13/08/2020 - 09:46

Bánh tráng Thuận Hưng triển vọng vươn xa 

Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 40km, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng tọa lạc tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt hình thành hơn 200 năm và được công nhận là làng nghề truyền thống tại địa phương từ năm 1998. Theo những người có thâm niên tại địa phương, nghề làm bánh tráng hình thành ban đầu chỉ vài hộ làm để ăn chơi dịp Tết, dần dần, nhiều người biết tiếng, đặt hàng mua bánh thường xuyên, các lò bánh mới mọc lên nhiều và phát triển mạnh như ngày nay.

Bà Hà Thị Sáu (bên trái) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm bánh tráng ngọt.

Hấp dẫn bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có 2 sản phẩm bánh tráng ngon, đặc sản là bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa. Ðây cũng chính là những loại bánh tráng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mua dùng nên nhiều hộ dân tại làng nghề sản xuất quanh năm. Gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 30 năm, bà Hà Thị Sáu ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, cho biết: “Bánh tráng ngọt có đường, mè, nước cốt dừa và bột gạo. Bánh sau khi được tráng đem phơi nắng, xé ăn ngay rất dẻo thơm hoặc đem nướng cũng rất ngon. Còn bánh tráng dừa cũng có đầy đủ các gia vị và nguyên liệu kể trên nhưng ít ngọt, bánh ăn béo hơn nhờ được thêm nhiều nước cốt dừa. Khoảng 10 năm nay, gia đình tôi chủ yếu làm 2 loại bánh này, tiêu thụ rất tốt”.

Mỗi ngày gia đình bà Sáu có thể sản xuất từ 1.500-2.300 cái bánh, những tháng Tết có thể sản xuất 3.000-4.000 cái bánh/ngày. Bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống. Hơn nữa, phơi bánh phụ thuộc vào nắng trời nên lượng bánh làm ra thường xuyên không đủ để bán. Theo bà Hà Thị Sáu, nhờ làm bánh tráng gia đình đã có cuộc sống ổn định. Hiện bà cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động nữ, thu nhập 200.000 đồng/ngày với người tráng bánh và 150.000 đồng/ngày đối với người phơi bánh.

4 năm nay, gia đình ông Phan Rang ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng cũng tập trung làm bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa, riêng vào dịp Tết sản xuất thêm bánh tráng giòn hay còn gọi là bánh tráng nem, bánh tráng mặn. Ông Phan Rang cho biết: “Bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được người tiêu dùng trong và ngoài thành phố ưa chuộng, làm không đủ bán, nhất là trong những tháng mùa mưa và dịp lễ, Tết. Với sự giúp sức từ 2 lao động được thuê mướn, mỗi ngày vợ chồng tôi có thể sản xuất hơn 2.000 cái bánh tráng, nếu trời nắng tốt”.

Để sản phẩm vươn xa

Ðể duy trì làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, các cấp chính quyền tại địa phương luôn quan tâm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa. Tin vui là hiện có 2 sản phẩm đặc sản của 2 chủ thể sản xuất được tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã được UBND TP Cần Thơ trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (sản phẩm được bình, xét theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP TP Cần Thơ) đạt hạng 3 sao. Ðó là bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu và bánh tráng dừa của bà Ðặng Thị Bích Tuyền ở khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng. Ðây là tiền đề thuận lợi cho việc quảng bá, đưa sản phẩm tiếp tục vươn xa nhiều thị trường tiêu thụ và thâm nhập được vào các siêu thị và kênh bán hàng hiện đại.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh, phường đã và đang tích cực phối hợp các bên liên quan để kết nối cung cầu, hỗ trợ các hộ dân tại làng nghề quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm cho làng nghề, quận luôn tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia các  kỳ hội chợ, hoạt động triển lãm, kết nối cung cầu được tổ chức tại địa phương và tại các tỉnh, thành trong nước. Hỗ trợ các hộ dân làng nghề thực hiện các hồ sơ, thủ tục để phát triển sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa. Hiện phòng cũng đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn 2 hộ dân có sản phẩm bánh tráng đạt theo OCOP bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đưa sản phẩm quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Sở Công Thương thành phố và các kênh bán hàng điện tử…

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có 70 hộ hoạt động thường xuyên và khoảng 37 hộ sản xuất theo thời vụ Tết Nguyên đán, tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Lợi 3, thuộc phường Thuận Hưng. Hiện có 2 hộ dân tại làng hiện đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất bánh tráng nem. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 150.000-250.000 đồng/người/ngày. 6 tháng đầu năm 2020, làng nghề sản xuất được hơn 63 triệu cái bánh, với doanh thu ước đạt 36 tỉ đồng.

Theo hệ thống quản lý và giám sát của chương trình OCOP, việc đánh giá và xếp hạng sản phẩm với  5 hạng sao gồm: hạng 5 sao là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 4 sao là sản phẩm đạt tiêu chuẩn có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 3 sao là sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao; hạng 2 sao là sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao; hạng 1 sao: sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết