29/09/2008 - 20:52

Bàn chân có thể giúp chữa bệnh

Lòng bàn chân được các chuyên gia bấm huyệt ví như tấm gương phản chiếu toàn cơ thể. Bấm huyệt lòng bàn chân có tác dụng kích thích quá trình tự chữa lành bệnh của cơ thể. Mặc dù không phải là liệu pháp dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh trong Tây y, nhưng mới đây thuật bấm huyệt được áp dụng như liệu pháp bổ trợ trong quá trình điều trị tại các bệnh viện ở Anh. Louise Keet, trưởng khoa bấm huyệt Đại học Luân Đôn và là chuyên gia hàng đầu về bấm huyệt tại Anh giới thiệu thuật chữa bệnh được cho có từ thời Ai Cập cổ này.

Bấm huyệt là gì?

Bấm huyệt là thuật xoa bóp nhẹ lên các vùng huyệt ở bàn tay hoặc bàn chân nhằm mang lại cảm giác thư giãn và kích thích quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Phương pháp này tự nhiên, an toàn cho mọi độ tuổi, có thể tăng cường sinh lực, cải thiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn hơn. Bằng cách bấm huyệt chân, chúng ta kích thích 7.000 dây thần kinh ở bàn chân.

Tác động của bấm huyệt đối với cơ thể

Sơ đồ các huyệt ở lòng bàn chân và sự liên thông giữa các huyệt với các bộ phận trong cơ thể. 

Bấm huyệt dựa trên nền tảng các cơ quan nội tạng, dây thần kinh, tuyến nội tiết và các bộ phận khác của cơ thể liên thông với các huyệt ở lòng, mu, lườn bàn chân và bàn tay. Bằng cách dùng ngón tay cái, các ngón tay, bàn tay ấn và xoa bóp lòng bàn chân để kích thích các huyệt, bạn có thể tạo ra phản ứng trực tiếp lên vùng cơ thể có liên quan.

Chẳng hạn, khi bấm huyệt liên quan đến vùng đầu (trên ngón chân cái), bạn có thể kích hoạt quá trình tự làm lành tổn thương riêng của cơ thể nhằm giúp xoa dịu các cơn nhức đầu. Bàn tay phải và bàn chân phải đại diện phần cơ thể bên phải, trong khi bàn tay trái và chân trái tương thích phần cơ thể bên trái. So với bàn tay, bàn chân nhạy cảm với các động tác bấm huyệt hơn bởi các huyệt ở bàn chân dễ nhận dạng do diện tích của bàn chân lớn hơn.

Bấm huyệt theo vùng (ở chân)

Đây là nền tảng của thuật bấm huyệt hiện đại, trong đó các chuyên gia ấn hoặc xoa bóp các vùng đặc trưng ở bàn chân và bàn tay để kích thích tuần hoàn máu và xung thần kinh nhằm kích hoạt quá trình chữa lành khắp các vùng trong cơ thể. Cơ thể được chia thành 10 vùng theo chiều dọc. Mỗi ngón chân thuộc một vùng và có 5 vùng ở mỗi bàn chân. Trong những vùng này, năng lượng di chuyển lên và xuống một cách tự do giữa tất cả các bộ phận trong cơ thể, qua đó giúp nội tạng, cơ, dây thần kinh, tuyến nội tiết và hệ tuần hoàn máu hoạt động hài hòa và ở mức tối ưu đối với sức khỏe. Một khi bị tắc nghẽn, năng lượng của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến nội tạng hoặc cơ quan thuộc vùng đặc trưng đó.

Bấm huyệt và tuần hoàn máu ở chân

Căng thẳng tinh thần (stress), tư thế (đứng hoặc ngồi) không đúng và mang giày dép không đúng kích cỡ tất cả đều ảnh hưởng không tốt đến quá trình lưu thông máu, khiến hoạt động của hệ tuần hoàn và bạch huyết trở nên chậm chạp. Điều này có nghĩa những vết lở loét ở bàn chân hoặc cẳng chân có thể mất nhiều tuần mới lành. Chưa kể khi đó nguồn máu giàu ôxy, dưỡng chất và tế bào bạch cầu sẽ gặp khó khăn trong quá trình di chuyển đến các vùng ở bàn chân để chống nhiễm trùng, tiêu diệt mầm bệnh và loại bỏ chất độc. Việc thường xuyên bấm huyệt chân có thể giúp bàn chân khỏe mạnh cũng như cải thiện sự tuần hoàn máu của toàn thân.

Bấm huyệt và hệ xương

Bấm huyệt có thể giúp phân phối, hấp thụ vitamin D và các khoáng chất vào xương giúp hệ xương chắc khỏe. Ngoài ra, bấm huyệt còn có tác dụng xoa dịu các khớp đau nhức do bệnh viêm thấp khớp, cải thiện khả năng đi lại và giúp làm lành vết nứt trong xương.

TUYẾT HỒNG (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết