* Bút ký: Phạm Trung
Bài cuối: NHỮNG NGƯỜI GÌN GIỮ DẤU TÍCH OAI HÙNG
Ở xã Thạnh Hải hiện nay có một ông lão ngoài bảy mươi tuổi vẫn đêm ngày kể câu chuyện đời mình như một con tằm cố nhả hết tơ trước khi về với đất mẹ. Một phụ nữ giữ gìn cây bần hơn 50 năm tuổi cạnh nhà mình như một báu vật,
Họ là những người đã góp sức mình gìn giữ dấu tích con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
* Người kể sử quê hương
Ông Huỳnh Phước Hải (Sáu Hải), 71 tuổi, ngụ ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một trong những người đợt đầu tiên ra miền Bắc năm 1961 hiện còn sống. Hiện nay, ngoài việc chăm sóc hơn 2 công đất trồng củ sắn và nấu rượu, ông Hải còn cùng Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Hải hướng dẫn các đoàn tham quan, nhà báo đến địa phương khi họ muốn tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông cho biết: “Thỉnh thoảng một số trường học mời tôi đến nói chuyện về đường Hồ Chí Minh trên biển cho học sinh nghe”. Ông Hải nói rằng đời ông tự hào, vui sướng nhất chính là chuyện mình được Bác Hồ tặng viên kẹo Sôcôla trong lần gặp Bác vào cuối năm 1961. Lúc đó, trong đoàn ra Bắc xin vũ khí, ông là người nhỏ tuổi nhất nên được Bác tặng viên kẹo đầu tiên và ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên học tập để chuẩn bị trở về miền Nam chiến đấu. Lời động viên của Bác năm xưa đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp ông vững vàng trên con tàu Phương Đông 1 đưa 30 tấn vũ khí đầu tiên cập bến tại Cà Mau an toàn. Liên tục từ năm 1962-1967, ông Hải đi thêm 5 chuyến tàu, vận chuyển hơn 1.000 tấn vũ khí chi viện miền Nam. Đến năm 1968, ông chuyển sang Quân đoàn 1; từng tham gia giải phóng miền Nam vào năm 1975. Bây giờ, vui sống an nhàn cùng con cháu, ông Hải vẫn không sao quên thời gian nan “cứ nhắm sao Bắc Đẩu mà đi”. Mỗi lần kỷ niệm ùa về ông lại lấy khăn lau tấm ảnh tàu “không số”, nâng niu từng tấm ảnh ông chụp cùng đồng đội mỗi lần gặp mặt, những quyển sách viết về đường Hồ Chí Minh trên biển,... Ông Hải tâm sự: “Niềm vui của tôi bây giờ là được gặp đồng đội, được nói chuyện cho các nhà báo, các cháu học sinh về những chiến công trên con đường huyền thoại trước khi nhắm mắt. Cuộc đời tôi chỉ còn ước nguyện đó”.
|
Bà Đào Thị Sên bên cây bần được gia đình gìn giữ 50 năm qua, cũng là nơi neo đậu của những con tàu “không số” đầu tiên. Ảnh: PHẠM TRUNG. |
* Cây bần sừng sững 50 năm...
Ông Nguyễn Văn Đức, ông Đặng Bá Tiên và những người đầu tiên mở đường ra Bắc ở tỉnh Bến Tre mỗi lần nhắc chuyện cũ đều nhớ đến ông Lưu Văn Lợi (Hai Ghiền) ở Cồn Tra, xã Thạnh Hải. Nhà ông Hai Ghiền là cơ sở cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, cách nơi đặt Sở chỉ huy Đoàn 962 chỉ vài mươi mét. Ông Nguyễn Văn Đức kể: “Nhà ông Hai Ghiền là nơi chúng tôi sống tạm trong những ngày về Cồn Tra chuẩn bị ra Bắc. Cái bến cạnh nhà ông Hai Ghiền là chỗ chúng tôi neo đậu ghe trong những ngày tập dợt vượt biển. Nơi đó, cây cối um tùm lại có con rạch thông ra biển nên tàu ghe ra vào rất an toàn”. Ông Hai Ghiền mất 1983 nhưng vị trí nhà ông thì vẫn nguyên chỗ cũ. Giờ đây, trên nền nhà xưa là nơi sinh sống của con dâu ông là bà Đào Thị Sên (58 tuổi). Vì cuộc mưu sinh, nhiều năm trước bà Sên cải tạo con rạch thành mấy vuông tôm chia cho con cháu nhưng vẫn còn giữ một cây bần cạnh nhà. Bà Sên tâm sự: “ Tôi vẫn thường nói với mấy đứa con, cái gì thay đổi cũng được chứ cây bần này không được đốn vì đây là kỷ vật của ông nội và của quê hương mình”.
Cây bần cao gần 10m, thân nó một người lớn ôm không xuể. Nhìn từ xa nó cũng như bao cây bần khác trên đất Thạnh Hải này. Điểm khác là tàng của nó to hơn, bóng rợp như một cây đại thụ và là chứng tích của một thời oai hùng gắn liền với lịch sử đoàn tàu “không số”. “Một cây bần bình thường nhưng bất cứ ai muốn tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh trên biển nên đứng dưới bóng nó một lần”- ông Nguyễn Văn Nghiệp (cựu chiến binh xã Thạnh Hải) nói với chúng tôi như thế. Bởi ông là một trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sống và thường dẫn các nhà báo đến đây khi họ muốn tìm hiểu về lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Mỗi lần thăm lại bến cũ, ông đều dặn bà Sên: “Bây nhớ giữ cây bần này. Đừng bao giờ đốn nó vì như thế vài chục năm sau chẳng ai thấy bóng dáng gì của một nơi từng là điểm xuất phát của những con tàu huyền thoại”. Bao giờ bà Sên cũng nở nụ cười hồn hậu, lễ phép trả lời: “Con hứa mà. Con sẽ bảo vệ nó. Nếu nó chết, con sẽ trồng một cây khác thay thế để cho mai sau mọi người đều biết”.
|
Anh Đoàn Văn Nguyễn kể lại chuyện mình phát hiện ra vị trí con tàu mang số hiệu 65 bị hủy năm 1964. Ảnh: PHẠM TRUNG |
* Con tàu 65 trong lòng đất...
Rời Thạnh Hải, chúng tôi tiếp tục hành trình về Cồn Lớn (ấp 6, xã Thạnh Phong) để tìm lại dấu vết con tàu số hiệu 65 bị hủy năm 1964. Cách đây mấy năm có một người nuôi tôm tên Đoàn Văn Nguyễn trong một lần bơm đất cải tạo vuông thì máy bơm bị hư liên tục do va vào những mảnh thép. Sau mới vỡ lẽ dưới đó có nhiều mảnh thép của chiếc tàu nổi tiếng năm nào. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn rất vui vì câu chuyện về chiếc tàu chở vũ khí năm xưa tưởng như chìm vào quên lãng sau mấy chục năm đã có người tìm tới hỏi thăm. Đưa chúng tôi ra chỗ xác con tàu, anh Nguyễn chỉ tay về phía hố nước giữa cái vuông cạn, cho biết: “Trước đây, nghe mấy cậu tôi nói từng có một con tàu “không số” chìm ở khu vực này nên lúc đó mới biết chính xác nó nằm trong vuông tôm của mình. Mấy lần sau, tôi bơm đất lên còn thấy cả đạn”. Nơi mà con tàu năm xưa nổ tung chỉ còn lại một hố sâu xen giữa đám cây đước, cây bần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là xác con tàu 65 chở hơn 100 tấn vũ khí, bị mắc cạn vì đi lệch đường. Lãnh đạo bến đã cho hủy con tàu bằng khối thuốc nổ 2 tấn. Tiếng nổ của nó chấn động cả vùng biển Thạnh Phong, khiến địch nghi ngờ nên từ đó về sau quan tâm hơn các bến, bãi thuộc Thạnh Phong. Đây là 1 trong 3 chiếc tàu gởi thân mình lại bến Thạnh Phong trong suốt lịch sử hình thành bến.
Theo anh Nguyễn, năm 2008, có một đoàn công tác từ tỉnh về mang theo lỉnh kỉnh máy móc đến khảo xác, định khai quật con tàu. Nhưng không hiểu sao người ta để yên nó ở đó đến giờ. Một số người khác nghe tin có ý định đến khai thác để bán sắt vụn đều bị anh Nguyễn ngăn chặn. Anh Nguyễn tâm sự: “Phải bảo vệ nó bằng mọi giá, anh à. Tôi ước gì lãnh đạo địa phương đặt ở đây một tấm bia kỷ niệm thì hay quá. Chứ thế này, vài chục năm sau nó sẽ mất hút trong những rừng bần, rừng đước thôi”. Một điều khá thú vị là gần 50 năm trước, ông, bà, cha, mẹ ruột của anh Nguyễn và cả bên nhà vợ anh đều tham gia vận chuyển vũ khí từ con tàu này trước khi phá hủy. Anh Nguyễn vui vẻ nói: “Chắc là số phận an bày cho nó gắn bó với tôi vì mấy ngàn cái vuông tôm quảng canh ở đây làm gì có người sở hữu một con tàu thứ hai. Bà ngoại vợ tôi cũng thường kể cho các cháu nghe chuyện bà đi vận chuyển vũ khí năm nào. Mấy đứa nhỏ thích lắm, đi đâu cũng tự hào khoe với bạn bè là “nhà mình có một con tàu không số”.
Chúng tôi chia tay anh Nguyễn, băng rừng trở về, lòng bồi hồi trước những câu chuyện hào hùng năm xưa và tình cảm của những người đang góp sức mình bảo vệ dấu tích lịch sử hôm nay. Trong niềm xúc động xen lẫn tự hào đó chúng tôi chợt nhớ đến lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bức điện gởi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Xin được mượn lời ông để kết thúc bài viết này như một lời tri ân: “Năm tháng sẽ qua đi nhưng những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên Biển Đông, của các chiến sĩ tàu “không số”, của quân dân các bến, bãi làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển...”.