05/11/2009 - 07:51

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Bảo đảm an ninh trật tự gắn chặt với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

* Nâng cao năng lực cán bộ ngành tư pháp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Sáng 4-11, Quốc hội đã nghe các báo cáo: công tác thi hành án năm 2009; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2009; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC)

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày: Nhìn chung năm 2009, công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo quyết liệt và triệt để hơn; tổ chức bộ máy thi hành án tiếp tục được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan thi hành án dân sự được tăng cường hơn...Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của QH về việc thi hành Luật này, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự. Công tác quản lý, chỉ đạo thi hành án ở các cấp từng bước được đổi mới, linh hoạt và sát sao hơn. Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, công tác thi hành án dân sự năm 2009 còn một số hạn chế như: số việc thi hành án tồn đọng chuyển sang năm sau còn nhiều; việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành dân sự và Nghị quyết của QH còn chậm so với yêu cầu; việc kiện toàn tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự còn chậm.

Trong công tác thi hành án hình sự, các trại giam, trại tạm giam đã tăng cường giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; thực hiện các chế độ chính sách; cơ bản đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án, quan tâm công tác phòng, chữa bệnh cho bệnh nhân; tăng cường cơ sở vật chất...Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành án hình sự còn chậm, khó khăn trong áp dụng; tổ chức bộ máy làm công tác thi hành án hình sự chưa tập trung; đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ thi hành án hình sự thiếu biên chế.

Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 là thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật thi hành án dân sự, Nghị quyết của QH về việc thi hành luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiện toàn cơ bản tổ chức, bộ máy cán bộ, cơ quan thi hành án dân sự; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tổ chức thi hành án. Dự án Luật thi hành án hình sự cũng sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trình QH xem xét thông qua; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù...

Đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2009, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh nêu rõ: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, đối ngoại đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi xảo quyệt... Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, biện pháp phòng ngừa, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, đoàn thể đã tập trung lực lượng đấu tranh ngăn chặn, điều tra, truy xét, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống Đảng, chống Nhà nước.

Báo cáo nhận định công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, cả nước tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự gắn chặt với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Các thể chế về quản lý kinh tế- xã hội cần được xây dựng, bổ sung, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, quản lý doanh nghiệp...nhằm khắc phục những thiếu sót,sơ hở trong cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Trong sáng 4-11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

* Chiều 4-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo về công tác thi hành án.

Đã có 19 đại biểu đăng ký và phát biểu tại Hội trường. Các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo tình hình hoạt động và báo cáo thẩm tra về công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án.

Các đại biểu tập trung phân tích diễn biến tình hình tội phạm năm 2009, phân tích nguyên nhân, các giải pháp, phương hướng phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong thời gian tới. Các đại biểu nhất trí với đánh giá cho rằng, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, tình hình vi phạm, tội phạm ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp và một số loại tội phạm như buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán ma túy, chống người thi hành công vụ... có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, các đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ hoạt động trong ngành tư pháp, để đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xã hội.

Một số đại biểu đánh giá, đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm là công việc khó khăn, gian khổ, lâu dài, vì vậy trong thời gian tới, hoạt động phòng, chống vi phạm, tội phạm cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp, trong đó cần quan tâm chú ý hơn nữa đến công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống vi phạm và tội phạm.

Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo mọi hành vi vi phạm, phạm tội đều được phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong phòng chống vi phạm và tội phạm, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong việc giữ gìn kỷ cương pháp luật, đảm bảo uy tín của ngành và lòng tin của nhân dân.

THANH HÒA-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết