23/04/2009 - 07:56

Những sai phạm tại Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ:

Bài học đắt giá về sự buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cá nhân, đơn vị chưa thực hiện nghiêm chủ trương này. Vừa qua, Đoàn kiểm tra Thành ủy đã tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (thời gian kiểm tra trong 2 năm 2006 - 2007) tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ. Kết quả kiểm tra cho thấy Ban lãnh đạo LĐLĐ thành phố đã có nhiều sai sót trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác quản lý và sử dụng tài chính không đảm bảo công khai, chứng từ không đúng quy định, quyết toán khống... phải thu hồi, xuất toán hơn 1,46 tỉ đồng (số liệu trong bài được làm tròn).

CHIẾM DỤNG TIỀN NGÂN SÁCH

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chế độ chi tiêu của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, ngày 28-4-2006, LĐLĐ thành phố đã ban hành Quy định số 227/QĐ-LĐLĐ quy định các chế độ chi cho hoạt động tại LĐLĐ thành phố. Tuy nhiên, đơn vị không tuân thủ đúng quy định này, dẫn đến việc quản lý và sử dụng nguồn Ngân sách Công đoàn tại đơn vị có nhiều sai phạm, như: dùng Ngân sách Công đoàn để chi tham quan, du lịch; thanh toán tiền ăn sáng, tiền ăn dọc đường đi cho cán bộ đi công tác và tiền điện thoại cho lãnh đạo đơn vị không đúng quy định. Theo số liệu của Đoàn kiểm tra, chỉ trong năm 2006, đơn vị đã chi gần 114 triệu đồng để tặng quà, tổ chức liên hoan, bồi dưỡng cho Ban Thường vụ Liên đoàn và cán bộ công nhân viên của cơ quan. Dự toán thu chi ngân sách công đoàn TP Cần Thơ của 2 năm 2006 và 2007 được phê duyệt không có các khoản mục mua sắm, sửa chữa tài sản cố định. Tuy nhiên, trong 2 năm, đơn vị đã mua sắm tài sản với số tiền 191 triệu đồng, hồ sơ mua sắm có mặt chưa tuân thủ đúng quy định.

Kiểm tra ngẫu nhiên một số nội dung chi của năm 2008, Đoàn kiểm tra đã phát hiện đơn vị còn thực hiện một số khoản thanh toán khống nhằm chiếm dụng ngân sách. Cụ thể: Trong quá trình tổ chức Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ VIII, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội (sai thẩm quyền) gồm 21 đồng chí, chi phí bồi dưỡng mỗi đồng chí là 1.050.000 đồng, tổng cộng hơn 22 triệu đồng. Tuy nhiên, qua xác minh, nhiều đồng chí không biết mình có trong Ban Chỉ đạo và cũng không có nhận tiền. Khen thưởng 4 đơn vị được nhận cờ thi đua 5 năm (2003-2008) của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, LĐLĐ thành phố tặng mỗi đơn vị nhận cờ 1 phần quà trị giá 500 ngàn đồng, nhưng quyết toán số tiền đến 2,5 triệu đồng/ đơn vị. Khen thưởng cờ thi đua 5 năm (2003-2008) của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố cho 20 đơn vị, LĐLĐ thành phố ban hành đồng thời 2 quyết định, một quyết định thực tế tặng kèm 350 ngàn đồng/ đơn vị nhận cờ và một quyết định tặng kèm 2 triệu đồng/ đơn vị nhận cờ để quyết toán khống. Bằng việc thanh toán khống 2 khoản tiền trong công tác khen thưởng, ngân sách đã bị chiếm dụng 41 triệu đồng.

Quá trình kiểm tra tài chính cho thấy đơn vị không thực hiện đúng nguyên tắc nghiệp vụ chi xuất tiền mặt. Theo báo cáo của đơn vị, đến ngày 10-2-2009, số tiền mặt còn dư trên sổ sách là 2,59 tỉ đồng, nhưng thực tế kiểm tra tiền mặt tại đơn vị chỉ có gần 297 triệu đồng, số còn lại đơn vị đã gửi tiết kiệm không ra phiếu, mua công trái, cho tạm ứng ngoài sổ sách gần 391 triệu đồng...

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN QUỸ LỎNG LẺO, TÙY TIỆN

Kết luận kiểm tra nêu rõ: Là một trong những tổ chức được phép huy động nguồn lực xã hội để chăm lo về tinh thần và vật chất cho người lao động, nhưng lãnh đạo LĐLĐ TP Cần Thơ quản lý các nguồn quỹ lỏng lẻo, có mặt tùy tiện, dùng các nguồn quỹ đang quản lý để cho vay, cho mượn, hỗ trợ, chi xài sai mục đích, sai đối tượng với số tiền lớn.

Qua “Tấm Lòng vàng” Công đoàn Cần Thơ được hình thành theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Cần Thơ trước đây, mục đích chính là thực hiện các hoạt động trợ giúp công nhân lao động nghèo. Trong 2 năm 2006, 2007, số tiền quản lý tại quỹ này lên đến 3,48 tỉ đồng. Mặc dù số tiền lớn, nhưng LĐLĐ không xây dựng kế hoạch phân bổ chi tiêu hàng năm, không thực hiện quyết toán và công khai quỹ, sử dụng quỹ sai nguyên tắc, sai mục đích. Kiểm tra cho thấy: Trong tổng số 2,5 tỉ đồng chi từ quỹ Tấm lòng vàng trong 2 năm 2006 và 2007, có đến 82 triệu đồng chi chứng từ không hợp lệ. Năm 2006, đơn vị đã dùng quỹ này cho Nhà nghỉ Công đoàn mượn 200 triệu đồng và một cá nhân mượn 17,5 triệu đồng (không thu lãi), chiếm 26,8% tổng chi trong năm. Năm 2007, đơn vị tiếp tục dùng nguồn quỹ này cho Nhà nghỉ Công đoàn mượn 670 triệu đồng, cho Nhà Văn hóa Lao động mượn 100 triệu đồng, có thu lãi (chiếm 45,7% tổng chi). Theo Nghị định 177/1999/NĐ -CP của Chính phủ, tiền của các nguồn quỹ xã hội – từ thiện phải được theo dõi trong tài khoản của kho bạc hoặc ngân hàng, nhưng đơn vị lại dùng toàn bộ số tiền còn lại gửi tiết kiệm do thủ quỹ đứng tên. Cá biệt, ngày 27-10-2006, đơn vị dùng Quỹ Tấm lòng vàng chi cho một cá nhân mượn 600 triệu đồng, chiếm 60,26% tổng số tiền hiện có thời điểm đó, đến tháng 12-2008 mới hoàn trả. Số tiền cho mượn này để ngoài sổ sách và không tính lãi đến ngày 15-11-2006, giai đoạn sau tính lãi bằng lãi tiền gửi ngân hàng. Toàn bộ số tiền lãi thu được trong năm 2006, Lãnh đạo LĐLĐ “sung” vào quỹ phúc lợi, chủ yếu để chi cho cán bộ, công nhân viên đang công tác tại LĐLĐ thành phố.

Mục đích của Quỹ Trợ vốn LĐLĐ thành phố nhằm trợ vốn cho công nhân viên chức lao động nghèo tạo việc làm, tuy nhiên, số lượt phát vay cho CNVC đang công tác tại LĐLĐ thành phố chiếm một lượng lớn. Cụ thể, năm 2006, CNVC công tác tại đơn vị vay 14,5% tổng số tiền phát vay, năm 2007 là 21,06%. Cá nhân công tác tại LĐLĐ thành phố cũng được “ưu ái” vay tối đa 20 triệu đồng/ lượt, trong khi cá nhân bên ngoài chỉ có 5 triệu đồng/ lượt vay. Tương tự, việc quản lý và sử dụng một số nguồn quỹ khác như Quỹ “Phụ nữ nghèo”, Quỹ “Giáo dục”, Quỹ “Phòng khách” tại LĐLĐ thành phố cũng có sai phạm, như không xây dựng quy chế chi tiêu, quản lý chứng từ sổ sách chưa đúng quy định, cho vay không đúng đối tượng...

Đối với quỹ “Lớp học”, từ việc thu học phí của học viên các lớp học do LĐLĐ TP Cần Thơ kết hợp với Trường Đại học Công đoàn Việt Nam tổ chức, Đoàn kiểm tra xác định thực ra chỉ là “thu hộ, chi hộ”. Việc thu chi đã được quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo giữa 2 đơn vị. Tuy nhiên, LĐLĐ thành phố đã lạm dụng sự quản lý của mình để thực hiện nhiều khoản chi không đúng quy định, như chi bồi dưỡng cán bộ quản lý lớp (thực chất là bồi dưỡng một số cán bộ LĐLĐ thành phố) và trích nộp “Quỹ phúc lợi” của đơn vị với tổng số tiền hơn 53 triệu đồng, tổ chức những buổi liên hoan với chi phí rất tốn kém (hơn 39 triệu đồng); nhiều trường hợp thanh toán không chứng từ hoặc chứng từ không hợp lệ. Đáng nói là trong quá trình kiểm tra, LĐLĐ thành phố không cung cấp được các văn bản của UBND thành phố cho phép mở các lớp học này.

Một điều trái khoáy là theo quy định, các công đoàn cơ sở trực thuộc phải trích nộp 30% kinh phí công đoàn về LĐLĐ thành phố, nhưng chính công đoàn cơ sở cơ quan LĐLĐ thành phố lại không thực hiện đúng quy định này, mà giữ lại toàn bộ kinh phí để chi cho hoạt động công đoàn cơ quan.

LẬP QUỸ TRÁI PHÉP

Từ tiền lãi gửi tiết kiệm của các nguồn quỹ và từ nhiều khoản thu khác, như tiền cho thuê mặt bằng, tiền điều tiết từ Nhà nghỉ Công đoàn, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm, kinh phí từ việc cho thuê phòng khách, tiền vận động xuất bản đặc san còn thừa... LĐLĐ thành phố tự ý thành lập “Quỹ phúc lợi”. Trong hai năm 2006, 2007, số tiền trong quỹ này trên 646 triệu đồng, đã chi 733 triệu đồng (vượt 87 triệu) vào việc ăn uống, bồi dưỡng, mua quà, cho mượn... phục vụ lợi ích cục bộ của cán bộ công chức tại LĐLĐ thành phố. Theo nhận định của Đoàn kiểm tra, “Quỹ phúc lợi” do lãnh đạo LĐLĐ tự lập không đúng theo quy định của pháp luật. Các chứng từ thu, chi từ quỹ này cũng không theo quy định, chủ yếu là chứng từ viết tay, hóa đơn lẻ hoặc không có chứng từ.

Bên cạnh việc vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng các nguồn quỹ, LĐLĐ thành phố còn vi phạm nghiêm trọng chủ trương của Thành ủy về việc quản lý và sử dụng tiền nhân dân ủng hộ nạn nhân vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ, số tiền vận động được không nộp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố mà tự ý giữ lại trên 435 triệu đồng để gửi tiết kiệm lấy lãi. Khi có sự phản ánh của dư luận, đơn vị mới trả lại số tiền lãi vào nguồn tiền này. Điều đáng nói hơn là khi báo cáo số tiền vận động được gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, đơn vị đã báo giảm số tiền thu được hơn 19 triệu đồng, tăng số chi lên 146 triệu đồng. Đoàn kiểm tra còn phát hiện mất 3 tờ phiếu thu, một số phiếu chi không có chữ ký của kế toán và thủ trưởng đơn vị. Số tiền các đơn vị, công đoàn cơ sở vận động được để ủng hộ nạn nhân bị ảnh hưởng cơn bão tại Myamar và động đất tại Tứ Xuyên – Trung Quốc, đơn vị cũng tự ý giữ lại một phần, đến lúc kiểm tra (tháng 3-2009) mới nộp Hội Chữ thập đỏ thành phố. Khi Đoàn kiểm tra phát hiện, Ban Kinh tế chính sách xã hội của LĐLĐ thành phố đã có hành vi sửa ngày tháng trên chứng từ nộp tiền để đối phó với Đoàn kiểm tra.

BÀI HỌC ĐẮT GIÁ VÀ HƯỚNG XỬ LÝ

Qua kiểm tra tại LĐLĐ thành phố, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu thu hồi, xuất toán trên 1,46 tỉ đồng. Trong đó, xuất toán, thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước trên 130,6 triệu đồng, nộp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố trên 451 triệu đồng, nộp Ngân sách Công đoàn trên 238 triệu, nộp lại Quỹ Tấm Lòng vàng hơn 639 triệu đồng và nộp Quỹ trợ vốn LĐLĐ 5 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị tính và thu hồi tiền lãi của các nguồn quỹ mà đơn vị đã cho vay không đúng quy định để nộp trả lại.

Các sai phạm trên cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo tại LĐLĐ thành phố chưa làm tốt vai trò cao quý là chủ thể đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động. Theo đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên nhân những sai phạm trên chủ yếu là do đội ngũ cán bộ lãnh đạo của LĐLĐ thành phố đã buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc bố trí phân công nhiệm vụ bộ phận tham mưu chưa đúng, năng lực cán bộ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận cán bộ tại LĐLĐ thành phố chưa thể hiện tính tiền phong gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua, các cơ quan chức năng có liên quan đã thiếu kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính tại đơn vị, đặc biệt là việc quản lý sử dụng các nguồn quỹ, vì thế đã để tình trạng sai phạm kéo dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lòng tin và gây bất bình trong công nhân viên chức lao động thành phố.

Đồng chí Phạm Thanh Vận cho biết: “Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu LĐLĐ thành phố và các đơn vị có liên quan chậm nhất là đến ngày 11-6-2009 phải hoàn tất việc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, vai trò cá nhân, tập thể, đề ra hướng xử lý kỷ luật và khắc phục hậu quả đối với Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố và những cán bộ có liên quan”.

H.T

Chia sẻ bài viết