19/02/2023 - 16:45

An Giang trong sách lược biên phòng của nhà Nguyễn 

Nguyễn Hữu Hiệp

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển vùng đất, An Giang ngay từ thời của các Chúa Nguyễn và sau này khi triều đình nhà Nguyễn được lập nên, luôn được xem là vùng trọng yếu trong sách lược biên phòng phía Tây Nam.

Một góc An Giang nhìn từ núi Sam. Ảnh: Vĩnh Thông

Tỉnh An Giang được tượng hình từ dinh Long Hồ - 1 trong 12 dinh trực thuộc trung ương từ thời Chúa Nguyễn. Dinh Long Hồ được chia dựng ở vùng đất gọi châu Ðịnh Viễn từ mùa xuân năm 1732, lỵ sở ở địa phận thôn An Bình Ðông, huyện Kiến Ðăng, tục gọi là Ðình Cái Bè. Ðến năm 1757 dời dinh Long Hồ qua xứ Tần Xoi đổi tên là Hoằng Trấn dinh. Năm 1780 đem lỵ sở về, thôn Long Hồ đổi làm Vĩnh Trấn dinh. Sau khi Vua Gia Long lên ngôi (năm 1802) lập nên nhà Nguyễn, năm 1808 đổi châu Ðịnh Viễn làm phủ và Vĩnh Trấn dinh đổi làm Vĩnh Thanh trấn. Ðầu năm 1813 đắp thành trì, dựng công thự ở địa phận ấp Bình An và ấp Trường Xuân, thôn Long Hồ. Cũng trong thời Gia Long, địa giới toàn quốc được sắp xếp lại, cả nước có 23 trấn và 4 doanh (dinh). Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi: “Ðất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Ðốc tân cương, đặt ra chức Quản đạo, lệ vào trấn Vĩnh Thanh” (Long Hồ - Vĩnh Long). “Ðất ấy” từ năm 1757 đã được Chúa Nguyễn cho quan quân tới trấn giữ, đặt Châu Ðốc đạo; cùng lúc với Tân Châu đạo ở cù lao trên sông Tiền và Ðông Khẩu đạo ở phía nam sông Sa Ðéc. Ðịa bàn của An Giang giai đoạn xa xưa này tương ứng với huyện Vĩnh An, thuộc phủ Tân Thành, lệ vào trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long).

Thời vua Minh Mạng, từ năm 1831 và những năm tiếp theo, đổi sửa 23 trấn và 4 doanh thành 27 tỉnh, đồng thời chia phân một số nơi để cho ra đời thêm 4 tỉnh mới. An Giang là 1 trong 4 tỉnh mới ấy. Tháng 10 năm 1832 tỉnh An Giang chính thức được thành lập trên cơ sở cho nhập phần đất (huyện) Vĩnh An của (tỉnh) Vĩnh Long vào Châu Ðốc tân cương, chia đất ra làm 2 phủ 4 huyện. Cụ thể, lấy vùng Châu Ðốc tân cương cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long dựng 2 phủ Tuy Biên và Tân Thành, đặt 4 huyện là Tây Xuyên, Phong Phú, Ðông Xuyên và Vĩnh An (Tây Xuyên và Phong Phú thuộc phủ Tuy Biên; Ðông Xuyên và Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành). Năm 1835 lại lấy đất Ba Thắc dựng thêm phủ Ba Xuyên, đặt 2 huyện Phong Nhiêu, Phong Thịnh, và lấy huyện Vĩnh Ðịnh tỉnh Vĩnh Long, năm 1839 đặt thêm huyện An Xuyên, lệ vào phủ Tân Thành. Năm 1842 trích phủ Tĩnh Biên cùng 1 huyện Hà Dương thuộc tỉnh Hà Tiên cho lệ thuộc vào tỉnh An Giang. Năm Thiệu Trị thứ tư lại đem huyện Hà Âm đổi lệ vào phủ Tĩnh Biên. Năm Tự Ðức thứ ba bỏ phủ Tĩnh Biên, lấy 2 huyện Hà Âm, Hà Dương lệ vào phủ Tuy Biên. Thời vua Tự Ðức, An Giang có 3 phủ là: phủ Tuy Biên (các huyện Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Dương, Hà Âm), Phủ Tân Thành (các huyện Vĩnh An, An Xuyên, Ðông Xuyên) và phủ Ba Xuyên (các huyện Phong Nhiêu, Vĩnh Ðịnh).

Về diên cách tỉnh An Giang thời vua Tự Ðức, sách Ðại Nam nhất thống chí mô tả Ðông Tây cách nhau 94 dặm; Nam Bắc cách nhau 150 dặm; phía Ðông đến sông Tiền Giang giáp địa giới huyện Kiến Phong tỉnh Ðịnh Tường 48 dặm; phía Tây giáp địa giới 3 huyện Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên tỉnh Hà Tiên 46 dặm; phía Nam đến biển 108 dặm; phía Bắc đến 2 đồn Tiến An và Bình Di giáp địa giới Cao Miên 42 dặm; phía Ðông Nam đến địa giới 2 huyện Vĩnh Bình và Tuân Nghĩa tỉnh Vĩnh Long 196 dặm; phía Tây Nam đến địa giới tỉnh Hà Tiên 75 dặm; phía Ðông Bắc đến địa giới tỉnh Ðịnh Tường 26 dặm; phía Tây Bắc đến địa giới Cao Miên 44 dặm. Từ tỉnh lỵ đến kinh 2.300 dặm.

Ðể tiện phòng bị, sẵn sàng chống cự với ngoại xâm, kịp thời trừng trị bọn thảo khấu cướp phá lương dân miền biên viễn, ổn định cõi bờ phía Tây Nam, triều đình cho đặt lỵ sở tỉnh thành tại Châu Ðốc - nơi địa đầu quan yếu. Ðồn Châu Ðốc đắp tháng đầu 1816, sau do nước lụt làm lở đồn nên phải sửa sang gia cố lại vào cuối năm 1819. Nhưng sau đó, với tầm nhìn chiến lược, đầu năm 1833 vua Minh Mạng cho rằng địa thế đồn Châu Ðốc chật hẹp, chưa được tiện lợi, bèn khiến quan Giám thành theo Tuần phủ Ngô Bá Nhơn nhắm lựa chỗ nào sảng khải và đón được hai ngả sông Tiền, sông Hậu mà đàng đất vừa cân để làm thành tỉnh. Rồi lựa được xứ Long Sơn ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là chỗ hình thế hiểm trở. Tâu lên. Vua khiến Bộ Công đưa đồ thức đắp thành An Giang.

Lệnh ban xuống chưa kịp thi hành thì Nam Kỳ xảy ra việc Lê Văn Khôi gây binh biến. Lúc này tình hình an ninh đất nước rối ren nhiều nơi, mà Nam Kỳ là vùng nóng bỏng nhất, vì Lê Văn Khôi sau khi yếu thế trong cuộc binh biến, đã cầu viện quân Xiêm. Ðể khống chế vùng biên giới Tây Nam, triều đình bổ nhiệm Tổng đốc Sơn Tây Lê Ðại Cương làm Tổng đốc An Hà (coi 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên). Nhiệm vụ vị Tổng đốc đầu tiên của An Giang hết sức nặng nề, đúng vào thời điểm thù trong giặc ngoài. Tháng 8 năm 1833 Thự Án sát tỉnh Vĩnh Long là Doãn Uẩn đã cùng binh tướng thâu phục được tỉnh thành Vĩnh Long. Cùng lúc Án sát An Giang là Bùi Văn Lý cũng đem quân tiến đánh, chiếm lại được cả hai tỉnh An Giang và Hà Tiên. Thâu phục được hai tỉnh thành này là do trước đó, khi quân triều đình bị đánh tan, mất thành, Bùi Văn Lý rút quân về ẩn tại đồn Vĩnh Hùng (ở đường lạch bờ phía Ðông Hậu Giang, thuộc địa bàn huyện Ðông Xuyên) cùng với Thủ ngự Nguyễn Văn Bút chiêu tập quân nghĩa dõng được hơn 1.000 người, nhờ có đủ thực lực nên đã giành được thắng lợi.

Kinh Vĩnh Tế đóng vai trò quan trọng trong lịch sử An Giang. Trong ảnh: Kinh Vĩnh Tế những năm 1920. Ảnh: TL (Vĩnh Thông sưu tầm)

Cuối năm 1833 quân Xiêm tiến đến Vàm Nao, Tham tán đạo quân thứ An Giang là Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh thắng trận tại Thuận Cảng. Quân triều đình lập thêm được một chiến tích trên sông nữa vào đầu năm 1834. Trận thủy chiến này do Trương Minh Giảng chỉ huy và thắng lớn tại sông Cổ Hủ (trên sông Tiền khoảng từ cửa trên sông Vàm Nao xuống Chợ Thủ). Khi ấy, Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, giặc mới lui. Vua xuống dụ ban khen. Quân thứ An Giang thu phục đồn Châu Ðốc. Ðồng thời binh đạo Hà Tiên cũng lấy lại được tỉnh thành. Rồi hợp tiễu tiến đánh giặc ra khỏi giới hạn mới thôi.

Xong vụ Lê Văn Khôi, Tướng quân thành Trấn Tây là Trương Minh Giảng tâu nói: Thành tỉnh An Giang năm trước (1833) có bàn lập tại thôn Long Sơn (phía dưới Tân Châu) thuộc về tỉnh ấy, sau được thái bình, chưa kịp đắp thành, đào hào. Trước đây quan quân tỉnh ấy vẫn đóng tạm tại thành Châu Ðốc, mà kho tàng làm tạm bằng tre, gỗ để quyền trữ. Nay xin đem kho Vĩnh Viễn tại tỉnh Vĩnh Long mà nguyên lập ở tỉnh Gia Ðịnh chuyển vận qua tỉnh An Giang để làm nơi tích trữ. Vua dụ bảo rằng: Ðất thôn Long Sơn ở về thượng du, hình thế cao rộng quang đãng lại thêm hai bên có sông Tiền Giang và Hậu Giang, như thể là hai giải áo; thật là nơi hình thắng, vẫn nên đắp thành ở nơi ấy, nhưng nay quan quân trú đóng ở thành Trấn Tây thì tỉnh An Giang lại là một nơi như thể bụng con người, thời việc đắp thành không phải là việc cần cấp ngay trước mắt. Vả lại thành trì Châu Ðốc là nơi đã có sẵn cư trú ở đấy cũng đủ chống với quân địch. Còn việc làm kho tàng thì chuẩn cho thi hành như lời tâu.

Vì vậy thành tỉnh An Giang vẫn đặt y ở Ðồng Phú - Châu Ðốc.

Sau khi đã bình định được những cuộc binh biến và đánh tan quân xâm lược, cõi bờ yên ổn, cuối năm 1835 vua Minh Mạng cho đúc 9 cái đỉnh to, bằng đồng, gọi Cửu đỉnh, trên đó có khắc chạm những hình núi, sông, vật, tượng: Phàm các giống vật bay trên trời, lặn dưới nước, động vật, thực vật và đồ binh khí xe thuyền của nước ta, cho đến thiên văn địa lý lớn nhỏ, đều chạm vào đỉnh để làm báu nước muôn đời. Cửu đỉnh có tên lần lượt trước sau là: Cao đỉnh, Nhơn đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dũ đỉnh và Huyền đỉnh.

Ở đó, kinh Vĩnh Tế ở An Giang được chọn khắc trên Cao đỉnh là “đỉnh mở đầu” to và nặng nhất, đặt ở giữa, chồm hẳn tới trước. Do Vĩnh Tế là thủy đạo được đào bằng tay, xẻ nối từ sông Hậu (Châu Ðốc) đến Giang Thành (Hà Tiên - ra biển) nên người địa phương gọi kinh, còn sách sử thì gọi sông vì dài rộng như sông. Mạch thủy lợi này được xem như là một “công trình thế kỷ” lúc ấy, bởi tính đa dụng thực tiễn của nó: chẳng những vừa tiện ích cho việc giao thông, rất có lợi cho nông nghiệp và thương nghiệp, mà còn mang tính chiến lược rất hữu hiệu trong kế sách biên phòng phía Tây Nam Tổ quốc. Cho đến nay, kinh Vĩnh Tế vẫn còn giữ nguyên được giá trị đích thực ấy. Và sông Tiền Giang, Hậu Giang ở Nam Kỳ mà thượng nguồn là vùng đất An Giang - nơi ghi biết bao chiến tích oai hùng thuở mở đất - được chọn khắc trên Huyền đỉnh là “đỉnh tổng kết” trong hệ Cửu đỉnh. Các hình tượng ấy chính là những dấu ấn đậm đặc tính kiên cường, anh dũng của An Giang ngay từ thời mới dựng lập.

Chia sẻ bài viết