24/02/2008 - 09:24

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Bệnh viện tâm thần Cần Thơ:

Báo động tình trạng rối loạn tâm thần do rượu

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2008, lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ vì chứng rối loạn tâm thần do rượu tăng đột biến. Việc điều trị, cũng như giúp bệnh nhân cai rượu hết sức khó khăn. Xoay quanh vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, cho biết:

 

- Rối loạn tâm thần do rượu thường xảy ra ở những người lạm dụng rượu hoặc nghiện rượu. Các rối loạn tâm thần do rượu thường gặp là rối loạn cảm xúc, hành vi, hội chứng cai rượu, sảng run, hội chứng quên, sa sút tâm thần, ảo giác (bệnh nhân thường thấy ma quỉ hiện ra trước mắt, sâu bọ, chuột rút trong da thịt, thấy mình bị hại...). Các rối loạn này thường khởi phát cấp tính sau khi uống nhiều rượu hay sau khi ngưng uống hoặc giảm lượng uống vào đối với người bị nghiện rượu. Bệnh nhân thường mất ngủ, kích động, la hét, đập phá, bỏ ăn, ói mửa, co giật. Đa số những trường hợp này đều phải nhập viện để điều trị.

Trong năm 2007, bình quân mỗi tháng bệnh viện khám, điều trị cho 10 ca rối loạn tâm thần do rượu. Từ ngày 25-1 đến 15-2-2008 (nhằm ngày 18 tháng Chạp đến mùng 9 Tết) bệnh viện đã tiếp nhận 17 ca rối loạn tâm thần do rượu, tăng khoảng 200% so với thời điểm trước đó. Điều này cho thấy hậu quả của việc sử dụng rượu quá mức trong dịp Tết. Theo ghi nhận của chúng tôi, có nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi các rối loạn, một thời gian lại tái phát và phải vào viện vì không bỏ rượu.

* Thưa bác sĩ, như vậy, việc điều trị cho bệnh nhân loạn thần do rượu cũng như giúp người nghiện cai được rượu không phải dễ?

- Đúng vậy. Cả thầy thuốc và bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc điều trị cũng như cai nghiện. Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu thường là cấp tính và dữ dội như quá kích động, chống đối, có nhiều hành vi nguy hiểm, co giật. Nếu bệnh nhân bị rối loạn nước – điện giải gây hôn mê thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Trường hợp này, ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống, chăm sóc toàn diện và quan trọng là phải được ổn định tâm lý và hành vi.

Bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu có thời gian uống rượu lâu năm nên thường bị các bệnh lý kèm theo như xơ gan, loét dạ dày, cao huyết áp, xơ vữa mạch vành, tai biến mạch máu não nên trong quá trình điều trị bác sĩ còn phải lưu ý đến vấn đề này. Các loại thuốc chống loạn thần còn gây nhiều tác dụng phụ trên tim mạch nên bác sĩ điều trị phải hết sức cẩn trọng trong việc chỉ định.

Người nghiện rượu chịu sự lệ thuộc rượu về mặt cơ thể và tâm lý, nhưng yếu tố quan trọng là mặt tâm lý. Không vượt qua được cảm giác thèm rượu, nhiều bệnh nhân không bỏ rượu hoặc cai rượu thất bại. Đây là yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị khỏi các rối loạn tâm thần do rượu.

* Trường hợp uống phải rượu giả có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, thưa bác sĩ?

- Theo phân tích của các nhà khoa học, rượu giả có thể chứa rất nhiều chất độc hại cho cơ thể như acid, ester, aldehyde, methanol, furfurol. Chất furfurol là một chất cực độc, làm tê liệt hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh... không cho phép có trong rượu. Nếu uống phải chất này lâu dài có thể gây ra các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, gan. Người mẹ uống phải rượu giả có thể gây ra tình trạng dị tật cho thai nhi. Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, những trường hợp ngộ độc rượu giả vào cấp cứu tại bệnh viện thường trong tình trạng rất nặng, nhiều trường hợp đã tử vong. Thực tế cho thấy vấn đề lạm dụng rượu hiện nay đáng báo động.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

S. KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết