11/02/2011 - 20:07

Bài toán qui hoạch và hợp tác

Sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thực hành tin học tại cơ sở mới của trường (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: B. NG

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) ở ĐBSCL luôn là câu chuyện thời sự nóng bỏng. Năm 1999, lần đầu tiên hội nghị về phát triển GD-ĐT vùng ĐBSCL được tổ chức tại Tiền Giang đã khiến mọi người hết sức ngỡ ngàng trước thông tin: mặt bằng GD ĐBSCL chỉ ngang bằng Tây nguyên. Nguyên nhân được phân tích, nhiều giải pháp được nêu ra. Thế nhưng, 5 năm sau- năm 2004, hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Cần Thơ đã đánh giá: ĐBSCL vẫn là vùng trũng GD của cả nước và GD ĐBSCL đang ở mức thấp hơn cả Tây nguyên.

Vì vậy, tăng cường đầu tư phát triển GD- ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL là một nhu cầu bức thiết. Bởi lẽ đó, những năm gần đây, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, vùng châu thổ này đón nhận sự ra đời hàng loạt trường đại học, công lập có, tư thục có. Nếu như năm 2000, cả vùng chỉ có 3 trường đại học thì nay con số này đã lên đến trên 10 trường. Và không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trường đại học đang được xúc tiến thành lập. Tháng 11- 2010, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành tờ trình xin thành lập Trường Đại học Cà Mau trên cơ sở ghép Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau và Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Ở thời điểm cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Hàng hải tại tỉnh Bến Tre và Trường Đại học ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Các dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ thành trường đại học cũng đang được đẩy mạnh với những công trình xây dựng cơ bản hàng chục tỉ đồng, những chương trình ĐT, thu hút đội ngũ giảng viên...

Đó là tín hiệu vui. Thế nhưng kèm theo đó cũng là nỗi lo. Lo vì thành lập được trường đại học đã khó nhưng để duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐT của trường là chuyện còn khó hơn. Phần lớn các trường đại học công được thành lập mới trong những năm gần đây là được nâng cấp từ những trường cao đẳng. Vì vậy, hầu hết đó là những trường đại học “hàng tỉnh”- trường đại học trực thuộc địa phương. Còn nhớ tại một hội nghị về GD ĐBSCL được tổ chức tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã cảnh báo tình trạng nhiều tỉnh- thành nôn nóng có trường đại học nên khi trình đề án cho Bộ đều khẳng định ngân sách của tỉnh sẽ “nuôi” trường. Liệu điều này có khả thi bởi GD không thể tách rời kinh tế? Từng trải nghiệm với Trường Đại học An Giang, Giáo sư Võ- Tòng Xuân cũng đã khẳng định tỉnh không thể nào đủ khả năng đầu tư xây dựng một trường đại học tầm cỡ. Đặc biệt, đối với một tỉnh nông nghiệp, lại càng không có khả năng đó. Một thực tế ở ĐBSCL thời gian qua cho thấy nhiều trường đại học ra đời nhưng trong danh mục ĐT của các trường, rất ít các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ cao. Phần lớn danh mục ĐT của các trường trùng lắp nhau, tập trung vào các ngành không phải đầu tư nhiều về trang thiết bị thí nghiệm, thực hành. Điều này cũng dễ hiểu bởi nguồn lực của các trường khó có thể đáp ứng yêu cầu ĐT các ngành kỹ thuật, công nghệ cao. Trong khi, đó là yếu tố quan trọng để công nghiệp hóa- hiện đại hóa ĐBSCL.

Như vậy, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL? Tại nhiều hội nghị GD khu vực, vấn đề hợp tác- phân công ĐT giữa các trường đại học, cao đẳng đã được đặt ra. Thế nhưng, thời gian qua, sự hợp tác dường như chỉ dừng lại ở mức độ trường có kinh nghiệm, có tiềm lực giúp trường mới ra đời xây dựng chương trình ĐT, chi viện giảng viên... Nếu có qui hoạch ĐT cụ thể cộng với hợp tác- phân công chặt chẽ, mỗi trường phụ trách ĐT một số ngành, chuyên ngành gắn với thế mạnh trên địa bàn chắc chắn sự đầu tư sẽ tập trung hơn, chất lượng ĐT được nâng lên. Tuy nhiên, để làm được như thế, GD-ĐT ĐBSCL cần có một “nhạc trưởng”.

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia GD cho rằng mô hình phù hợp nhất đối với phát triển GD-ĐT ở ĐBSCL chính là trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường đại học cộng đồng. Với tính linh hoạt, mềm dẻo, ĐT đa lĩnh vực- đa ngành- đa cấp- đa hệ, mô hình trường cộng đồng cung cấp cho người học nhiều cơ hội học tập ở nhiều thời điểm và bằng nhiều cách thức khác nhau. Những yếu tố này rất phù hợp với điều kiện thực tế của ĐBSCL: mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn... Chính vì vậy, tại hội nghị phát triển GD-ĐT ĐBSCL lần thứ 2, Chính phủ đã chấp thuận kiến nghị của một số nhà khoa học: đưa việc mở rộng hệ thống trường cao đẳng cộng đồng ở 13 tỉnh- thành trong vùng vào kế hoạch phát triển GD ĐBSCL đến năm 2010. Thế nhưng, hiện nay, gần một nửa số tỉnh- thành của khu vực không có trường cao đẳng cộng đồng hoặc nếu có thì đã sáp nhập để nâng cấp lên thành trường đại học. Thực tế cũng cho thấy, các trường cộng đồng gặp không ít khó khăn trong hoạt động do hầu hết các trường cao đẳng, đại học hiện nay đều ĐT đa ngành, đa cấp, đa hệ thậm chí cả ĐT liên thông, phá vỡ đặc trưng của trường cộng đồng. Trên địa bàn của một tỉnh- thành có rất nhiều trường- trung tâm ĐT nghề, từ trường- trung tâm do ngành GD-ĐT quản lý đến trường- trung tâm do các ngành khác (ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) quản lý. Mặc dù nhiều trường thì cơ hội học tập của người dân càng cao nhưng sẽ dẫn đến sự đầu tư dàn trải, manh mún, nhất là khi ngân sách và nguồn nhân lực của các địa phương có hạn. Theo các chuyên gia GD, vấn đề cần làm chính là các địa phương nên xác định nhu cầu nguồn nhân lực, qui hoạch lại trường lớp theo hướng trường cao đẳng hoặc cộng đồng ở từng tỉnh- thành là nơi tập hợp nhiều cơ sở ĐT nghề và phải được đầu tư tương xứng để đảm bảo chất lượng ĐT. Như vậy, bài toán vẫn là qui hoạch và hợp tác.

ĐBSCL- vùng đất hơn 17 triệu dân với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng bao năm qua vẫn vướng mắc bởi hạn chế về nguồn nhân lực. Để ĐBSCL phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng, cần phải giải cho được bài toán phát triển GD-ĐT. Ngân sách đầu tư cho GD-ĐT dù có tăng nhưng cũng không thể vượt quá ngưỡng cho phép chung. Vấn đề là qui hoạch cụ thể, lựa chọn phù hợp để sử dụng nguồn đầu tư một cách hiệu quả nhất, tránh kiểu đầu tư manh mún, dàn trải để rồi hệ quả là nhiều trường ra đời nhưng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng cán bộ giảng viên, đào tạo trùng lắp, chất lượng đào tạo thấp.

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết