11/01/2011 - 09:07

DẠY TIẾNG ANH Ở BẬC TIỂU HỌC

Băn khoăn của phụ huynh

Năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học bắt đầu từ lớp 3. Thực tế những năm qua, nhiều trường tiểu học ở trung tâm thành phố Cần Thơ đã thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn hoặc tăng cường. Nhìn chung, chương trình đã được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh, học sinh... Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn cho rằng một số giáo viên dạy học sinh phát âm tiếng Anh chưa chuẩn...

Những năm gần đây, chương trình dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học ở TP Cần Thơ ngày càng phát triển, số lượng học sinh năm sau tăng hơn năm trước. Chẳng hạn, năm học 2009-2010, số lượng học sinh tiểu học được học tiếng Anh khoảng 47% tổng số học sinh toàn thành phố. Đến năm học 2010-2011, trên địa bàn thành phố có 50.187 học sinh học tiếng Anh, chiếm hơn 50% học sinh tiểu học. Thành quả trên là do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã chỉ đạo cho các trường tiểu học có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học tiếng Anh tự chọn và tăng cường theo một trong hai bộ giáo trình Let’s Go hoặc Let’s Learn English. Nhìn chung, việc tổ chức dạy học tiếng Anh ở bậc tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu được học ngoại ngữ của học sinh tiểu học phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục. Mặt khác, việc được học tiếng Anh ở bậc tiểu học sẽ giúp học sinh có được lượng kiến thức tiếng Anh nhất định để có thể học tốt khi lên cấp 2. Theo đánh giá của nhiều cán bộ, giáo viên thì việc triển khai chương trình dạy tiếng Anh được sự ủng hộ của hầu hết phụ huynh và học sinh cũng hứng khởi theo học...

 Học sinh Trường tiểu học Lê Quí Đôn, quận Ninh Kiều trong tiết học tiếng Anh.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho rằng, một số giáo viên dạy tiếng Anh ở trường tiểu học dạy học sinh phát âm chưa chuẩn. Chị T. có con trai đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Ninh Kiều phát hoảng khi con trai về tập đọc những từ đơn giản của tiếng Anh. Chị nói: “Gia đình tôi có người em dạy tiếng Anh bậc THPT đã hơn 20 năm nên nghe con trai tôi phát âm, em tôi cho rằng cách phát âm này không chuẩn, cháu đọc sai nhiều chỗ...”. Trường hợp của cháu N., học lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trước khi được học tiếng Anh ở trường, N. được mẹ cho học tiếng Anh ở một thầy giáo dạy tiếng Anh lâu năm, được nhiều người tín nhiệm. Đến khi N. được học tiếng Anh ở trường, gia đình phát hiện hai cách phát âm, đọc từ của thầy và của giáo viên dạy tiếng Anh trong trường khác nhau... Trường hợp của N. và con của chị T. là số ít trong nhiều trường hợp được phụ huynh học sinh phản ánh qua thực tế giảng dạy tiếng Anh ở một số trường tiểu học hiện nay. Tương tự, không ít giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc THCS phàn nàn vì cách phát âm không chuẩn của học sinh tiểu học...

Nhu cầu học tiếng Anh ở các trường tiểu học là có thật, nhưng để tổ chức việc dạy học tiếng Anh cho bậc tiểu học ở các trường hiện nay là điều không dễ dàng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 175 giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học. Tất cả giáo viên đều đạt trình độ cao đẳng, đại học sư phạm Anh văn. Chẳng hạn, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Ninh Kiều có 6 giáo viên Anh văn thì 6 giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng Cần Thơ, 2 giáo viên tốt nghiệp tại Đại học Cần Thơ. Tương tự, giáo viên dạy Anh văn ở Trường Tiểu học Ngô Quyền hầu hết đều tốt nghiệp sư phạm Anh văn tại Trường Đại học Cần Thơ. Mặc dù vậy nhưng phần lớn giáo viên chưa qua khóa đào tạo chuyên biệt về dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học...

Khi nêu thắc mắc của phụ huynh về tình trạng phát âm tiếng Anh chưa chuẩn, chưa chính xác ở học sinh tiểu học, giáo viên ở các trường cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Cô Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường Tiểu học Ngô Quyền cho rằng: Mỗi một cá nhân có cách phát âm, giọng nói khác nhau vì vậy việc đánh giá cách phát âm của một người nào đó chưa đúng hoặc chưa chuẩn là không khách quan. Hơn nữa mỗi người có âm vực riêng cao - thấp khác nhau nên khi phát âm cũng khác nhau. Nhiều giáo viên cũng đồng tình với nhận xét của cô Thảo. Một cán bộ Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “Thực tế, không ít giáo viên tiểu học cũng cho rằng cách phát âm của một số giáo viên THCS, THPT chưa chính xác. Mỗi người có cách lập luận riêng và đều cho rằng mình đúng, trong khi ngành giáo dục vẫn chưa có cách kiểm định chính xác nên không thể xác định ai phát âm chuẩn, ai phát âm chưa chính xác”.

Hằng năm, ngành giáo dục thành phố đều dành thời gian tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Mặt khác, hầu hết giáo viên đều cho rằng chương trình tiếng Anh ở bậc tiểu học hiện nay không quá khó đối với giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học sư phạm. Và giáo viên nào cũng biết tầm quan trọng của việc giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ từ cấp 1. Bởi trẻ giống như tờ giấy trắng, việc hình thành cho trẻ thói quen phát âm đúng là nền tảng, có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc học ngoại ngữ của các em sau này. Việc dạy trẻ phát âm chưa chuẩn không đơn giản chỉ là hạn chế nhất thời mà hệ lụy của nó còn lâu dài, có khi ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Do vậy, trước thực tế nhiều phụ huynh phản ánh và sự đánh giá khác nhau của giáo viên giảng dạy ở các cấp, thiết nghĩ Sở GD& ĐT cần nhanh chóng có giải pháp để thẩm định và chấn chỉnh. Nên chăng tổ chức một hội đồng gồm những thầy cô giáo dạy giỏi để kiểm tra khả năng thực tế của giáo viên dạy ngoại ngữ từ bậc tiểu học, sau đó đến bậc THCS và THPT. Căn cứ vào kết quả đánh giá của hội đồng, Sở sẽ có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy đối với những giáo viên còn hạn chế. Việc làm này giúp những giáo viên dạy tốt phát huy khả năng của mình, đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học và các cấp học.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết