24/08/2018 - 07:48

Ánh sáng từ tiếng đờn 

Khiếm thị bẩm sinh nhưng chàng trai 26 tuổi Nguyễn Trường Ngoan (quê Cà Mau, hiện tạm trú tại phường Trà An, quận Bình Thủy) có tài năng âm nhạc bẩm sinh. Tự học qua radio, qua ngón đờn không chuyên của ông nội, tuy nhiên, Ngoan có thể chơi được đến 6 nhạc cụ. Tiếng đờn mang đến cho em ánh sáng niềm vui.

Trường Ngoan độc tấu Cổ bản. Ảnh: DUY KHÔI
Trường Ngoan độc tấu Cổ bản. Ảnh: DUY KHÔI

6 loại đờn mà Ngoan chơi thành thạo là sến, ghi-ta tân nhạc, ghi-ta phím lõm, cò, violon và mandolin. Ngoài ra, Ngoan giữ nhịp song lang rất tốt, giúp tiếng đờn lúc bổng trầm lúc nhặt khoan, điệu nghệ như tài tử thứ thiệt.

Tại buổi tổng kết lớp truyền dạy đờn ca tài tử mới đây do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ tổ chức, Ngoan là học viên, anh tự tin trình tấu báo cáo 1 lớp Cổ bản 8 câu làm nức lòng khán giả. Dù không nhìn thấy nhưng cách so dây nắn phím, chạy ngón… của Ngoan rất chuyên nghiệp và thành thục. Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, giảng viên lớp học cho rằng, đây là nhân tố đặc biệt với năng khiếu âm nhạc “trời cho”.

Trường Ngoan quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, theo mẹ và em gái lên Cần Thơ sinh sống từ hơn 1 năm nay. Bà Ngô Mỹ Duyên, mẹ Ngoan kể, năm 13 tuổi, Ngoan nghe ông nội đờn đờn cò tự chế nên lóng tai nghe theo và xin ông dạy. Ông nội thử sức cháu và Ngoan đã chinh phục được đờn cò. Từ đó, niềm đam mê cổ nhạc trong Ngoan lớn dần. Đồng hành với anh là chiếc radio cũ, anh thuộc lòng giờ nào có đài nào phát sóng ca cổ, cải lương. Tới giờ phát sóng, Ngoan cầm đờn lắng tai nghe tiếng nhạc trong radio rồi đờn theo. Vậy mà anh đã biết chơi nhiều nhạc cụ nhuần nhuyễn. Năng khiếu của anh khiến nhiều người bất ngờ đến không tin.

Ngoan kể, lúc còn ở Cà Mau, anh có đi đờn phục vụ các quán nhưng rồi ông nội chỉ muốn cháu đờn cho ông nghe nên Ngoan nghỉ, ở nhà. Hơn 1 năm sống ở Cần Thơ, không bạn bè, không ánh sáng, Ngoan lấy chiếc radio và cây đờn ghi-ta phím lõm làm bạn. “Nhờ biết đờn mà tôi bớt buồn, bớt suy nghĩ tiêu cực. Tôi thấy vui khi cầm cây đờn”, Trường Ngoan chia sẻ. Với anh, chinh phục một bài bản mới, một câu vọng cổ hay là thành quả đáng mừng vì việc chạy ngón, bấm phím của anh không được chuẩn xác như người sáng mắt. Anh nghe người khác đờn rồi tự rút ra những “bí quyết” riêng, ví như đờn bản Lưu thủy trường thì phải xuống chữ “Liu” trước…

Sở dĩ Ngoan đến được với lớp học đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức là nhờ ông Lê Văn Hùng, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ phường Trà An. Một dịp tình cờ, ông Hùng biết chuyện Ngoan khiếm thị mà đờn giỏi nên ông tình nguyện làm “tài xế” chở Ngoan đến Trung tâm Văn hóa thành phố tham gia lớp học. Chính sự hỗ trợ của ông Hùng giúp Ngoan tự tin hơn. Sau lớp học, ông Hùng còn mua tặng Trường Ngoan cây ghi-ta phím lõm rất đẹp. Ông Hùng nói: “Thấy cháu nó yêu thích đờn ca, sống lạc quan nên tôi thương lắm”. Ông Hùng còn cho biết, Ngoan sẽ là ngón đờn chính trong câu lạc bộ vì hiện “thầy đờn” đang rất hiếm.

Sống trong bóng tối nhưng Trường Ngoan đã tìm thấy ánh sáng cho riêng mình, đó là ánh sáng từ tiếng đờn làm say lòng người.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết