23/03/2021 - 05:20

Bàn giải pháp quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm khu vực ĐBSCL 

(CT) - Ngày 22-3, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ dự hội thảo tham vấn dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL” (Dự án) do nhóm nghiên cứu Dự án (Hà Lan) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức.

Theo các chuyên gia, tình trạng ngập nghẹt ở TP Cần Thơ một phần do ảnh hưởng của sụt lún đất.

Theo các chuyên gia, tình trạng ngập nghẹt ở TP Cần Thơ một phần do ảnh hưởng của sụt lún đất.

Dự án do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ, thực hiện 15 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2020. Dự án triển khai thực hiện tại 4 địa phương, gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng và Bến Tre nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách tìm ra các chiến lược phù hợp để giảm thiểu các thách thức trong quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm. Đến nay, Dự án đã hoàn thành khảo sát nghiên cứu điển hình tại 4 địa phương với các thông tin và phân tích cụ thể về hiện trạng sụt lún, quản lý và điều hành nước ngầm. Bên cạnh đó, Dự án lồng ghép nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc, cũng như các bài học bổ ích từ các địa phương trong quá trình triển khai Nghị định 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-12-2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận các giải pháp quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL. Theo các nhà nghiên cứu, khai thác quá mức nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún đất ở ĐBSCL. Do vậy, trước mắt, các địa phương cần triển khai nghiêm túc Nghị định 167/2018/NĐ-CP, xây dựng phương án khoanh định vùng khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm, như: sử dụng nguồn nước mặt, nước mưa; sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước ngầm; tăng cung cấp nước sạch cho người dân… Về lâu dài, thực hiện theo định hướng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, cải cách nền nông nghiệp, chuyển hướng sang nền nông nghiệp sạch hơn. Khi đó, phục hồi khả năng tự làm sạch của hệ thống sông ngòi và người dân có thể sử dụng nguồn nước từ sông, rạch, hạn chế khai thác nước ngầm…

Tin, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết