19/06/2024 - 18:14

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)

Báo chí tham gia chuyển đổi số 

Chiến lược Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4-2023, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước... Tại TP Cần Thơ, các cơ quan báo chí đang tham gia CĐS mạnh mẽ, phù hợp với thực tế tại các đơn vị để đến gần với công chúng hơn.

Đội ngũ người làm báo năng động, sáng tạo

Hơn 10 năm công tác tại Ban đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại TP Cần Thơ, nhà báo Lê Duy Sự luôn có mặt trong các hoạt động, sự kiện của lực lượng vũ trang Quân khu 9, Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4. Nhiều chuyến công tác, anh vừa là người quay phim, phỏng vấn, biên tập hình ảnh… “Chúng tôi phải chủ động và luôn trong trạng thái sẵn sàng khi có lệnh của cấp trên trong công tác. Do đặc thù công việc là thường theo đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nên tôi sắp xếp thời gian, bố trí công việc thật khoa học để có thể vừa viết tin, vừa quay, dựng hình ảnh trong khoảng thời gian nhất định” - anh Duy Sự cho biết.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy chúc mừng 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) tại Báo Cần Thơ. Ảnh: PHẠM TRUNG

Đầu năm 2024, anh và các đồng nghiệp đã triển khai thực hiện Chương trình “Bên dòng Cửu Long”. Đây là chương trình tạp chí truyền hình chuyên biệt về miền Tây phát sóng trên kênh Quốc phòng Việt Nam. Chương trình “Bên dòng Cửu Long” bước đầu đã thu hút sự quan tâm của khán, thính giả. Do vậy, anh Duy Sự và cán bộ, nhân viên của đơn vị không ngừng trau dồi kiến thức, ứng dụng công nghệ để chương trình ngày càng hấp dẫn. Trong đó, anh tự học tập, sử dụng các thiết bị ghi hình: flycam, steadicam, spidercam… để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh, phát sóng.

Nhiều năm qua, nhà báo Lâm Trực, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) TP Cần Thơ, là phóng viên biên tập tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Khi được phân công tác nghiệp trực tiếp bên ngoài cơ quan, anh Trực luôn chủ động sản xuất tin, bài (nội dung), các video (hình ảnh và phát biểu nhân vật) và sớm chuyển tải về các bộ phận chuyên môn của Đài để xây dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh, trình duyệt, phát sóng. Các thông tin luôn chính xác, đầy đủ, nhanh và đúng quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước, đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan. “Ban Giám đốc Đài PT&TH thành phố luôn có sự định hướng rõ ràng về mặt nội dung và hình thức để chúng tôi tạo ra sản phẩm truyền hình. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật giỏi công nghệ thông tin hỗ trợ phóng viên nhanh chóng tiếp cận các phần mềm chuyên dụng của truyền hình và hoàn tất một số công đoạn sản xuất tin, bài” - anh Trực cho biết.

Nhà báo Anh Khoa (Báo Cần Thơ) tham gia thực hiện phóng sự truyền hình. Ảnh: PHẠM TRUNG

Trong thời đại bùng nổ thông tin, trình độ của công chúng không ngừng được nâng cao. Vì vậy, nhà báo phải liên tục trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa - xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng lớn. Hiện nay, khoảng 33% cán bộ, viên chức của Báo Cần Thơ có trình độ thạc sĩ, cử nhân báo chí. Các nhà báo thường xuyên đăng ký tham gia các lớp nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức. Từ năm 2021 đến nay, Báo Cần Thơ có 210 lượt cán bộ, nhà báo tham gia 32 lớp nghiệp vụ báo chí do các cấp tổ chức, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, phục vụ việc đổi mới cải tiến Báo Cần Thơ cũng như có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí ở các cấp.

Báo Cần Thơ đã và đang hướng đến xây dựng đội ngũ phóng viên đa phương tiện với các kỹ năng viết tin báo in, báo điện tử, quay phim; làm việc theo nhóm, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Ban Biên tập giao... Nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, các nhà báo đã đầu tư mua sắm máy ảnh được thiết kế để quay phim có độ phân giải cao, flycam; tìm hiểu các phần mềm để dựng phim, nâng chất lượng hình ảnh. Trong đó, điển hình có các nhà báo Đăng Huỳnh, Anh Dũng, Quốc Thái, Anh Khoa, Mỹ Thanh, Minh Huyền… Nhà báo Anh Khoa, Phòng Báo Điện tử, cho biết: “Tôi nghĩ nhà báo trong thời đại số phải làm chủ phương tiện, kỹ thuật để xử lý công việc trong nhiều điều kiện, hoàn cảnh; đổi mới cách viết tin, bài để phục vụ công chúng”.

Chuyển đổi đồng bộ

Trong thời kỳ CĐS diễn ra ở các lĩnh vực, người làm báo phải làm việc nhiều hơn. Các nhà báo phải tự học, tham gia các lớp nghiệp vụ để vận hành, ứng dụng các thiết bị hiệu quả.

Nhà báo Lâm Trực (Đài PT&TH TP Cần Thơ) tác nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Nhằm thực hiện tốt việc CĐS trong đơn vị, Đảng ủy, Ban Giám đốc Đài PT&TH thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS của Đài; giao các phòng chuyên môn tham mưu nội dung CĐS trong công tác; triển khai nhiệm vụ cho phóng viên, biên tập viên, viên chức…  Đài PT&TH TP Cần Thơ đẩy mạnh làm sản phẩm trên nền tảng số, tạo điều kiện để khán giả dễ dàng tiếp cận các nội dung. Hiện nay, Đài PT&TH thành phố đã có trên các nền tảng Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok và xây dựng ứng dụng Cantho Plus riêng của Đài. Đảng ủy, Ban Giám đốc Đài PT&TH thành phố quan tâm xây dựng đội ngũ người làm báo đa năng, đa nhiệm; tổ chức tập huấn sản xuất các chương trình theo hướng truyền thông đa phương tiện… Đội ngũ cán bộ, phóng viên vững tay nghề đã mang lại hiệu quả tuyên truyền; đưa thông tin đến khán, thính giả trong thời gian nhanh nhất. “Đài PT&TH thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên năng động, nắm bắt kịp các xu thế trong CĐS; tham mưu UBND thành phố đầu tư nguồn lực để thực hiện kế hoạch CĐS báo chí cho đơn vị... Đồng thời, xây dựng các quy trình làm sản phẩm báo chí phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương và thị hiếu của người xem, người nghe trong thời đại số” - nhà báo Lê Thế Huy, Phó Giám đốc Đài PT&TH thành phố cho biết.

Theo nhà báo Dương Hồ Vũ, Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Báo Cần Thơ là một trong những tờ báo tiên phong trong ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, đưa quy trình biên tập - xuất bản, quản lý tin bài lên tòa soạn điện tử. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, nhân lực, duy trì hoạt động ổn định và xuyên suốt của cơ quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Báo Cần Thơ đã có những bước cải tiến quan trọng, đặc biệt là hợp tác với các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Google. Sự hợp tác này do Hội Nhà báo Việt Nam và Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) giới thiệu nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trên cả nước tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy nhanh quá trình CĐS báo chí. Theo kết quả đánh giá mức độ trưởng thành CĐS do Cục Báo chí đo lường và công bố năm 2023, Báo Cần Thơ đạt mức khá, đứng thứ 7/59 đơn vị thuộc khối báo chí địa phương, đứng thứ nhất các đơn vị thuộc nhóm này ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, những thành quả Báo Cần Thơ đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm lực hiện có trước sự phát triển không ngừng của báo chí trong nước và thế giới, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Điều đó đòi hỏi Ban Biên tập Báo Cần Thơ phải xây dựng một đề án mang tầm chiến lược, đánh giá đúng thực trạng của tờ báo để có giải pháp phát triển căn cơ, bài bản hướng tới những mục tiêu cụ thể với quan điểm phát triển rõ ràng, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí đương đại nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao. Đề án sẽ chú trọng việc rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực; sắp xếp lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thống nhất trong quản lý, điều phối thông tin và tổ chức thực hiện các sản phẩm báo chí; xây dựng quy trình xuất bản và phân phối nội dung theo điều kiện thực tế của cơ quan và áp dụng thống nhất trong tòa soạn... Qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các xu hướng phát triển mới trong hoạt động báo chí.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết