 |
Bà Sáu và hai người con bệnh tật; còn người con lớn bị tâm thần nặng thường bỏ nhà đi lang thang. |
Nhiều người ở Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ thỉnh thoảng vẫn thấy 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Sáu (tên thường gọi là bà Sáu Bến Tre) đến bệnh viện để điều trị bệnh. Điều đáng nói là những người con của bà Sáu khi đi đến bệnh viện đều cảm thấy rất vui vẻ, như con nít thích được mẹ dẫn đi chợ chơi, bởi đơn giản là khi đến bênh viện thì được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc và nhất là... không bị đói cơm.
Bà Sáu Bến Tre quê gốc ở Bến Tre. Ngày xưa, hai vợ chồng bà sinh sống trôi nổi trên một chiếc xuồng “năm quăng” (chỉ loại xuồng nhỏ bằng gỗ tạp, chỉ sử dụng được trong 1 năm). Mấy người con của bà Sáu lần lượt ra đời cũng trên chiếc xuồng ấy. Ngày ngày, vợ chồng bà đi làm thuê, làm mướn như cắt cỏ, đào đất... Hai ông bà làm quần quật như thế mà vẫn không đủ tiền mua gạo cho các con ăn. Rồi đến một ngày, chồng bà vì cực khổ, lao lực mà sinh bệnh, chết. Bà Sáu một mình nuôi bảy người con, rồi thì đứa lớn đi làm thuê nuôi đứa nhỏ. Mấy mẹ con bà vẫn lênh đênh trên sông nước, dần dần trôi dạt đến xã Hỏa Lựu, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thì chiếc xuồng bị mục, hư nên mấy mẹ con bà Sáu dắt díu nhau lên bờ xin bao bố, bao nylon của hàng xóm che chòi ở tạm. Rồi các con của bà Sáu dần lớn lên, những tưởng chúng sẽ là nơi nương tựa, giúp đỡ bà lúc tuổi già, thế nhưng, bà Sáu vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó, khốn khổ khi hai trong bảy người con của bà bị bệnh tâm thần, một người bị câm điếc bẩm sinh. Ba người con lành lặn thì lên TP Hồ Chí Minh đi làm thuê, còn nghèo khó nên rất ít về thăm bà; còn một chị gái thì ở gần nhà bà nhưng vẫn không giúp đỡ được gì vì con rể thường lời ra tiếng vào. Chỉ còn lại bà ở tuổi 75, ngày ngày phải đi mua chuối hột về ép, phơi khô để bán cho những người mua về ngâm rượu. Bà bán chuối hột, mỗi ký lời được 2.000 đồng. Sức bà có hạn, không làm được nhiều, có lúc khi mua chuối bị cân thiếu, bà cũng không biết vì mắt đã kém nên buôn bán không lời nhiều. Bán chuối được đồng nào bà gom góp, tiết kiệm, tằn tiện mua gạo về nuôi các con. Thường ngày, bữa cơm của bà Sáu và ba người con là cơm với mắm ruốc. Bà nói: “Bọn nó vậy mà ăn khỏe lắm, bao nhiêu cũng ăn hết mà không phải nhà lúc nào cũng có đủ gạo để nấu nên bà thường ra ruộng để hái rau nấu ăn cho qua bữa...”. Tọi nghiệp cho bà Sáu, ngần ấy tuổi già mà phải chăm sóc những người con lớn tuổi, bệnh tật như mấy đứa con nít. Người con bị câm điếc bẩm sinh năm nay đã 54 tuổi; người bị tâm thần năm nay 38 tuổi, còn đứa con út thần kinh kém phát triển và bị động kinh cũng đã 36 tuổi. Người bị tâm thần nặng thường bỏ nhà đi lang thang, gặp gì ăn nấy, lúc lên cơn thì trèo lên vách nhà gỡ đinh, bà Sáu la mắng thì leo xuống đánh bà...
Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà Sáu, nhiều người cũng đã giúp đỡ gia đình bà ít nhiều, khi thì mấy ký gạo, khi thì vài bộ quần áo và ít tiền. Đó là những lúc bà dẫn các con lên Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ để chữa bệnh cho người con bị động kinh. Thường thì bà dẫn theo luôn hai người con bị tâm thần vì sợ để ở nhà con bà bỏ nhà đi lang thang, không ai chăm sóc. Vì nghèo đói, lại không có tiền nên bà thường xin cơm thừa ở căng-tin hoặc các quán cơm, đem về phơi khô để dành cho con ăn dần. Có lần, các bác sĩ bệnh viện bắt gặp, dặn bà từ nay không được ăn cơm cặn như thế nữa vì ăn cơm đó, con bà sẽ bệnh nặng thêm. Y sĩ Nguyễn Thị Lưu cho biết: “Hoàn cảnh của bà Sáu rất khó khăn và rất đáng thương. Ba người con của bà đều không khỏe mạnh và bình thường nên bà phải chăm sóc như ba đứa trẻ. Hơn mười năm nay, bà đều dẫn các con đến bệnh viện để chữa bệnh, người tỉnh táo nhất thì bị tai biến mạch máu não, liệt một tay, một chân, thường xuyên phải châm cứu. Biết được hoàn cảnh của bà, các bác sĩ ở đây rất quan tâm chữa trị, thỉnh thoảng giúp bà ít tiền, đường, sữa để về bồi dưỡng. Những người bệnh nằm cùng phòng với con bà cũng rất thông cảm với hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn của bà nên thường sẻ chia phần cơm của mình cho mẹ con bà ăn đỡ đói...”.
Anh Nguyễn Văn Việt ở xã Vị Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đưa người mẹ và người bác lên để chữa bệnh ở cùng phòng với con bà Sáu, nói: “Chúng tôi thấy hoàn cảnh gia đình bà Sáu rất đáng thương, những người xung quanh cũng rất thương bà Sáu và cũng đóng góp mỗi người vài chục ngàn đồng để giúp đỡ cho bà. Còn tôi dự định mua gạo cho bà nhưng lo bà già yếu không đem về được nên tôi gởi tiền cho bà một ít lấy thảo...”.
Đến thăm nhà bà Sáu ở xã Hỏa Lựu, mới thấy cuộc sống khốn khổ của một bà lão già nua, yếu đuối với ba người con bệnh tật. Bơi xuồng qua một con sông nhỏ, đến nhà bà Sáu chúng tôi thấy trước nhà là mấy cái phên phơi chuối hột. Căn nhà tềnh toàng, không một vật dụng nào có giá trị. Khi chúng tôi hỏi thăm bà có dẫn các con đi bênh viện tâm thần để chữa trị nữa không thì mắt bà đỏ hoe, bà tâm sự: “Tôi có dẫn hai đứa bị tâm thần đi bệnh viện, nhưng do phải đóng tiền phòng mỗi ngày, tôi không có đủ tiền để mua gạo ăn hàng ngày thì lấy đâu ra tiền mà đóng, nên đành dẫn con về nhà...”.
Ở địa phương cũng đã quan tâm giúp đỡ bà bằng cách cất cho gia đình bà một ngôi nhà tình thương và trợ cấp tiền mỗi quý là 360.000 đồng. Mặc dù được chính quyền địa phương và nhiều người xung quanh quan tâm, giúp đỡ, nhưng tuổi già sức yếu và nhiều đứa con bệnh tật, cuộc sống của gia đình bà hết sức chật vật, khó khăn. Mong các nhà hảo tâm quan tâm đến hoàn cảnh của bà Sáu, giúp gia đình bà vượt qua khó khăn.
Bài, ảnh: NGỌC NGA