12/11/2019 - 09:02

Bàn cách đưa tác phẩm văn học- nghệ thuật đến với công chúng 

Đội ngũ văn nghệ sĩ Cần Thơ không ngừng lớn mạnh, các tác phẩm văn học - nghệ thuật (VH-NT) ra đời ngày càng nhiều. Thế nhưng, làm thế nào để các tác phẩm đến với công chúng? Vấn đề này được làm rõ tại Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá tác phẩm VH-NT trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ vừa tổ chức.

Nhận diện khó khăn

Hiện nay, Liên hiệp các Hội VH-NT Cần Thơ có 9 Hội chuyên ngành với trên 600 hội viên. Đó là chưa kể các văn nghệ sĩ không chuyên hoặc không tham gia vào các hội. Tuy nhiên, các đại biểu đều chỉ ra những khó khăn trong công tác giới thiệu, quảng bá tác phẩm VH-NT hiện nay, bởi số tác phẩm tạo tiếng vang chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, một số ít được chọn dàn dựng, trình diễn trong các chương trình, sự kiện của thành phố; phần lớn các tác phẩm đều chỉ dừng lại ở việc in sách, đăng báo, tạp chí hoặc trang mạng xã hội cá nhân. Báo cáo đề dẫn của Ban tổ chức cũng chỉ rõ: Chưa có nhiều sân chơi để văn nghệ sĩ thể hiện, số lượng tác phẩm được quảng bá đến công chúng còn rất hạn chế.

Các hội thi, hội diễn liên hoan cấp thành phố là cơ hội để quảng bá tác phẩm VH-NT của Cần Thơ. Trong ảnh: Liên hoan ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm Xuân năm 2019.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Cần Thơ, soạn giả Nguyễn Thành Kiên cho rằng: Thời kỳ bùng nổ thông tin, các phương tiện nghe nhìn, phim ảnh, phát thanh, truyền hình, mạng internet… lấn át hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là sân khấu, một cách quyết liệt. Trình độ thưởng thức của công chúng ngày càng cao. Đây là những thách thức không nhỏ.

Ở một phương diện khác, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, ông Vũ Thống Nhất bày tỏ lo ngại khi một bộ phận người sáng tác VH-NT có xu hướng xa rời các giá trị đạo đức, sùng bái lối sống hưởng thụ… khi tập trung quá nhiều vào các hành vi lệch chuẩn, bạo lực, hời hợt về ý tưởng và cách thể hiện.

Điều gây băn khoăn nữa là chế độ đãi ngộ, thù lao cho tác phẩm VH-NT hiện nay. Nghệ nhân ưu tú Minh Thơ cho rằng, việc quan tâm đến đội ngũ truyền nghề, khuyến khích người trẻ học nghề, nâng cao chế độ nhuận bút, khen thưởng… sẽ giúp đờn ca tài tử phát triển hơn nữa. Còn Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: “Làm sao đủ cảm hứng sáng tạo khi một tác phẩm được in ấn với mức nhuận bút bèo bọt và khi mà giải Nhất một cuộc thi thơ cấp thành phố chỉ hơn 600.000 đồng”.

Những đề xuất

Câu chuyện của Tiến sĩ Lê Thị Vân (Trường Đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh) mang đến hội thảo khá thú vị: “Khi không cạnh tranh nổi với truyền thông, văn học phải làm thế nào?”. Câu trả lời là hãy “kết duyên”. Bà Vân nêu ví dụ về thành công của nữ nhà văn Di Li, mỗi sự kiện cô ra mắt sách đều như một doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới: có MC nổi tiếng, có các nhà phê bình văn học tên tuổi, thậm chí còn mời cả Đại sứ các nước đến dự. Tin tức trên truyền thông về sự kiện dày đặc và thế là tác phẩm của Di Li liên tục trở thành bestseller (sách bán chạy) như “Trại hoa đỏ”, “Câu lạc bộ số 7”, “Adam và Eva”… Ở khía cạnh quảng bá tác phẩm VH-NT trên truyền hình, mạng internet, Tiến sĩ Lê Thị Vân lại cho rằng nên có một cuộc “kết duyên” khác, giữa ý tưởng, kịch bản với công nghệ.

Soạn giả Nguyễn Thành Kiên chỉ ra 4 yếu tố để nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật, đó là: chất lượng tác phẩm, diễn viên, đạo diễn và kỹ thuật sân khấu. Trong đó, chất lượng tác phẩm giữ vị trí tiên phong bởi “có bột mới gột nên hồ”. Để có được điều này, theo ông Kiên, các văn nghệ sĩ cần học hỏi, trau dồi, bên cạnh việc giao lưu, tìm cảm hứng sáng tác dựa trên nền tảng kiến thức và tư duy nghệ thuật.

Để tác phẩm đến với công chúng, thì việc “tự thân vận động” của đội ngũ sáng tác được nhiều đại biểu nêu ra. Soạn giả Nhâm Hùng cho rằng: Muốn cuộc thi có giải thưởng cao, có chương trình quy mô, nổi bật thì văn nghệ sĩ không chỉ trông chờ vào ngân sách mà phải phát huy nguồn lực, vận động xã hội hóa… bên cạnh nâng cao chất lượng tác phẩm. Soạn giả Nguyễn Thành Kiên nhấn mạnh: “Cần nhận thức một cách toàn diện rằng, xã hội hóa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp là đưa hoạt động nghệ thuật có giá trị cao đến với công chúng”.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo cũng cho rằng, giữa VH-NT và báo chí, truyền thông có khoảng cách rất gần, đôi khi lằn ranh rất mong manh. Có lẽ vậy mà có những thuật ngữ sóng đôi: ảnh báo chí/ ảnh báo chí nghệ thuật; bút ký văn học/ bút ký báo chí… Hơn ai hết, văn nghệ sĩ hãy là một nhà truyền thông tốt nhất cho chính mình vì họ hiểu thế mạnh, điểm yếu trong tác phẩm để có cách quảng bá phù hợp. Từ đó khéo léo kết hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp sức cho tác phẩm VH-NT bay cao, bay xa.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết