01/12/2012 - 16:40

ASIAD 18 - Một bài toán khó

Một buổi tập của các vận động viên điền kinh đội tuyển quốc gia. Ảnh: thethaovn

Ngay sau khi thể thao Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019, mục tiêu giành đến 50 huy chương các loại đã được đặt ra. Nhưng theo các nhà chuyên môn, đây là mục tiêu cực kỳ khó khăn khi thành tích của thể thao Việt Nam ngày một đi xuống tại đấu trường châu lục. Nhớ lại ASIAD Busan (Hàn Quốc) năm 2002 được xem là thành công nhất của thể thao Việt Nam thì các vận động viên cũng chỉ mang về được 4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ, đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng. Còn sau đó, tại ASIAD Doha (Qatar) năm 2006 đoàn thể thao Việt Nam chỉ đạt được 3 HCV so với chỉ tiêu là 4-6 HCV. Thất vọng nhất là tại ASIAD Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010, khi các vận động viên chỉ mang về được 1 HCV.

Chính vì vậy, nhiều người đã lo ngại thể thao Việt Nam sẽ không có đủ lực lượng hùng hậu để có thể tranh tài tại ASIAD 18 với mục tiêu lọt vào tốp 10. Đó là những lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Ngay cả SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà năm 2003, Việt Nam cũng phải chuẩn bị lực lượng mất tới 10 năm. Lần này, ASIAD là sân chơi tầm châu lục, với quy mô và mức độ cạnh tranh "khốc liệt" gấp nhiều lần SEA Games, nhưng thời gian chỉ còn đúng 7 năm nữa. Ở bất cứ kỳ ASIAD nào, số người điều hành của đại hội tối thiểu cũng phải trên 10.000 người, trong đó bao gồm các bộ phận quản lý, chuyên viên, trọng tài, y tế, tình nguyện viên...Vừa chuẩn bị lực lượng điều hành vừa tìm kiếm vận động viên trong khoảng thời gian này là nhiệm vụ vô cùng nặng nề cho thể thao Việt Nam.

Tổng cục TDTT mới đây cho biết đang xây dựng đề án tổ chức ASIAD, trong đó có đề án lực lượng vận động viên tranh tài tại ASIAD 18. Có thể hiểu thể thao Việt Nam sẽ có một lứa vận động viên mới đang được lên kế hoạch xây dựng ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, có vẻ như thể thao Việt Nam đang đi ngược với cách làm của thể thao thế giới. Đơn giản bởi khi người ta đã sẵn sàng mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị về lực lượng, thì mới nên xin đăng cai. Còn Việt Nam lại xin đăng cai trước rồi chuẩn bị sau (!). Đó là chưa kể thời gian vừa qua, ngành thể thao làm không tốt công tác tìm kiếm, đào tạo vận động viên, dẫn đến khan hiếm tài năng thể thao ở nhiều bộ môn. Sau khi những lứa VĐV như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh... chuẩn bị giải nghệ, hiện các môn như điền kinh, cầu lông, bắn súng… vẫn chưa thấy có ai đủ sức kế thừa. Xem ra ASIAD 18 là bài toán khó cho thể thao Việt Nam.

THIÊN QUỐC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết