30/11/2012 - 09:23

Bánh căn phố núi

Bánh căn phố núi.

Hàng bánh căn trên đường Tăng Bạt Hổ của thành phố Đà Lạt là địa chỉ ăn uống quen thuộc của nhiều người dân địa phương và du khách. Đây là món ăn khô, nóng, phù hợp với tiết trời lạnh.

Bánh căn vốn di cư theo bước chân của người miền Trung đến cao nguyên Lang Bian lập nghiệp. Đến đây, món ăn này được biến tấu, tạo nét đặc trưng riêng. Khuôn bánh có đến 20 bánh. Bột làm bánh được xử lý cẩn thận và có bí quyết riêng, tạo sự tơi xốp. Cho bột vào khuôn khi vừa ráo mặt, người ta cho trứng gà hoặc trứng vịt đã đánh tan lòng đỏ và lòng trắng vào, tạo một lớp màu vàng bên trên bánh. Bánh khi chín có lớp ngoài cùng rất giòn, lớp giữa tơi xốp và thơm đậm đà của trứng.

Nước chấm của bánh căn phố núi được làm từ nước mắm cá cơm Phan Thiết pha loãng với nước và gia vị rồi đun sôi. Thịt heo bằm nhuyễn và ướp gia vị, vò lại thành viên, hấp cho chín rồi thả vào nước chấm, cho thêm hành, ớt, tạo vị thơm và cay nồng. Dùng đũa gắp một cái bánh căn còn nóng hôi hổi cho vào chén nước chấm và ăn, thật tuyệt vời!.

Bánh căn nóng rất dai. Nước chấm luôn được giữ ấm trên lửa. Hàng bánh căn khá nhỏ nhưng khách lúc nào cũng đông đúc. Thực khách phải đứng chờ đến lượt mình có ghế ngồi. Dù bán ở thành phố du lịch, phục vụ khá đông du khách nhưng hàng bánh căn này vẫn giữ nguyên cách bài trí truyền thống. Bàn thấp và dài được làm bằng gỗ. Ghế ngồi cũng làm dài theo bàn. Chén, dĩa là loại gốm bình dân, mộc mạc. Không gian quán nhỏ hẹp và ấm cúng, pha nét xưa đã tạo sự khác biệt và đặc trưng.

Dù Đà Lạt có nhiều loại bánh được chế biến công phu nhưng du khách vẫn tìm đến hàng bánh căn trên đường Tăng Bạt Hổ để được thưởng thức món ăn dung dị mà tinh tế của ẩm thực Đà Lạt.

Bài, ảnh: ĐỨC NGUYỄN 

Bánh căn phố núi.

Chia sẻ bài viết