20/06/2009 - 08:42

Đồng chí Trương Tấn Sang:

Báo chí ngày càng xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Đồng chí Phạm Thanh Vận - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (bìa phải) và đồng chí Giang Minh Chánh - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ trao thưởng cho tác giả của 2 tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2008.
Ảnh: VĂN THỨC.

Họp mặt kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 30 năm thành lập Hội Nhà báo TP Cần Thơ * Tổng kết Giải báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2008-2009
Phát động Giải Báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc lần thứ 7 - năm 2009

Ngày 19-6, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam tại trụ sở của Hội số 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Đồng chí đã có cuộc gặp mặt thân mật với lãnh đạo Hội Nhà báo và đông đảo đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và một số tỉnh gần Hà Nội, và có phát biểu với giới báo chí cả nước nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2009).

Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo đã báo cáo tình hình, công tác của Hội thời gian qua, trong đó nêu bật những mặt làm được của các cấp hội cũng như báo chí cả nước trong việc thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo Việt Nam”.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ trong bầu không khí cởi mở, thân tình này, đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệt liệt chúc mừng hơn 16.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và các kỹ thuật viên, nhân viên, cộng tác viên của hơn 700 cơ quan báo chí trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trương Tấn Sang đã đánh giá cao những thành tựu mà báo chí thực hiện được trong thời gian qua. Báo chí đã tập trung tuyên truyền quyết tâm chính trị lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hàng nghìn bài viết, phóng sự, chuyên trang, chuyên đề về chủ đề này đã được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã thực sự đi trước, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng; thể hiện sự nhạy bén, tỉnh táo, trách nhiệm trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng chí hy vọng, trong thời gian tới, những người làm báo Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo Thanh niên, của nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nền báo chí nước nhà cũng như mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo ngày càng tiến bộ, trưởng thành, ngày càng xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

* Nhân kỷ niệm 84 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2009), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Giải báo chí “Giải Báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc lần thứ 7- năm 2009”.

Các tác phẩm dự Giải báo chí vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ 7 - năm 2009 là những tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung:

Các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 22-11-2007 của Ban Bí thư về việc lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII.

Các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII.

Tình hình và kết quả thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhằm tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2008-2009 cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong các giai tầng xã hội, các giới đồng bào, các thành phần kinh tế, nhất là trong xóa đói giảm nghèo, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, trong phòng chống thiên tai, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

Đoàn kết đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.

Kết quả bước đầu việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; Phản ánh những tình cảm, nguyện vọng và việc làm tốt đẹp của các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp thiết thực cho khối đại đoàn kết toàn dân - động lực chủ yếu để phát triển đất nước...

* Ngày 19-6-2009, Ban Thường trực Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2009). Đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, đến dự.

Ôn lại truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, các đại biểu khẳng định: Trải qua 84 năm hoạt động thực tiễn, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành, đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ, trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Riêng Hội Nhà báo TP Cần Thơ, từ khi thành lập đến nay đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, kiện toàn về tổ chức, đổi mới về phương thức hoạt động, tập hợp được đông đảo các nhà báo trên địa bàn. Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các hội viên, qua đó, ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần to lớn thúc đẩy sự phát triển của TP. Cần Thơ nói riêng và cả khu vực ĐBSCL. Hội đã được Hội Nhà báo Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2008; UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 30 năm hoạt động.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Phạm Thanh Vận chúc mừng những các nhà báo nhân ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời biểu dương và cám ơn báo chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của thành phố. Đồng chí mong muốn các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng TP Cần Thơ thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại I trong năm 2009, là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, đồng chí đã trao tặng Hội Nhà báo TP Cần Thơ bức trướng với dòng chữ “Tâm sáng – Lòng trong – Bút sắc”.

Dịp này, Ban tổ chức Hội thi Giải báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2008-2009 đã tổng kết, trao thưởng cho tác giả các tác phẩm đạt giải. Theo Ban giám khảo, cuộc thi báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2008-2009 có sự tham gia của 88 tác phẩm ở cả 3 loại hình: báo viết, báo in và báo nói của nhiều tác giả đang công tác ở các cơ quan báo chí trực thuộc địa phương, TP Hồ Chí Minh và Trung ương. Nội dung các tác phẩm dự thi đã bám sát đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương và khu vực, phản ánh đa dạng các phong trào cách mạng của địa phương. Các tác phẩm vừa nêu bật những nhân tố mới, điển hình tiêu biểu, vừa đặt ra những vấn đề thời sự bức xúc được công luận quan tâm, mạnh dạn phê phán những hiện tượng tiêu cực. Cơ cấu thể loại khá phong phú, đặc biệt là thể loại phóng sự điều tra, ký nhân vật được nhiều tác giả sử dụng nhuần nhuyễn đã tăng tính hấp dẫn, thuyết phục. Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm “Công tác cán bộ cơ sở đang đặt ra những vấn đề gì?” của tác giả Hồ Thị Thanh Bạch, đơn vị Báo Cần Thơ (báo in) và tác phẩm “05 năm - Bước khởi đầu của Cần Thơ” của nhóm tác giả Hồng Tươi- Ngọc Lộc- Huy Hiếu, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ (báo hình). Giải nhì được trao cho các tác phẩm “Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị: Thành phố Cần Thơ - nhìn lại một chặng đường” của tác giả Huỳnh Thu Hà, đơn vị Báo Cần Thơ (báo in), tác phẩm “Nâng cao năng suất và giá trị hạt lúa ĐBSCL” của nhóm tác giả Tấn Hưng- Thế Hải- Xuân Nguyên, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ (báo hình) và tác phẩm Giải pháp đơn giản, hiệu quả của tác giả Nguyễn Bé, đơn vị Đài Phát thanh- Truyền hình TP. Cần Thơ (báo nói); có 6 tác phẩm đạt giải 3 và 8 giải khuyến khích.

Ban Tổ chức cuộc thi giải báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ cũng đã phát động cuộc thi Giải báo chí Phan Ngọc Hiển TP Cần Thơ năm 2009-2010, với chủ đề: “Phát huy những nhân tố mới, điển hình trong các phong trào hành động cách mạng có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XI”.

Đối tượng tham gia cuộc thi bao gồm tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp trong và ngoài thành phố.

NGỌC ANH - HOÀNG THANH (TTXVN)

 

DANH SÁCH
TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Đoạt Giải báo chí Phan Ngọc Hiển - TP Cần Thơ

Lần thứ III, năm 2008 - 2009

I. Báo in:

* Giải nhất: Tác phẩm Công tác cán bộ cơ sở đang đặt ra những vấn đề gì? của tác giả Hồ Thị Thanh Bạch, đơn vị Báo Cần Thơ.

* Giải nhì: Tác phẩm Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị Thành phố Cần Thơ - Nhìn lại một chặng đường của tác giả Huỳnh Thu Hà , đơn vị Báo Cần Thơ.

* Giải ba:

1. Tác phẩm Từ cậu bé hàng rong đến Tiến sĩ toán học của tác giả Quách Chí Dũng, đơn vị Báo Cần Thơ.

2. Tác phẩm Gian nan rèn luyện mới thành công của tác giả Cao Thị Lan Phương, đơn vị Báo Cần Thơ.

3. Tác phẩm Phổ cập bậc Trung học: Con đường còn lắm gian nan của tác giả Hà Ly Giang, đơn vị Báo Cần Thơ.

* Giải khuyến khích:

1. Tác phẩm Chuyện như cổ tích của nhóm tác giả Hồ Kiên Giang - Nguyễn Hữu Tuấn, đơn vị Báo Quân khu 9.

2. Tác phẩm Cty Phát triển kinh doanh nhà TPCT Buông lỏng quản lý, tùy tiện sang nhượng đất đai, bảo lãnh thế chấp, gây thất thoát của Nhà nước hàng chục tỉ đồng của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, đơn vị Báo Cần Thơ.

3. Tác phẩm Những Kỹ sư “chân đất” của nhóm tác giả Cao Ngọc Dương - Nguyễn Bình Nguyên - Quách Chí Dũng, đơn vị Báo Cần Thơ.

4. Tác phẩm Cần Thơ trước vấn nạn ô nhiễm nguồn nước của nhóm tác giả Huỳnh Thị Minh Nguyệt - Bùi Văn Thức, đơn vị Báo Cần Thơ.

II. Báo hình:

* Giải nhất: Tác phẩm 5 năm - Bước khởi đầu của Cần Thơ của nhóm tác giả Hồng Tươi - Ngọc Lộc - Huy Hiếu, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ.

* Giải nhì: Tác phẩm Nâng cao năng suất và giá trị hạt lúa ĐBSCL của nhóm tác giả Tấn Hưng - Thế Hải - Xuân Nguyên, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

* Giải ba:

1. Tác phẩm Ngộ độc rượu - Lời cảnh báo của nhóm tác giả Kim Chung - Huy Hiếu, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ.

2. Tác phẩm Giải pháp thiết thực cho nghề nuôi cá tra đồng bằng của nhóm tác giả Tiến Triển - Võ Khải, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

3 . Tác phẩm Cần Thơ khám phá đường dây làm giấy tờ giả quy mô lớn của nhóm tác giả Quang Thông - Xuân Hoàng, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

* Giải khuyến khích:

1. Tác phẩm Phòng chống dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL của nhóm tác giả Tuấn An - Thế Hải, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

2. Tác phẩm Hoa Xương Rồng của nhóm tác giả Thanh Các - Lương Thiện, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ.

3. Tác phẩm ĐBSCL cần nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số của nhóm tác giả Uyên Trang - Quốc Trạng, đơn vị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

4. Tác phẩm Nỗi buồn Nhà văn hóa của nhóm tác giả Kiều Oanh - Duy Lai - Ngọc Trung, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ.

III. Báo nói:

* Giải nhì: Tác phẩm Giải pháp đơn giản, hiệu quả của tác giả Nguyễn Bé, đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ.

BAN TỔ CHỨC GIẢI

 

Chia sẻ bài viết