03/10/2018 - 20:44

Bạo lực “vấy bẩn” bóng đá Indonesia 

Từ chuyện CĐV bị đánh chết cho đến các đội bóng phải di chuyển dưới sự bảo vệ của xe bọc thép, bóng đá Indonesia bị cho là đang nhuốm màu bạo lực nhất châu Á.

Cuối tháng 9, việc một CĐV 23 tuổi của CLB Persija Jakarta bị nhóm CĐV của đội kình địch Persib Bandung tấn công đến chết đã gây sốc quốc gia Đông Nam Á. Vụ việc này một lần nữa phơi bày vấn nạn hooligan mà giới chức Indonesia đã rất đau đầu trong nhiều thập niên qua. Haringga Sirla là nạn nhân thứ 70 thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến bóng đá ở Indonesia kể từ năm 1994, tức mỗi năm có khoảng 3 người chết, theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Save Our Soccer. Đây là trường hợp tử vong thứ 7 trong những năm gần đây do mối thù sâu nặng đến mức các CĐV Persija từng được khuyến cáo không nên đến sân của Persib ở Tây Java.

Các CĐV quá khích của CLB Sriwijaya FC ném ghế xuống sân khi đội nhà thua Arema FC tại giải Liga 1 hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Sau sự cố trên, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tạm ngưng các hoạt động bóng đá, đồng thời tuyên bố sẽ dẹp trừ vấn nạn bạo lực. Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ Thể thao, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải lên tiếng yêu cầu PSSI xử lý triệt để tình trạng trên. Giới chức bóng đá cam kết xem xét lại khâu an ninh của 18 đội bóng dự Liga 1 và nhà điều hành giải đấu. Tuy nhiên, trước đây PSSI cũng nỗ lực nhưng rốt cuộc mọi chuyện đâu lại vào đấy. Do vậy, không nhiều người tin lần này PSSI - tổ chức thường bị tố tham nhũng và quản lý yếu kém - có thể giải quyết dứt điểm. Còn theo chia sẻ của Dex Glenniza, giám đốc trang web Pandit Football, vấn đề là do chế tài không đủ mạnh, nên các đội “chưa” rút ra bài học trong quá khứ. Hồi hè, các CĐV nước này đã ném gạch đá và chai nhựa vào các cầu thủ Malaysia sau khi đội nhà thua trong trận bán kết giải U19 AFF Cup.

 Nạn bạo lực ở xứ vạn đảo đã trở thành vấn đề nhức nhối lâu nay khi CĐV của những CLB hàng đầu Indonesia khét tiếng bởi hành vi xấu, bài hát với lời lẽ bạo lực trong sân và thâm thù với nhau. Thật ra, nhiều hooligan không mấy quan tâm đến diễn biến trên sân, mà chỉ thích lăm le kiếm chuyện với đối thủ. Còn ngoài sân, tình hình an ninh xấu đến mức cầu thủ của những “kỳ phùng địch thủ” như Persib và Persija đôi khi di chuyển đến sân với sự hộ tống của các thiết vận xa. Trong tương lai, hai đội bóng này có thể buộc phải thi đấu ở thành phố thứ ba, cách xa sân nhà của họ.

Nước Anh từng có lịch sử đen tối về bạo lực bóng đá. Tuy nhiên, người Anh xử lý vấn nạn này bằng cách triển khai các biện pháp an ninh mới và tiên tiến. Chẳng hạn, hệ thống bán vé vào sân của họ ứng dụng thuật toán để phát hiện những vấn đề tiềm tàng, trước khi CĐV mua vé trực tuyến bằng chứng minh thư do chính phủ cấp. Khi vào sân, CĐV đội khách được bố trí ở khu vực khán đài nhỏ, an toàn hơn và cũng có lối ra vào. Họ phải đi theo nhóm, không đi riêng lẻ, để thuận tiện quản lý.

Dù vậy, áp dụng giải pháp trên ở Indonesia không dễ bởi nhiều CĐV nước này thường vào sân mà không có vé gì cả. Đêm xảy ra sự cố của Sirla, có gần 50.000 CĐV có mặt trong sân vận động mà sức chứa của nó chỉ 38.000 chỗ ngồi. Theo giới chức Persib, số vé bán ra là 36.500 vé. Điều này có nghĩa 13.500 người đã vào sân “lậu”, nên dù có trang bị hệ thống an ninh như Anh cũng “bó tay”. 

BÌNH DƯƠNG (Theo AFP, VICE)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
IndonesiaAFF Cup