đã trở nên lạc hậu và kém an toàn trong vận hành. Chẳng hạn, có loại cống phẳng được thiết kế theo kiểu sử dụng cùng lúc 2 mô-tơ điện mới mở được cửa cống. Tuy nhiên, 2 mô-tơ điện rất khó có cùng tốc độ nên sẽ rất khó mở cửa cống. Địa bàn 2 huyện Giồng Riềng và Gò Quao đều có điện lưới quốc gia đi qua, nhưng các cống đã được xây dựng thì không được đấu nối với điện lưới quốc gia. Do đó, chủ đầu tư cần trang bị thêm các thiết bị điện. Riêng loại cống cửa phẳng đã xây dựng ở giai đoạn 1 là loại cửa cống đã có ở Kiên Giang từ trước năm 1975; loại cống này rất nặng và thiếu an toàn trong vận hành.

Còn ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, thì cho rằng: “Nhiều cống chưa được xây dựng làm cho đê bao không thể khép kín. Mặt khác, đối với các cống đã được xây dựng nhưng cũng không vận hành được vì kênh mương chưa được nạo vét, cửa và thân cống bị chìm sâu trong lòng đất”.

Bà Vương Thị Lập, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, người dân trong vùng dự án rất bức xúc trước cảnh ô nhiễm môi trường khi các kênh mương bị ngăn dòng để xây dựng cống, các kênh bị khô cạn làm thiếu nước phục vụ sản xuất và gây khó khăn trong giao thông thủy. Bà Lập nói: “Trước những bức xúc trên, tôi mong muốn Dự án Ô Môn-Xà No sớm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi Chủ đầu tư bàn giao thì tôi rất ngại tiếp nhận vì các miệng cống bị đất bồi lấp không vận hành được”.

Được biết, tháng 12-2005, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định danh mục nạo vét các kênh cấp 2 thuộc tiểu Dự án Ô Môn-Xà No. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiểu Dự án Ô Môn-Xà No vẫn chưa nạo vét 34 tuyến kênh nói trên. Trong buổi làm việc với Sở NN&PTNT gần đây, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: Danh mục các tuyến kênh cần nạo vét nói trên là dự án cấp thiết, trọng điểm phát triển nông thôn của thành phố. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phải xem xét ghi vốn đầu tư trong năm 2009.

PHẢI ĐẦU TƯ TIẾP

Tiểu Dự án Ô Môn-Xà No chưa hoàn chỉnh nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư và gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dự án này đã và đang được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Ngày 3-4-2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN&PTNT lập bổ sung Dự án giai đoạn 2 và trình duyệt theo qui định; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án.

Theo ý kiến chỉ đạo trên, ngày 6-6-2008, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề cương, dự toán và kế hoạch đấu thầu lập dự án đầu tư tiểu Dự án Ô Môn-Xà No giai đoạn 2. Nhiệm vụ của tiểu Dự án Ô Môn - Xà No giai đoạn 2 được xác định là cùng với các công trình đã xây dựng ở giai đoạn 1 (hơn 114 km đê bao và 54 cống) để kiểm soát lũ cả năm cho khoảng 45.430 ha đất tự nhiên; phục vụ tưới, tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa cải tạo đất cho 38.800 ha đất nông nghiệp. Các công trình này còn kết hợp nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn, tạo điều kiện phát triển giao thông thủy, bộ và cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, để tiểu Dự án Ô Môn-Xà No phát huy được hiệu quả như mong muốn, dự án này cần phải được đầu tư thêm gần 1.200 tỉ đồng, gấp 2 lần so với tổng mức đầu tư đã được xác định trước khi dự án được khởi công xây dựng.

ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NÀO?

Theo tính toán của tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi II), giai đoạn 2 của tiểu Dự án Ô Môn-Xà No sẽ phải đầu tư xây dựng 68 cống hở, 31 cống ngầm và nạo vét 2 kênh cấp 1, 134 kênh cấp 2 với tổng chiều dài khoảng 470km. Trong đó, 2 kênh KH8 và KH9 là 2 tuyến kênh tạo nguồn cung cấp và tiêu thoát nước cho nhiều địa phương như: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền (TP Cần Thơ); Giồng Riềng, Gò Quao (tỉnh Kiên Giang); thị xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Theo đơn vị tư vấn, các công trình trên cần đến gần 1.200 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp 550 tỉ đồng, chi phí đền bù 320 tỉ đồng, chi phí khác 50 tỉ đồng và dự phòng phí lên đến 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ NN&PTNT vẫn chưa xác định được nguồn vốn cụ thể.

Trong buổi làm việc tại TP Cần Thơ vào chiều ngày 4-11-2008, ông Trần Duy Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình, Bộ NN&PTNT cho rằng, rất khó thuyết phục Chính phủ sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho tiểu Dự án Ô Môn - Xà No giai đoạn 2 trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện thắt chặt đầu tư công để chống lạm phát như hiện nay. Do đó, ông Tiến đề xuất và được các địa phương có dự án đi qua thống nhất phương án tiếp tục phân kỳ đầu tư. Theo đề xuất của ông Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ đầu tư khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao và các cống. Phần vốn còn lại sẽ sử dụng để nạo vét trước một số tuyến kênh. Các kênh còn lại sẽ được đầu tư sau bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Các đại biểu tham dự cuộc họp nói trên đã xác định nguồn vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2 của tiểu Dự án Ô Môn-Xà No nhưng không đề cập đến thời điểm thực hiện “giai đoạn 2a” (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) và giai đoạn “2b” sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Do đó, vẫn chưa xác định được đến bao giờ tiểu Dự án Ô Môn-Xà No mới phát huy hiệu quả. Điều đó cũng có nghĩa là người dân sinh sống trong vùng dự án vẫn tiếp tục gánh chịu những phiền toái do một dự án thủy lợi chưa hoàn chỉnh gây ra.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết